Thứ Hai, 09/02/2015 13:53

UBCKNN: Nhìn lại hoạt động hợp tác quốc tế năm 2014

Năm 2014, UBCKNN tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, hội nhập và quảng bá hình ảnh của ngành chứng khoán Việt Nam ra quốc tế, với một số hoạt động nổi bật như sau:

Đối với các hoạt động hợp tác song phương

Năm 2014 là năm đánh dấu mối quan hệ chiến lược giữa Việt Nam - Nhật Bản, điển hình là Hội nghị xúc tiến đầu tư “Việt Nam - điểm đến của nhà đầu tư Nhật Bản” được tổ chức vào ngày 25/4/2014 tại Tokyo. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì với sự có mặt của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm Trưởng Ban Đổi mới Doanh nghiệp Nhà nước Phạm Viết Muôn, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, đã thu hút gần 200 lãnh đạo, nhà quản lý cấp cao, thuộc các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, các tổ chức tài chính hàng đầu Nhật Bản và thế giới (Nomura, Daiwa, Mitsubishi, Mizuho, SBI, Sumitomo, Resona, JP Morgan, Aizawa…), các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã và đang trong tiến trình cổ phần hóa và các doanh nghiệp lớn, các công ty chứng khoán Nhật Bản tham gia. Hội nghị là cơ hội để Việt Nam giới thiệu, quảng bá chính sách thu hút đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam; đối thoại nhằm hoàn thiện hơn nữa môi trường chính sách cho đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam, bao gồm khung chính sách và cơ hội tham gia vào quá trình tái cấu trúc kinh tế - cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội kết nối các đối tác Việt Nam và các tập đoàn tài chính, nhà đầu tư Nhật Bản.

Trước đó, tháng 3/2014, UBCKNN đã ký kết Thư trao đổi hợp tác (EoL) với Cơ quan các Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (JFSA). Theo Bản ký kết, hai Cơ quan quản lý tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về quản lý và giám sát thị trường vốn, hạ tầng thị trường vốn, các hiệp hội và ngành chứng khoán; các giải pháp liên quan đến tổ chức phát hành và nhà đầu tư và các lĩnh vực khác theo thỏa thuận. Sự hợp tác trên sẽ được thực hiện thông qua việc trao đổi nhân sự khi cần thiết, các hoạt động đào tạo tại Việt Nam và Nhật Bản, hội nghị, diễn đàn tại Việt Nam hoặc Nhật Bản và hỗ trợ biệt phái cán bộ. Để triển khai các hoạt động theo Bản ký kết, trong năm 2014, phía JFSA đã hỗ trợ cho cán bộ UBCKNN tham gia các khóa đào tạo tại Nhật Bản như: Chương trình Tọa đàm Tokyo (vào tháng 3 và tháng 11/2014); chương trình học tập, công tác ngắn hạn tại Trung tâm Hợp tác Tài chính châu Á (AFPAC). Tháng 11/2014, UBCKNN phối hợp với JFSA tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm sáp nhập 2 SGDCK Nhật Bản” nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, cách thức tổ chức và quản lý thị trường trước, trong và sau khi sáp nhập. Ngoài các hỗ trợ của JFSA, UBCKNN cũng đã nhận được sự hỗ trợ hàng năm của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) dành cho cán bộ Ủy ban tham gia khóa đào tạo về Phát triển SGDCK tại các nước châu Á.

Với CHDCND Lào, UBCKNN đã thực hiện vai trò là đầu mối liên hệ và tổ chức thành công các chương trình đón tiếp, đào tạo đối với các đoàn công tác lãnh đạo cấp cao của ngành tài chính Lào. Trong đó, phải kể đến việc tổ chức các hội thảo về kinh nghiệm phát triển thị trường vốn và chương trình đào tạo về tầm quan trọng của phát triển thị trường vốn đối với sự phát triển nền kinh tế đất nước cho gần 90 cán bộ cấp cao của Chính phủ, các bộ ngành và các doanh nghiệp lớn của CHDCND Lào, chương trình đào tạo về “Thanh tra giao dịch bất thường và giám sát thị trường” cho đoàn cán bộ UBCK Lào và SGDCK Lào, đón đoàn UBCK Lào vào làm việc tại UBCKNN, hội thảo về các nội dung: lưu ký chứng khoán, hội nhập, quản trị công ty, chính sách khuyến khích niêm yết, quản lý quỹ, thanh tra kiểm tra, kiểm toán, đánh giá mức độ tín nhiệm. Bên cạnh đó, UBCKNN đã đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án chương trình hợp tác kỹ thuật nhằm góp phần nâng cao Năng lực giám sát an toàn Thị trường tài chính của Ngân hàng CHDCND Lào; đóng góp ý kiến vào bản Dự thảo phát triển thị trường vốn Lào trong giai đoạn sắp tới và tổng hợp ý kiến đóng góp dự thảo Chiến lược phát triển thị trường vốn Lào giai đoạn 2016-2025.

Các hoạt động nói trên đã thể hiện tinh thần hợp tác hữu nghị anh em giữa CHDCND Lào và Việt Nam nói chung, UBCKNN Việt Nam và UBCK Lào nói riêng. Các cán bộ của UBCKNN đã góp phần giúp đỡ UBCK Lào hoàn thiện các cơ chế quản lý, khung chính sách, đồng thời cung cấp một số kiến thức cơ bản về hoạt động thanh tra, giám sát giao dịch, đặc biệt là giao dịch bất thường trên TTCK. Đặc biệt, UBCKNN đã bước đầu cung cấp các tài liệu về hội nhập, để giúp Lào có những bước chuẩn bị vào thị trường vốn quốc tế và các tổ chức quốc tế như IOSCO. Chiến lược phát triển do UBCK Lào soạn thảo cũng đang được hoàn thiện từng bước với sự góp ý, cùng nghiên cứu của UBCKNN. Các cán bộ của UBCK Lào đã được đào tạo tại chỗ tại Ủy ban, SGDCK Hà Nội, để tiếp nhận các kiến thức thực tiễn về quản lý giao dịch.

Với CHLB Đức, năm 2014, trên cơ sở đề xuất của UBCKNN, phía Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GIZ) đã hỗ trợ UBCKNN trong các hoạt động tư vấn về trái phiếu Index Futures và Bond Futures, thông tư, nghị định về chứng khoán phái sinh để phục vụ công tác xây dựng khuôn khổ pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh. Thông qua hoạt động tư vấn, góp ý của các đoàn chuyên gia GIZ, UBCKNN đã hoàn thiện được một số văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời có thêm nhiều tài liệu tham khảo, nghiên cứu về thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh quốc tế.

Đồng thời, GIZ tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho cán bộ Ủy ban tham gia Chương trình đào tạo về tăng cường chính sách vĩ mô năm 2014 tại Đức. UBCKNN đã phối hợp với GIZ triển khai 2 đoàn khảo sát về các nội dung giám sát, thanh tra thị trường, nâng cao năng lực quản lý thị trường vốn trong thời kỳ mới. Thông qua các hoạt động nói trên, tinh thần hợp tác, hỗ trợ trao đổi thông tin giữa GIZ và UBCKNN càng trở nên bền chặt. Dự án “Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô” kết thúc với nhiều thành tựu, tạo tiền đề xây dựng các chương trình tiếp nối trong chương trình “Tài chính xanh” trong những năm tiếp theo.

Với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, UBCKNN phối hợp với các cơ quan đàm phán thực hiện Đạo luật Tuân thủ Thuế đối với các tài khoản ở nước ngoài của Hoa Kỳ (FATCA). Chính phủ đã đồng ý với chủ trương và phương pháp thực hiện do UBCKNN - Bộ Tài chính đề xuất, qua cơ quan chủ trì (NHNN Việt Nam). UBCKNN đã hướng dẫn các tổ chức tài chính trong ngành chứng khoán thực hiện tuân thủ theo FATCA.

Trong các dự án, hỗ trợ kỹ thuật từ các chính phủ, tổ chức tài chính quốc tế, UBCKNN đã đàm phán, khai thác tài trợ cho dự án “Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ (thời gian thực hiện từ 2013-2018). Dự án tập trung vào mục tiêu tăng cường thương mại và đầu tư; đẩy mạnh khả năng cạnh tranh của lĩnh vực tư nhân; tăng cường nhà nước pháp quyền và hiệu quả hoạt động tư pháp; quản lý tài chính và hành chính công hiệu quả hơn; và sự tham gia toàn diện về kinh tế và xã hội mở rộng. Trong năm 2014, UBCKNN đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính và Ban Quản lý Dự án xây dựng đề xuất hỗ trợ của UBCKNN căn cứ theo chương trình hoạt động trọng tâm của Ủy ban.

Với Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len, UBCKNN tiếp tục phối hợp triển khai Hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ thịnh vượng Anh (thông qua Đại sứ quán Anh tại Việt Nam). Dự kiến phía Anh sẽ hỗ trợ UBCKNN tổ chức Hội thảo về phái sinh và Quản trị công ty.

Với Hàn Quốc, UBCKNN đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Công ty đầu tư Shinhan. Nội dung của bản thỏa thuận liên quan đến việc xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam, quản lý nợ xấu thông qua các công ty chứng khoán và nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng tại các công ty chứng khoán.

