CTCP Cồn và Tinh bột sắn Phú Mỹ Hòa Bình:
Nhịn "đói" giữa vùng nguyên liệu
Công suất 400 tấn sắn tươi/ngày, hiện thu mua được gần 100 tấn/ngày, nhà máy trong tình trạng một ngày làm, ba ngày nghỉ. Nhịn “đói” giữa vùng nguyên liệu. Đó là chuyện có thật ở Nhà máy Tinh bột sắn Phú Mỹ Hòa Bình.
Không có nguyên liệu sản xuất, công nhân tu sửa máy móc
|
Ngay từ trung tuần tháng 11/2014, các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở các tỉnh Tây Bắc bắt đầu vào mùa sản xuất. Bước vào thời điểm tháng giáp tết như hiện nay, nhiều nhà máy phải làm tăng ca, tăng giờ. Ngược lại, công nhân Nhà máy Tinh bột sắn - Cty Cổ phần Cồn và Tinh bột sắn Phú Mỹ Hòa Bình lại đang lâm vào cảnh “nông nhàn”.
Ông Trần Ngọc Duyên, Phó Giám đốc Cty cho biết: Một tháng nay, nhà máy gần như không thu mua được nguyên liệu, có chăng, ngày nào nhiều lắm thì nhập được 50 - 60 tấn sắn củ, ngày ít chỉ 20 - 30 tấn, có ngày không xe nào vào bãi. Nếu vận hành hết công suất thì 5 - 6 ngày thu mua mới đủ nguyên liệu sản xuất trong một ngày. Từ đầu vụ đến trung tuần tháng 1/2015, Cty mới sản xuất, tiêu thụ được gần 2.000 tấn sản phẩm. Có thể nói, nhà máy đang trong thời điểm thiếu nguyên liệu trầm trọng. Không có việc làm nhưng nhà máy vẫn phải “giữ chân” công nhân bằng cách bố trí làm một số công việc phụ trợ, như làm vệ sinh khu sản xuất, tu sửa thiết bị máy móc…
Nói về vùng nguyên liệu, ông Duyên cho biết: Khi xây dựng nhà máy, Cty đã đến các xã trong vùng, thấy đồi sắn của dân, tiềm năng phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu là rất lớn. Vùng nguyên liệu không chỉ bó hẹp trong huyện Tân Lạc, Mai Châu mà mở rộng ra các huyện như: Đà Bắc, Kim Bôi, Kỳ Sơn. Thực tế, trong mấy vụ đầu tiên, nhà máy thừa nguyên liệu sản xuất. Số công nhân từ 60 người, tăng lên 90 người, thu nhập bình quân của công nhân đạt từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Thời điểm đó, nhà máy sản xuất kinh doanh hiệu quả, người dân trồng sắn có thu nhập cao, ổn định. Vì vậy, Cty quyết định đầu tư 13 tỷ đồng để nâng cấp, thay đổi công nghệ từ đó giảm tối đa chất thải nguy hại dưới mức cho phép. Trước đây mỗi ngày có khoảng 500m3 nước thải ra môi trường, nay giảm xuống còn 300m3/ngày. Mảnh vỡ củ sắn được đưa vào sản xuất, không còn rơi vãi trên sàn. Tiếng ồn giảm 2/3. Hệ thống xử lý nước thải được quay vòng lại sản xuất. Bã sắn, nước mủ được xử lý kết tủa, đông đặc chuyển thành hàng hóa phục vụ cho chăn nuôi.
Cũng trong thời điểm ăn nên làm ra, Cty đã quyết định xây dựng nhà máy sinh học để sản xuất nhiên liệu sinh học phetaron, công suất 20 triệu lít/năm. Xây dựng hệ thống hiếu khí và hiếm khí để đảm bảo xử lý chất thải cả hai nhà máy cồn và tinh bột sắn, thu hồi khí bioga tái tạo năng lượng thay than đốt.
Tuy nhiên, bước vào vụ sản xuất năm 2015, Cty gặp khó khăn nghiêm trọng về nguyên liệu. Diện tích trồng sắn bị thu hẹp, nhiều xã quanh khu vực nhà máy gần như bỏ hẳn cây sắn để trồng mía tím, trồng cây ăn quả như cam, bưởi. Số địa phương còn trồng sắn thì cách xa nhà máy hàng chục cây số, giao thông đi lại khó khăn, giá cước vận chuyển cao nên nên phần lớn các chủ hàng đã bỏ nhà máy, chuyển sang đổ sắn cho chủ tàu trên bến Phúc Sạn.
Tại xã Phong Phú, nơi Cty đặt nhà máy, vào những năm 2000, diện tích sắn có tới vài nghìn ha, các xã lân cận như Phú Cường, Địch Giáo, Trung Hoà (Tân Lạc) và Đồng Bảng, Thung Khe, Phúc San, Tân Sơn (Mai Châu), xa hơn là Yên Hoà, Tân Minh, Tân Pheo, Mường Chiềng, Suối Nánh (Đà Bắc) có tới hàng chục nghìn ha sắn. Có thể nói, vị trí nhà máy hiện tại là điểm trung tâm của vùng nguyên liệu.
Tuy nhiên, cây sắn không phải là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên việc bỏ sắn trồng mía, cam, bưởi của người nông dân là điều tất yếu. Năm 2015 - 2016, không biết Nhà máy Tinh bột sắn Phú Mỹ Hòa Bình có vượt qua được nạn “đói” nguyên liệu như hiện nay?
Hồng Bài
thanh tra
|