Cao su cũng muốn có sàn giao dịch
Để có thể tạo được đầu mối chung trong việc giao dịch cao su của người dân và doanh nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đang có kế hoạch thành lập sàn giao dịch cao su.
Một công nhân đang làm việc tại một nhà máy chế biến mủ cao su. Ảnh: TL.
|
Theo thông tin từ Ban xuất khẩu của VRG việc thành lập sàn giao dịch sẽ dựa trên cơ sở tham khảo từ các sàn giao dịch quốc tế và các chuyên gia.
Trong thời gian qua, để biết giá cao su trên thị trường, cá nhân, doanh nghiệp trong ngành thường tham khảo giá cao su trên sàn TOCOM của Nhật, SHFE ở Trung Quốc, sàn AFET tại Thái Lan hay sàn SGX của Singapore. Tuy nhiên, số liệu được nhiều doanh nghiệp cao su sử dụng là trên sàn TOCOM và căn cứ vào đây để lấy làm giá chuẩn cho các giao dịch mua bán. Hiện Việt Nam đã có sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) có giao dịch sản phẩm cao su RSS3.
Phía VRG cho biết, trong khi chờ sàn giao dịch thành lập và đi vào hoạt động, VRG sẽ quản lý giá bán bằng cách đưa ra giá sàn cho từng sản phẩm cao su khác nhau. Hiện giá cao su tại một số tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên cho loại mủ RSS3 là 28.200 đồng/kg, cao su loại SVR10 là 23.100 đồng/kg, Cao su SVR3L là 28.000 đồng/kg, tăng từ 100- 200 đồng/kg so với ngày trước đó
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN &PTNT), trong 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu được 137.000 tấn cao su các loại, giá trị thu về là 202 triệu đô la Mỹ, tăng 30,5% về lượng nhưng lại giảm hơn 6% về giá trị so với cùng kỳ 2014.
Giá cao su xuất khẩu bình quân trong tháng 1-2015 là 1.423 đô la Mỹ/tấn, giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ vẫn tiếp tục là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam.
Tự Phong
tbktsg
|