Thứ Hai, 16/02/2015 15:13

“Việc làm vẫn tập trung ở nhóm ngành có năng suất lao động thấp”

Những kết quả nghiên cứu về năng suất lao động, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thời gian gần cho thấy đã đến lúc Việt Nam cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường kết nối thanh niên với thị trường lao động.

Trong cuộc trao đổi với báo chí trong dịp đầu năm mới Ất Mùi 2015, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã giải đáp những thắc mắc xung quanh các vấn đề về năng xuất lao động của Việt Nam, đổi mới dạy nghề và cải thiện việc làm cho thanh niên trong thời gian tới.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng cần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực để tăng năng suất lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

-Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì năng suất lao động của nước ta đang ở mức thấp nhất khu vực, vậy Bộ trưởng có đánh giá thế nào về kết quả này? Xin Bộ trưởng cho biết kế hoạch nâng cao năng suất lao động của Bộ Lao dộng-Thương binh và Xã hội trong thời gian tới?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Năng suất lao động là một chỉ tiêu phản ánh năng lực, kết quả sản xuất của một quốc gia. Năng suất lao động phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, khả năng quản lý.... Hiện nay, Việt Nam xếp thứ 7/10 nước ASEAN về năng suất lao động.

Năng suất lao động của Việt Nam thấp  một phần do trình độ công nghệ sản xuất của Việt Nam thấp, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ lạc hậu, đặc biệt trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỷ lệ công việc thủ công, giản đơn còn lớn.

Bên cạnh đó, việc làm vẫn tập trung ở nhóm ngành có năng suất thấp, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp còn cao chiếm tới 47 %. Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đa số lao động trong nông nghiệp chưa qua đào tạo dẫn đến năng suất lao động thấp. Tổng lao động đã qua đào tạo tăng nhưng lao động có chứng chỉ, bằng cấp mới đạt 18,25%.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng năng xuất lao động xã hội như nói ở trên phản ánh năng lực sản xuất của một quốc gia, không phản ánh năng lực cá nhân. Do vậy, nếu nói rằng một người lao động Singapore tạo ra của cải, giá trị bằng 15 người lao động Việt Nam là không có cơ sở vì sự chênh lệch này còn do công nghệ sử dụng và hiệu quả của quản lý.

Theo tôi, để tăng năng suất lao động phải bằng nhiều giải pháp như đổi mới công nghệ, tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo trách nhiệm quản lý được Chính phủ phân công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Quốc hội thông qua Luật giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nhân lực có tay nghề cao, lựa chọn ra các nghề trọng điểm để đầu tư đào tạo, xây dựng khung trình độ nghề quốc gia… để tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện năng suất lao động trong thời gian tới.

- Luật giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội thông qua sẽ là nền tảng cho những thay đổi trong công tác dạy nghề, vậy Bộ có kế hoạch ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện luật này như thế nào để luật có thể triển khai trong thực tế?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Luật giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Để triển khai thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì nghiên cứu, soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Trong năm nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ ban hành 3 nghị định, 3 quyết định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Các nghị định, quyết định này sẽ quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục nghề nghiệp, phụ cấp đặc thù cho nhà giáo, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, chính sách hỗ trợ trong dạy nghề, quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề…

Luật Giáo dục nghề nghiệp là cơ hội để đổi mới dạy nghề trong thời gian tới. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh xây dựng các nghị định, quyết định trình Chính phủ phê duyệt, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã giao Tổng cục Dạy nghề dự thảo 24 Thông tư hướng dẫn các nội dung khác của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Trong thời gian tới, Luật Giáo dục nghề nghiệp được triển khai sẽ góp phần thực hiện mục tiêu  đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề với việc làm. Đặc biệt, đẩy nhanh việc xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động.

-Thưa Bộ trưởng, song song với đào tạo nghề thì vấn đề tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cũng được người dân đặc biệt quan tâm trong năm qua. Vậy xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp của Bộ nhằm cải thiện việc làm cho thanh niên trong năm 2015?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Hiện nay, đất nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình đó đang đưa lại cho thanh niên những thời cơ về việc làm.

Để hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, trong thời gian tới Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ được đấy mạnh hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, tập trung cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, các khóa đào tạo... để giúp thanh niên, sinh viên lựa chọn và quyết định học nghề, lập nghiệp, tham gia thị trường lao động…

Chúng tôi đang tập trung nâng cao năng lực của hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm, phát huy tối đa vai trò kết nối cung - cầu lao động. Để đẩy mạnh tạo việc làm cho thanh niên, các trung tâm giới thiệu việc làm cùng với các cơ sở đào tạo nghề, các trường cao đẳng, đại học sẽ cùng nhau tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm.

Bên cạnh các hoạt động kết nối thanh niên với thị trường lao động thì về mặt chính sách, chúng tôi đang hoàn thiện, xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật việc làm, Luật giáo dục nghề nghiệp, trong đó ưu tiên thanh niên thông qua các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ thanh niên khởi sự kinh doanh… qua Quỹ Quốc gia về việc làm… để tạo điều kiện cho thanh niên có việc làm chất lượng tốt hơn.

-Xin cảm ơn Bộ trưởng!/.

Hồng Kiều

vietnam+

Các tin tức khác

>   Pegas Touristik lập công ty quản lý khách sạn ở Việt Nam (16/02/2015)

>   Nông nghiệp ngày càng khó thu hút đầu tư nước ngoài (16/02/2015)

>   Những “cuộc đua” phát triển 3G (16/02/2015)

>   Kỳ vọng từ các hiệp định thương mại tự do (16/02/2015)

>   Nỗi lo giá dầu: Sức ép cải cách, thúc đẩy sáng tạo (16/02/2015)

>   Mở luồng Soài Rạp, TPHCM “gần hơn với biển” (15/02/2015)

>   Nhập siêu từ Trung Quốc: Chóng mặt! (15/02/2015)

>   Giữ thị trường nội địa: Quyết định là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng... (14/02/2015)

>   Điểm sức cạnh tranh của hàng Việt (14/02/2015)

>   Ngành giao thông thưởng Tết mạnh tay (14/02/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật