Điểm mặt những doanh nghiệp niêm yết bi đát nhất thị trường năm 2014
Nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, theo đó mà lượng doanh nghiệp công bố lãi năm 2014 chiếm đại đa số trên toàn thị trường. Song kết thúc năm 2014 vẫn có những doanh nghiệp bị rơi vào tình cảnh bi đát có nguy cơ phải rời sàn hay bất ngờ lỗ lớn.
Có thể nói, năm 2014, số lượng doanh nghiệp niêm yết báo lỗ đã giảm đáng kể. Cụ thể, theo thống kê của Vietstock, tính đến ngày 09/02/2015, có 418 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 4/2014, ứng với 65% toàn thị trường, song chưa đến 10% công bố lỗ cả năm 2014, ứng với 41 doanh nghiệp. Trong đó, có hơn 10 doanh nghiệp bị rơi vào diện có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc và nhiều doanh nghiệp đột ngột thông báo lỗ đậm kỷ lục trong năm 2014.
* Số liệu tính đến ngày 09/02/2015 (41/418 doanh nghiệp niêm yết đã công bố BCTC quý 4/2014)
|
Đối diện nguy cơ hủy niêm yết
Những doanh nghiệp có nguy cơ bị hủy niêm yết
|
Với việc quý 4 tiếp tục bán hàng dưới giá vốn, VST ghi nhận mức lỗ 33 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế cả năm lên 145 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp lỗ đậm. Nếu báo cáo kiểm toán 2014 không có gì thay đổi thì VST sẽ phải hủy niêm yết bắt buộc.
Gần đây, để có vốn hoạt động, VST tiếp tục bán tàu V.T.C Sky, đây là tàu có trọng tải 24,260 DWT, đóng năm 1997 tại Nhật Bản.
DCT cũng bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) lưu ý khả năng hủy niêm yết bắt buộc khi năm 2014 ghi nhận lỗ thêm 110 tỷ đồng. Tình hình bi đát của DCT bắt đầu từ khi dự án nhà máy nghiền xi măng tại Nhơn Trạch mới đưa vào hoạt động năm 2012 đã bị tàu nước ngoài đâm va vào cần cẩu và cầu cảng làm hư cần cẩu chính để nhập liệu phục vụ sản xuất của nhà máy và cầu cảng hư hỏng nặng. Bởi vậy, nhà máy chỉ khai thác được 30-40% công suất thiết kế trong khi chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay ngân hàng cho dự án nhà máy này) lại rất cao. Năm 2014, chi phí tài chính là 79 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong khoản lỗ 110 tỷ đồng của công ty.
Ngoài ra, V15, SSG, VPC, BTH, PTM và SRA cũng đã có năm thứ ba liên tiếp thua lỗ và đối diện nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.
Ở khía cạnh khác, HLA cũng rất bi đát khi đã hai năm liên tiếp lỗ hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm vượt vốn điều lệ trên 300 tỷ đồng. Qua đó, HLA đã chính thức hủy niêm yết 34 triệu cp trên HOSE và chuyển sang giao dịch trên UPCoM.
Hay doanh nghiệp đình đám gần đây với khoản lỗ khủng 734 tỷ đồng riêng quý 4, AVF cũng đang rơi vào nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc bởi lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ 382 tỷ đồng.
SHN cũng có nguy cơ rời sàn bắt buộc với việc lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ. Tuy nhiên, mức lỗ vượt vốn của SHN chỉ là 2.3 tỷ đồng.
Những doanh nghiệp lỗ 2 năm liên tiếp 2013-2014
|
Năm 2014 bất ngờ lỗ đậm
Cùng với AVF và SHN, CIG là đơn vị cũng gây bất ngờ với khoản lỗ đậm 61 tỷ đồng. Năm qua, doanh thu thuần CIG tăng trưởng 23% nhưng giá vốn lại đột biến lên 221 tỷ đồng, tăng 79% vượt cả doanh thu đạt được, qua đó lỗ gộp 42 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí khác thì CIG lỗ 61 tỷ đồng, mức lỗ nặng nhất từ trước đến nay.
Hay CTN cũng cần nhắc đến khi lần đầu tiên báo lỗ sau 10 năm. Tương tự các đơn vị trên, CTN kinh doanh dưới giá vốn nên bị lỗ ròng 54 tỷ đồng trong khi các năm trước đều có lãi từ vài trăm đến vài tỷ đồng.
Theo giải trình, trong năm qua dự án BuonKuop khi quyết toán thì chủ đầu tư không thanh toán phần đầu tư phụ trợ hầm, kèm theo các chi phí chuyển điều động nhân sự; dự án BuonTuaShar quyết toán phần phân cấp đất đá công tác đào máy đập bị thay đổi lớn làm giảm sản lượng phần đào; hay dự án Đăktik khi quyết toán hợp đồng thì chủ đầu tư có điều chỉnh thiết kế hầm áp lực làm giảm đơn giá, bị cắt giảm chi phí xây dựng lán trại phụ trợ … dẫn đến chi phí phát sinh nhưng không có sản lượng và doanh thu. Tất cả những vấn đề trên đã làm cho giá vốn CTN tăng cao, gấp đôi cả doanh thu thuần.
MDG bắt đầu đi xuống từ năm 2011 khi doanh thu và lợi nhuận bất ngờ giảm mạnh, tuy vậy trong giai đoạn 2011-2013 đơn vị luôn duy trì lợi nhuận dương (vài tỷ đồng). Bước sang năm 2014, MDG bất ngờ lỗ khủng 41 tỷ đồng, xét về giá trị tuyệt đối thì khoản lỗ này lớn hơn bất cứ khoản lãi nào được tạo ra trước đây. Kinh doanh dưới giá vốn, chi phí bán hàng, chi phí quản lý bất ngờ tăng mạnh là những nguyên nhân gây ra khoản lỗ khủng trên.
Những đơn vị khác như VNH, HAS, LCS, MTG, SD1, SAV cũng lỗ hàng chục tỷ đồng năm 2014. Có rất nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp này rơi vào tình trạng này như với VNH thì do không có đơn hàng xuất khẩu làm doanh thu giảm mạnh, HAS thì do phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi lớn hay LCS quý 4 kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ đậm 33 tỷ đồng, đóng góp đến 88% khoản lỗ cả năm…
KQKD các doanh nghiệp báo lỗ trong năm 2014
|
Trần Việt
|