Indonesia phấn đấu 2019 trở thành nước công nghiệp phát triển mạnh
Theo Kế hoạch phát triển trung hạn quốc gia 2015-2019, Indonesia đang tập trung quy hoạch phát triển ngành công nghiệp với mục tiêu trong 5 năm tới đưa quốc đảo trở thành một nước có nền công nghiệp phát triển mạnh và có khả năng cạnh tranh cao.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Theo đó, Indonesia có kế hoạch phát triển 14 khu công nghiệp bên ngoài Java và khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại 22 trung tâm.
Phóng viên TTXVN tại Jarkata dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp Saleh Husin cho biết, Indonesia thúc đẩy công nghiệp quy mô lớn thông qua 9.000 đơn vị kinh doanh và 20.000 đơn vị của các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ từ các chương trình khai thác các sản phẩm công nghiệp và dịch vụ, đưa một số sản phẩm nông nghiệp thành các sản phẩm công nghiệp chế biến; thực hiện công nghiệp hóa vốn và ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với các thương hiệu...
Bộ Công nghiệp Indonesia cũng đang có kế hoạch thực hiện 10 chương trình, trong đó ưu tiên phát triển các khu công nghiệp; Tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp trong nước từ các tác động của các điều ước quốc tế đã ký kết; Cải thiện giáo dục và kỹ năng sản xuất, kinh doanh, áp dụng chính sách giảm nhập khẩu. Tăng cường cơ cấu của ngành công nghiệp thông qua các mối liên kết giữa các ngành…
Theo Bộ trưởng Công nghiệp Saleh Husin, các mục tiêu cụ thể được hướng tới đến năm 2019 là tăng 8,4% các ngành sản xuất phi dầu mỏ, đóng góp hơn 24% vào GDP quốc gia, tăng 69% kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp; giảm 30% tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu và hàng hóa…
Có 10 nhóm ngành công nghiệp được ưu tiên sẽ được phát triển trong 5 năm tiếp theo gồm: Công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và y tế thiết bị, dệt may, da, giày dép, giao thông vận tải công nghiệp, điện tử và viễn thông (ICT), công nghiệp năng lượng thế hệ, linh kiện và nguyên vật liệu phụ trợ, kim loại cơ bản và các khoáng sản phi kim loại; ngành công nghiệp hóa chất cơ bản và than-dầu.
Để đạt được các mục tiêu của 2015-2019, đồng thời bám sát yêu cầu của việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trong thời gian tới, Chính phủ Indonesia tập trung chỉ đạo các chương trình và chính sách phát triển công nghiệp.
Trong đó tập trung đầu tư cho máy móc và thiết bị công nghiệp; nâng cao năng lực nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho việc thành lập trung tâm phát triển công nghệ công nghiệp.
Phát triển các sản phẩm phi dầu mỏ; tạo thuận lợi cho việc thực hiện hợp tác quốc tế và việc sử dụng các kỹ thuật công nghiệp chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nghiên cứu và phát triển 10 công nghệ và cải thiện các dịch vụ kỹ thuật; xây dựng ngành công nghiệp chế biến khoáng sản thành các sản phẩm công nghiệp và dịch vụ.
Chính phủ Indonesia cũng chủ trương giảm xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên dù nguồn này của quốc đảo khá lớn, đặc biệt là ở các đảo ngoài; hạn chế các nhà đầu tư khai thác tài nguyên bán trực tiếp ra nước ngoài mà khuyến khích chế biến trong nước nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Quốc đảo cũng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản như dầu cọ, cao su, cacao, thực phẩm, chế biến nước giải khát.
Vietnam+
|