Thứ Hai, 16/02/2015 10:37

Trung Quốc đổi thái độ với DN ngoại: Nhật Bản vẫn thắng!

Trung Quốc kém nhiệt tình với doanh nghiệp ngoại, áp thuế chống bán phá giá, ngăn cản doanh nghiệp ngoại bán sản phẩm sang nước này...

Trong diễn biến mới nhất, ngày 13/2, một ủy ban giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ra phán quyết xử Trung Quốc thua trong vụ Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) kiện Bắc Kinh áp đặt các loại thuế chống bán phá giá mặt hàng thép ống đúc không gỉ chất lượng cao.

Uỷ viên phụ trách thương mại EU Cecilia Malmstroem hoan nghênh phán quyết của WTO và mong muốn Trung Quốc ngay lập tức thực hiện phán quyết, khôi phục điều kiện thương mại công bằng với mặt hàng thép ống đúc không gỉ của EU. Hiện Trung Quốc chưa có phản ứng nào đối với phán quyết này.

Trung Quốc thua kiện vụ áp thuế thép ống đúc không gỉ Nhật Bản, EU

Các loại ống thép không gỉ chất lượng cao của Nhật Bản và EU được sử dụng chủ yếu trong các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc.

Trong năm 2009, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc mang lại cho EU khoảng 90 triệu euro, nhưng bị giảm xuống dưới 20 triệu euro sau khi Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép ống đúc không gỉ của Nhật Bản và EU kể từ tháng 11/2012 với mức 9,2 đến 14,4% trong thời hạn 5 năm.

Hồi tháng 12/2012, Nhật Bản đã đệ đơn kiện Trung Quốc do ngăn cản các tập đoàn như Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp bán loại ống thép sang thị trường Trung Quốc.

Đến tháng 6/2013, hai công ty của EU là Tubacex S.A (Tây Ban Nha) và Salzgitter A.G (Đức) cũng đã tham gia vào vụ kiện này sau khi cùng với phía Trung Quốc đàm phán để giải quyết vấn đề nhưng thất bại.

Những vụ việc trên cho thấy Trung Quốc đang tăng cường chủ nghĩa bảo hộ đối với sản xuất trong nước. Trước đó, một cuộc thăm dò do Hội đồng Thương mại Mỹ (AmCham) thực hiện cho thấy, trong số 477 công ty Mỹ được khảo sát ý kiến, có 47% nói họ cảm thấy được chào đón kém nhiệt tình hơn so với trước kia ở Trung Quốc. Nhiều công ty đa quốc gia như Microsoft, GlaxoSmithKline, Audi và McDonald’s đã trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra ráo riết về an toàn vệ sinh thực phẩm, chống độc quyền và chống tham nhũng ở Trung Quốc.

Đặc biệt, nhà sản xuất chip smartphone lớn nhất thế giới Qualcomm vừa phải chấp nhận chi gần 1 tỷ USD để được yên ổn làm ăn ở Trung Quốc. Theo kết luận của Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC), Qualcomm đã vi phạm Luật Chống độc quyền tại thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Thay vì phản kháng lại, hãng này đã chấp nhận trả mức phạt kỷ lục có phần phi lý trên. Ngoài ra, hãng cũng bị buộc phải thay đổi cách tính toán để hạ phí sử dụng bản quyền tại Trung Quốc.

Việc Qualcomm cam chịu như vậy cũng dễ hiểu bởi hơn 50% trong doanh thu 26,5 tỷ USD mà hãng có được đến từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng như người nước ngoài đã rời bỏ Trung Quốc.

Một nghiên cứu mới đây do công ty UniGroup Relocation thực hiện cho thấy, số người nước ngoài rời khỏi Trung Quốc trong năm 2014 nhiều gấp đôi số người chuyển đến.

Theo UniGroup, dòng người nước ngoài rời khỏi Trung Quốc có thể là do hết hợp đồng làm việc. Tuy vậy, bên cạnh đó cũng có những lý do khác dẫn tới sự ra đi này: chi phí sinh hoạt ở Trung Quốc gia tăng, mong muốn được trở về nước làm việc, và tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở Trung Quốc.

Ngoài ra, sự giảm tốc tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong năm qua - mà Bắc Kinh gọi là “mức bình thường mới” cũng khiến nhiều thương hiệu phải đi khỏi Trung Quốc.

Trao đổi với Đất Việt, Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, sau một thời gian tận dụng khai thác và hợp tác với quốc tế, lấy được vốn liếng, công nghệ, bây giờ Trung Quốc muốn làm chủ sức mạnh của mình về mặt tài chính và nền tảng công nghệ đã đạt đến trình độ tương đối tốt.

"Trung Quốc không muốn để cho nước khác tận dụng thị trường lớn của mình, muốn giảm sự lệ thuộc vào thị trường bên ngoài, thay vào đó là tận dụng thị trường của chính mình để phát triển cho Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc đang chuyển đổi cơ cấu nên họ có một số hành động bên ngoài là dựa vào luật pháp nhưng trên thực tế là muốn loại dần các công ty nước ngoài ra khỏi thị trường Trung Quốc", ông nói.

Minh Thái

đất việt

Các tin tức khác

>   Hy Lạp tiếp tục cuộc đàm phán đầy cam go với Eurogroup (16/02/2015)

>   Tây Ban Nha muốn thu hồi khoản nợ 26 tỷ USD cho Hy Lạp vay (15/02/2015)

>   Vụ bê bối tài chính mang tên HSBC (15/02/2015)

>   Kinh tế Cyprus suy thoái trầm trọng trong quý 4 năm 2014 (15/02/2015)

>   Hy Lạp bắt đầu đàm phán kỹ thuật về nợ với nhóm "Bộ ba" (14/02/2015)

>   Kinh tế Đức bứt phá ngoạn mục (14/02/2015)

>   S&P 500 đạt kỷ lục, Nasdaq chạm mức cao nhất 15 năm (14/02/2015)

>   Đà tăng trưởng của kinh tế Pháp hứa hẹn sẽ mạnh lên trong 2015 (14/02/2015)

>   Dầu bay cao, đánh dấu tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp (14/02/2015)

>   Fitch tiếp tục hạ mức tín nhiệm đối với kinh tế Ukraine (14/02/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật