Vẫn là chuyện thừa thầy, thiếu thợ
Theo quy luật, con người làm ra của cải, vật chất và vì vậy nguồn nhân lực chính là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự giàu mạnh hay yếu kém của một nền kinh tế. Hơn thế, vấn đề này càng quan trọng trong bối cảnh hội nhập, khi mỗi quốc gia phải cạnh tranh về nhiều mặt với các đối thủ khác.
Thế nhưng, chuyện chất lượng nguồn nhân lực cũng như cơ cấu đội ngũ lao động nước ta đang có sự thiên lệch và chắc chắn là gây hậu quả không nhỏ. Trong cơ chế thị trường, khi sức lao động là hàng hóa và phải có cái mà thị trường cần để bán thì thực tế lại đang diễn ra theo hướng ngược lại; tức là ta không thể bán thứ mình đang có do thị trường không cần. Đơn cử, hiện cả nước có khoảng 9 nghìn giáo sư và hơn 24 nghìn tiến sĩ - một số lượng rất đông, là ước mơ của nhiều quốc gia láng giềng, nhưng chất lượng các giáo sư, tiến sĩ của ta không cao hoặc đặc sắc đến mức các nước khác phải thuê làm việc.
Ngược lại, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ vào Việt Nam lại rất cần lực lượng lao động có tay nghề hoặc chuyên gia giỏi để làm việc tại các nhà máy, cơ sở sản xuất của họ. Nhưng đã có nhiều cuộc tuyển chọn người lao động mà chủ đầu tư không tuyển được đủ số lượng do Việt Nam thiếu nguồn lao động chất lượng cao. Chính phủ cũng xác nhận, chất lượng lao động chính là một "điểm nghẽn" của nền kinh tế, cần nhanh chóng giải quyết.
Nguyên nhân của thực trạng trên thì có nhiều, nó cũng là hệ lụy của một quá trình đào tạo mất cân đối, lại thiếu chất lượng kéo dài triền miên. Thiết nghĩ, để giải bài toán "thừa thầy, thiếu thợ" vẫn là một vấn đề nan giải và câu trả lời xin chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền…
Kính Lúp
hà nội mới
|