Trung Quốc chi 11 tỷ USD xây sân bay thứ hai cho Thành Đô
Sự phát triển về kinh tế, thương mại cùng với tốc độ tăng trưởng nóng đã khiến Trung Quốc trở thành thị trường hàng không quốc tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Hiện sân bay quốc tế Shuangliu của Thành Đô đã quá tải nghiêm trọng và dự án sân bay mới đã được phê duyệt
|
Hai sân bay trong một thành phố
Theo Nhật báo Tứ Xuyên (Sichuan Daily), Thành Đô - thành phố lớn nhất ở khu vực Tây Nam Trung Quốc, đã được phê duyệt dự án xây dựng sân bay mới trị giá 69,3 tỷ NDT (11,2 tỷ USD) - khoản đầu tư vào các dự án sân bay lớn thứ hai trong chưa đầy một năm qua. Sân bay Thành Đô mới có ba đường băng, có khả năng tiếp đón 40 triệu hành khách khi hoàn thành vào năm 2025.
Sân bay quốc tế Shuangliu hiện nay của Thành Đô được xây dựng từ năm 1938, là sân bay đông đúc thứ năm tại Trung Quốc và là một trong những sân bay trọng điểm của Trung Quốc đại lục với sự hiện diện của các hãng hàng không như: Air China Co Ltd, AirAisia X Bhd và Korean Air Lines Co Ltd, cùng nhiều hãng khác. Lượng hành khách tại sân bay Shuangliu đã tăng 12,8% lên 37 triệu trong năm ngoái, hơn gấp đôi khối lượng 13,9 triệu trong năm 2005. Theo ước tính, có thể lên tới 40 triệu vào đầu năm tới.
Viện Nghiên cứu quản lý giao thông hàng không Singapore (ATMRI) cảnh báo, trong 5 năm nữa giao thông hàng không châu Á “sẽ tắc nghẽn thê thảm”, nếu hạ tầng cũng như nguồn nhân lực không đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng.
TS. Hsin Chen Chung, Giám đốc ATMRI cho rằng, nếu không hành động ngay lập tức, “giao thông hàng không toàn châu Á sẽ trải qua tình trạng tắc nghẽn như châu Âu 15 năm trước”. Theo ông Hsin, các tuyến đường từ Singapore đến Jakarta (Indonesia), từ Bangkok (Thái Lan) đến Hồng Kông và từ châu Á đến châu Âu sẽ là những tuyến rơi vào “nút thắt” trước tiên.
Q.Minh
|
Dự án xây dựng sân bay Thành Đô mới sẽ giúp giảm tải cho sân bay Shuangliu. Với dự án này, Thành Đô - thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, sẽ trở thành thành phố lớn thứ ba Trung Quốc có hai sân bay trong cùng một thành phố, sau Bắc Kinh và Thượng Hải.
Trước đó, tháng 12/2014, Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng sân bay quốc tế mới trị giá 14 tỷ USD, có khả năng đón 72 triệu hành khách và 2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Sân bay quốc tế Bắc Kinh (lớn nhất Trung Quốc), đã đón khoảng 86 triệu hành khách năm 2014, tăng 2,9% so với năm trước đó. Khối lượng hành khách tại hai sân bay ở Thượng Hải cũng tăng 8,2% so với năm trước đó.
Các thành phố khác của Trung Quốc cũng đang có xu hướng mở rộng sân bay để đón dòng hành khách đang ngày càng tăng mạnh mẽ. Đại Liên, thành phố duyên hải Đông Bắc, cũng dự kiến xây dựng một sân bay trên một hòn đảo nhân tạo rộng 20,9 km2, với tổng chi phí lên tới 26,3 tỷ NDT.
Chậm, hủy chuyến như cơm bữa
Theo số liệu chính thức, lượng hành khách đi lại bằng máy bay tại Trung Quốc trong những năm gần đây tăng lên một cách nhanh chóng. Các sân bay của Trung Quốc đã đón hơn 754 triệu hành khách trong năm 2013 (năm 2014 chưa có số liệu), tăng 11% so với năm 2012 và 86% so với 5 năm trước.
Tuy nhiên, đây cũng là thị trường nổi tiếng chậm/hủy chuyến, khiến hành khách quốc tế và nội địa thường xuyên cảm thấy bất mãn. Từ Bắc Kinh, Thượng Hải cho đến Quảng Châu, tất cả đều thi nhau cạnh tranh cho danh hiệu... sân bay bị trì hoãn nhiều nhất thế giới. Nhiều hành khách thậm chí còn cho rằng, việc đi lại bằng máy bay ở Trung Quốc đôi khi giống như “cơn ác mộng”. Hồi tháng 1/2015, hai hành khách người Trung Quốc bị bắt giam vì đã mở cửa thoát hiểm khẩn cấp khi máy bay đang di chuyển để phản đối việc chuyến bay bị hoãn quá lâu.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm, hủy chuyến không chỉ do sự quá tải, một phần không nhỏ khác do không phận bị hạn chế cho các chuyến bay thương mại. Hiện, không quân Trung Quốc kiểm soát 80% không phận nước này và chỉ để lại một phần nhỏ cho các máy bay thương mại vừa cất - hạ cánh và điều hướng.
Thậm chí những hành lang không phận vốn đã rất hẹp này cũng rất dễ bị đóng lại mà không có bất kỳ một cảnh báo trước nào, nhất là khi quân đội tổ chức các cuộc diễn tập. Điều này khiến các máy bay phải bay cung đường dài hơn cần thiết; Cộng với thời tiết xấu hoặc mật độ giao thông dày đặc khiến việc chậm chuyến xảy ra nhiều hơn.
Hồi cuối tháng 7/2014, hàng trăm chuyến bay đến và đi từ miền Đông Trung Quốc, bao gồm cả Thượng Hải, đã bị hủy hoặc trì hoãn do thời điểm này Trung Quốc liên tục tổ chức các cuộc tập trận trên không. Đối mặt với làn sóng phản đối, quân đội vẫn không nhận trách nhiệm mà đổ lỗi cho những cơn bão là nguyên nhân cho gián đoạn bay.
Hiện, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng hạn chế không phận cho các chuyến bay thương mại. Tuy nhiên, sự thay đổi đáng kể là rất khó, bởi quân đội không nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ.
Thùy Linh
giao thông vận tải
|