Các hoạt động hợp tác đa phương

Về các hoạt động hợp tác đa phương, năm 2014 đánh dấu những bước tiến mới trong vai trò ngày một chủ động, tích cực của UBCKNN tại Tổ chức Quốc tế các UBCK (IOSCO), tổ chức định ra các tiêu chuẩn, nguyên tắc quốc tế về quản lý, vận hành TTCK trên thế giới, một trong những hiệp hội ngành nghề quốc tế quan trọng cho sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý thị trường vốn. Với tư cách là thành viên chính thức ở cấp độ cao nhất của IOSCO, ngành chứng khoán Việt Nam ngày càng có tiếng nói quan trọng hơn, với uy tín ngày một được nâng cao trên diễn đàn quốc tế này. Cụ thể, tại Hội nghị thường niên 2014 (Braxin), đoàn công tác của UBCK đã tham gia bỏ phiếu bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Tiểu ban Khu vực châu Á –Thái Bình Dương (APRC), Tiểu ban Tăng trưởng và các Thị trường mới nổi (GMEC)… Việt Nam cũng sẽ tích cực tham gia vào việc nghiên cứu đưa ra một Biên bản ghi nhớ đa phương về Hợp tác và Trao đổi thông tin (MMoU) mới, thay thế MMoU hiện tại. MMoU hiện tại được thông qua năm 2002, đã rất thành công trong tăng cường hiệu quả của công tác phòng chống các hành vi vi phạm và gian lận xuyên biên giới. Hiện nay đã có 103 thành viên tham gia ký kết đầy đủ MMoU, trong đó có Việt Nam. Với tư cách là thành viên đầy đủ, ở cấp độ cao nhất của IOSCO, ngành chứng khoán Việt Nam đã có vị thế cũng như trách nhiệm mới trên bản đồ TTCK toàn cầu.

Các hoạt động của UBCKNN với IOSCO ngày càng phục vụ thiết thực cho công tác của Ủy ban. UBCKNN đã phối hợp với Tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương của IOSCO, lần đầu tiên tổ chức chương trình đào tạo trực tuyến, về giám sát dựa trên rủi ro, cho gần 30 cán bộ của Tổ phái sinh, các Vụ thuộc Ủy ban, Trung tâm lưu ký CK và Sở GDCK Hà Nội, được nghe những kinh nghiệm tiên tiến, quý báu của lãnh đạo cơ quan quản lý Hồng Kông về vấn đề này, đặt ra các câu hỏi cho phía bạn. Việc tổ chức đào tạo trực tuyến cũng giúp tiết kiệm một lượng lớn kinh phí cho việc đi ra nước ngoài, ăn ở…

Với Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2014, UBCKNN đã thực hiện rà soát các khuyến nghị của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), xây dựng kế hoạch hành động cho UBCKNN để chuyên gia của WB có cơ sở đánh giá nhu cầu, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật theo yêu cầu của UB. Trong khuôn khổ thực hiện dự án đánh giá về thực trạng bảo vệ nhà đầu tư và giáo dục kiến thức tài chính của WB, UBCKNN đã làm việc với đoàn công tác của WB về đánh giá thực trạng vấn đề này, góp ý cho báo cáo tóm tắt về bảo vệ người tiêu dùng tài chính và hiểu biết tài chính, đồng thời tiếp đoàn của WB vào đánh giá nhu cầu Chương trình hỗ trợ tiếp cận tài chính (FISF) và cập nhật về Chương trình bảo vệ người tiêu dùng và giáo dục kiến thức tài chính (CPFL). UBCKNN đã hợp tác với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới, thực hiện hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) “Nâng cao nhận thức của Doanh nghiệp về hoạt động đầu tư có trách nhiệm với Môi trường xã hội”.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa UBCKNN và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), UUBCKNN đã phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thành các cam kết thuộc chương trình khoản vay Tài chính- Ngân hàng giai đoạn IV- Tiểu chương trình 2 do ADB tài trợ.

Các hoạt động hội nhập khu vực và quốc tế

Về hội nhập khu vực ASEAN, UBCKNN đã phối hợp với Đại học Bách khoa Tp HCM tổ chức chương trình tập huấn “Báo cáo Quản trị công ty hiệu quả” trong khuôn khổ Diễn đàn các Thị trường Vốn ASEAN (ACMF); đóng góp ý kiến đối với Nghị định thư thực hiện gói cam kết Vòng 6 Dịch vụ Tài chính ASEAN; thực hiện cập nhật tình hình hợp tác, chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN 18; thực hiện đánh giá đề xuất giải pháp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ liên quan đến giải quyết tranh chấp quốc tế; tiến hành cập nhật danh sách các tổ chức, diễn đàn quốc tế mà ngành chứng khoán Việt Nam là thành viên. UBCKNN đã cử lãnh đạo tham dự các cuộc họp của ACMF để cập nhật các hoạt động của diễn đàn này.

