Số điện thoại liên hệ trong tin nhắn rao bất động sản sẽ bị khóa?
Cho rằng việc cắt, chặn các số điện thoại phát tán tin nhắn rác là không hiệu quả, "rắn bị chặt đầu này lại mọc đầu khác", nhà mạng đề xuất tạm khóa, tạm dừng các số điện thoại liên hệ được nêu chính bên trong nội dung tin nhắn để giải quyết tận gốc vấn nạn này.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 82 của Bộ TT&TT về chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo của Sở TT&TT Hà Nội chiều 3/2, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc MobiFone khẳng định, tin nhắn quảng cáo BĐS hiện nay đang gây bức xúc nhất. Nếu như chặn tin nhắn rác qua đầu số 1900 đã được các nhà mạng, mà cụ thể là MobiFone làm khá triệt để và "về cơ bản, chủ các đầu số 6x, 7x, 8x... đã không gửi tin nhắn rác nữa", thì tin nhắn BĐS vẫn hoành hành khá mạnh.
Dù nhà mạng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp BĐS đề nghị hạn chế và không gửi tin nhắn quảng cáo dự án nữa, song bản thân ông Chiến cũng thừa nhận rằng, giải pháp này chưa chắc đã mang lại nhiều tác dụng vì nhiều khi, đối tượng phát tán tin nhắn lại là các đại lý của doanh nghiệp BĐS đó. "Nhưng dù sao Doanh nghiệp có văn bản nhắc nhở các đại lý thì vẫn tốt hơn", vị lãnh đạo MobiFone nêu quan điểm.
Giải pháp hiệu quả nhất, theo ông Chiến đề xuất, là áp dụng cách làm như Sở TT&TT Hà Nội từng thực hiện với quảng cáo, rao vặt khoan cắt bê tông trước đây: Không xử lý người đi dán tờ rơi trên cột điện vì sẽ xử lý không xuể. Thay vào đó, tạm khóa, chặn số điện thoại liên hệ được đưa ra trên những tờ rơi này. "Số điện thoại liên hệ bị khóa thì dù có dán được bao nhiêu tờ rơi nữa cũng sẽ vô ích".
Tương tự, do những kẻ phát tán tin nhắn rác thay đổi SIM và số điện thoại liên tục nên việc khóa, chặn những thuê bao này vừa mệt mỏi, vừa không hiệu quả. Ngược lại, số điện thoại liên hệ trong nội dung tin nhắn là một "đối tượng cố định". "Nếu chỉ chặn các SIM, số điện thoại rác thì không khác gì con rắn bị chặt đầu này lại mọc đầu khác. Gốc rễ của vấn đề chính là số điện thoại bên trong tin nhắn. Giải quyết được số điện thoại này thì sẽ giải quyết được vấn đề", ông Chiến phân tích.
Tất cả các mạng đều phải chặn!
Tuy nhiên, việc cắt số, thu hồi số điện thoại cũng không dễ dàng, do nhà mạng chỉ có thể tạm khóa chiều đi, mời chủ sở hữu số điện thoại bị khóa lên làm việc, giải trình. (Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu đúng đó là thuê bao rác, sở hữu SIM chỉ để nhắn tin quảng cáo thì sẽ không bao giờ đến quầy giao dịch của nhà mạng để mở lại số). Hơn nữa, MobiFone cũng chỉ chặn được tin nhắn nội mạng, còn nếu tin nhắn từ thuê bao mạng khác gửi đến, hoặc số điện thoại liên hệ thuộc về mạng khác thì MobiFone sẽ không thể chặn được.
"Chúng tôi kiến nghị Sở ban hành công văn chỉ đạo tất cả các nhà mạng cũng thực hiện biện pháp này, chứ chỉ một mạng chặn cũng không có tác dụng. Tất cả các nhà mạng cần phối hợp, triển khai đồng loạt với nhau, tránh tình trạng mạng làm, mạng không", ông Chiến đề xuất.
Trong thời gian chờ đợi một chỉ đạo cụ thể hơn từ Sở, MobiFone vẫn triển khai 8 nội dung như đã được đề cập trong Chỉ thị 82 của Bộ TT&TT mà quan trọng nhất là đã xây dựng được hệ thống chặn tin nhắn theo tần suất và nguồn gửi. "Tần suất tin nhắn đã được chúng tôi chỉnh xuống ngưỡng tương đối thấp, chỉ bằng một nửa so với trước đây", ông Chiến cho hay.
Đồng quan điểm, đại diện VinaPhone cũng cho biết nhà mạng này đã triển khai hệ thống chặn tin nhắn rác theo tần suất và nguồn gửi theo cả phương thức tự động lẫn thủ công. Việc siết quản lý với các đầu số nội dung cũng đã có tác dụng tương tự như MobiFone, nhưng VinaPhone cũng tiếp tục gặp khó khi phải xử lý tin nhắn rác peer-to-peer (từ thuê bao đến thuê bao). Dự kiến dịp Tết Nguyên đán năm nay, VinaPhone sẽ hỗ trợ doanh nghiệp quảng cáo bằng hệ thống quảng cáo chính thống của nhà mạng để hạn chế tin nhắn rác.
Mặc dù vậy, không phải nhà mạng nào cũng đã sẵn sàng hệ thống kỹ thuật chặn tin nhắn rác theo như yêu cầu của Chỉ thị 82. Đại diện Vietnamobile cho biết, mạng này chỉ mới đang lên kế hoạch triển khai và dự kiến hệ thống này sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2015, "do khâu xây dựng cũng tốn kém và khá phức tạp".
"Cần hành động cụ thể"
Trước đề xuất của nhà mạng, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông (Sở TT&TT Hà Nội) xác nhận rằng, đúng là từ năm 2013 đến nay, Sở đã tiến hành cắt 8 lần các số điện thoại và đầu số vi phạm về tin nhắn rác, nhưng cũng chỉ cắt được 37 đầu số và hơn 400 số điện thoại. Hơn nữa, những đầu số và số điện thoại bị cắt cũng đều là nguồn gửi tin nhắn đến, còn số điện thoại liên lạc bên trong tin nhắn chưa cắt được vì chưa có văn bản chỉ đạo.
Ông Sỹ cũng đồng tình với kiến nghị cần phải tạm dừng số điện thoại liên lạc trong tin nhắn rác, sau đó sẽ xem xét, xử lý nếu chủ của số điện thoại đó thuyết minh được mình không liên quan đến tin nhắn rác hoặc có biện pháp khắc phục, cam kết không tái phạm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng, các Sở TT&TT cần thể hiện vai trò quyết liệt và cụ thể hơn nữa trong tổng chiến dịch chống tin nhắn rác. Theo ông Trụ thì trong số các nhiệm vụ của Sở, có một nhiệm vụ cần đẩy lên hàng đầu là tham mưu cho UBND Thành phố ban hành văn bản chỉ đạo nhà mạng trên địa bàn "liên hợp" tạm dừng, tạm khóa các số điện thoại vi phạm.
Ngoài ra, Sở cũng nên thiết lập đường dây nóng để người dân phản ánh, phàn nàn về tin nhắn rác hoặc đầu số quấy rối trong năm 2015.
vietnamnet
|