Quyết liệt xử lý các DN chây ì giảm giá cước
Bên cạnh những doanh nghiệp vận tải giảm giá cước nghiêm túc, có không ít doanh nghiệp áp dụng nhiều “chiêu” để chây ì giảm giá. Liên Bộ đã siết chặt kiểm tra bằng cách bóc tách các chi phí kinh doanh từ đó xác định được sự phù hợp giữa mức giảm giá cước với mức giảm giá nhiên liệu, đồng thời quản lý chặt việc kê khai giá.
Đây là thông tin được Đại diện Bộ Tài chính đưa ra tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước vận tải ngày 11/2.
Liên Bộ cho biết, các đơn vị được kiểm tra chấp hành đầy đủ quy định về niêm yết giá vé tại nơi bán vé và trên phương tiện theo đúng quy định. Hầu hết các đơn vị được kiểm tra đã thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý Nhà nước, mức giá kê khai tương đối phù hợp với biến động chi phí đầu vào, yếu tố giảm giá nhiên liệu và tỷ trọng chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải.
Tuy nhiên, vẫn còn có những đơn vị kê khai với tỷ lệ giảm giá còn thấp hoặc còn có đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định chưa điều chỉnh giảm giá.
Cụ thể, đến hết tháng 12/2014, giá cước vận tải bằng ô tô đã điều chỉnh giảm 1 đợt, giác cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm từ 0,92% đến 26,32%, phổ biến giảm từ 3-10%, giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm từ 3-21,7%, phổ biến giảm từ 5-10%. Bộ GTVT tiếp tục chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra công tác quản lý và thực hiện giá cước vận tải tại 4 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Nghệ An, Hà Nội, Cần Thơ).
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính khẳng định, đối với các đơn vị kê khai giá với mức giảm giá chưa phù hợp với biến động giảm giá xăng dầu và chi phí đầu vào, Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính địa phương có văn bản yêu cầu các đơn vị này tiếp tục thực hiện kê khai giảm giá.
Đáng chú ý, tại Hợp tác xã (HTX) vận tải đường bộ TP. Thủ Dầu Một (tại Bình Dương) Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính hành vi kê khai giá cước không hợp lý, chưa kịp thời, chưa đúng quy định, thiếu bảng giải trình chi tiết các khoản chi phí vận tải kèm theo hồ sơ kê khai giá cước, vi phạm quy định. Trường hợp này bị đề nghị làm thủ tục chuyển Thanh tra Bộ Tài chính ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Liên Bộ đánh giá, các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tài chính và Sở Giao thông vận tải thì kết quả thực hiện kê khai giá cước tại các địa phương này có hiệu quả. Sở Giao thông vận tải với chức năng quản lý chuyên ngành vận tải, cấp giấy phép và quản lý điều kiện kinh doanh của các đơn vị có vai trò quan trọng trong việc đôn đốc các đơn vị thực hiện quy định về kê khai giá, niêm yết giá. Trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp. Trong đó, chú ý việc phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý kê khai giá cước trên các tuyến đối lưu (2 chiều) giữa hai địa phương.
Về phương pháp kiểm tra, ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó Chánh Thanh tra (Bộ Tài chính) cho biết, phương pháp kiểm tra được thực hiện là bóc tách các chi phí kinh doanh từ đó xác định được sự phù hợp giữa mức giảm giá cước với mức giảm giá nhiên liệu.
Đánh giá chung về đợt kiểm tra này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, qua đợt kiểm tra đã có doanh nghiệp dùng “chiêu” chuyển từ kê khai bằng cách thay vì kê khai giá cước ở tỉnh A lại chạy sang tỉnh B do tỉnh B có sự phối hợp không chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng nên việc kiểm soát mức kê khai dễ dàng hơn. Với trường hợp này, liên Bộ yêu cầu cơ quan quản lý địa phương kiểm tra chặt chẽ hơn và buộc kê khai đúng quy định.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, liên Bộ đã rất tích cực trong việc kiểm soát hoạt động kê khai của các doanh nghiệp. Theo đó, yêu cầu cơ quan chức năng địa phương áp dụng biện pháp ấn định ngày, buộc doanh nghiệp phải kê khai lại giá cước. Sau ngày đó, nếu doanh nghiệp vẫn chưa kê khai sẽ lập biên bản xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Huy Thắng
chính phủ
|