Về tình hình ký kết các biên bản ghi nhớ song phương và đa phương (MoU, MMoU): Cho đến nay, đã có 25/31 cơ quan của các nước và vùng lãnh thổ thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) ký kết MoU giữa UBCKNN với Cơ quan Quản lý và Giám sát TTCK châu Âu (ESMA). Đó đều là những nước và vùng lãnh thổ có thị trường vốn rất phát triển. Việc hoàn tất ký kết MoU này sẽ là một bước tiến mới quan trọng nữa trong tiến trình hội nhập của ngành chứng khoán Việt Nam. Theo MoU này, các công ty quản lý quỹ ở châu Âu muốn huy động vốn tại Việt Nam và đầu tư tại châu Âu phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, kể cả quản lý ngoại hối. Việc ký kết này cũng góp phần gia tăng khả năng thu hút các dòng vốn đầu tư có tổ chức từ các nước châu Âu, tăng cường khả năng phối hợp quản lý giám sát dòng vốn và nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài việc ký kết MoU với công ty tài chính Shinhan (Hàn Quốc) vào tháng 11/2014, UBCKNN thực hiện ký kết Thư trao đổi hợp tác (EoL) với Ngân hàng TW Slovakia vào tháng 7/2014 tại Slovakia; ký Biên bản ghi nhớ đa phương (MMoU) với các cơ quan quản lý thị trường vốn khu vực Mekong vào tháng 6/2014 tại Thái Lan.

Trong năm 2014, UBCKNN cũng đã tham gia tích cực và hiệu quả vào quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh thuế quan Nga – Bêlarút – Cadắcxtan (VCUFTA).

Công tác trọng tâm năm 2015

Phát huy các thành tích của năm 2014, năm 2015, UBCKNN sẽ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành công tác triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán, trong đó chú trọng nghiên cứu, xây dựng chương trình, giải pháp để nâng hạng TTCK Việt Nam trên bảng phân hạng MSCI (từ hạng thị trường tiền duyên, hay cận biên - frontier market, lên hạng thị trường mới nổi - emerging market).

Việc UBCKNN xúc tiến thực hiện các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện và phát triển thị trường, thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam. Đồng thời, UBCKNN sẽ tiếp tục việc ký kết MoU với cơ quan quản lý, giám sát thị trường chứng khoán châu Âu (ESMA), tích cực tham gia và triển khai các nội dung, chương trình của IOSCO với vai trò là thành viên ở cấp độ cao nhất; tiếp tục áp dụng các nguyên tắc của IOSCO dành cho cơ quan quản lý thị trường với tính chất là các thông lệ về quản lý.

Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ tìm hiểu thêm kinh nghiệm quốc tế, xây dựng chương trình đào tạo về thị trường chứng khoán phái sinh (đề án đào tạo phái sinh); nâng cao chất lượng quản trị công ty, quản trị rủi ro: khuyến khích các công ty niêm yết xây dựng báo cáo phát triển bền vững, rà soát các quy định pháp lý nhằm đưa ra lộ trình hướng tới áp dụng các tiêu chí phát triển bền vững thành tiêu chí bắt buộc đối với các công ty niêm yết, phối hợp với Ernst and Young Việt Nam (EYVN) hoàn thiện báo cáo khảo sát và xây dựng lộ trình áp dụng quản trị rủi ro áp dụng cho các công ty đại chúng niêm yết, và tổ chức công bố kết quả báo cáo; nghiên cứu xây dựng quy định thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp giải thể, phá sản các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

ssc

Các tin tức khác

>   PTKT phiên chiều 09/02: Nến xanh xuất hiện liên tiếp trên VN-Index (09/02/2015)

>   Điểm mặt những doanh nghiệp niêm yết bi đát nhất thị trường năm 2014 (09/02/2015)

>   Nhịp đập Thị trường 09/02: Tăng là bán! (09/02/2015)

>   09/02: Bản tin đầu tuần (09/02/2015)

>   Cổ phiếu quỹ của CTCK mua sau 3 năm không sử dụng sẽ bị hủy bỏ? (06/02/2015)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 09/02 (09/02/2015)

>   Hàng loạt vi phạm, BLF bị phạt 155 triệu đồng (06/02/2015)

>   PTKT phiên chiều 06/02: Chỉ số bứt phá nhưng khối lượng liên tục xuống thấp (06/02/2015)

>   Nhịp đập Thị trường 06/02: Cổ phiếu Ngân hàng tăng mạnh trở lại (06/02/2015)

>   VMD: Ông Hỏa Văn Quang bị phạt 50 triệu đồng do báo cáo trễ khi không còn là cổ đông lớn (06/02/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật