Thứ Năm, 05/02/2015 06:15

Cần có chiến lược phát triển vật liệu công nghiệp, vật liệu chế tạo và vật liệu mới

Nhìn lại tình hình nhập khẩu 10 năm gần đây, có thể thấy, công nghiệp vật liệu nói chung và vật liệu chế tạo nói riêng kém phát triển, không đáp ứng được yêu cầu của sản xuất công nghiệp. Hầu hết các ngành sản xuất lớn từ lắp ráp ô-tô, xe máy, đóng tàu, máy nông nghiệp, đến tàu cá của ngư dân đều phải nhập thép lá, tôn tấm. Các vật liệu chế tạo, thép chịu lực cũng phải nhập khẩu 100% từ nhiều nước mà chủ yếu là từ Trung Quốc. Các ngành may mặc, đồ nhựa, điện tử... cũng có những hạn chế và kết quả tương tự.

Lắp ráp sản phẩm tại Nhà máy ô-tô Veam (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa).

Nhiều ý kiến khẳng định điểm nghẽn của nền kinh tế hiện nay là thị trường sản xuất chưa được quan tâm đúng mức như: khoa học công nghệ, hạ tầng năng lượng, công nghiệp chế tạo, vật liệu chế tạo và vật liệu mới...? Có ý kiến lại cho rằng CNH với mô hình đi tắt đón đầu không cần phải đi tuần tự; thế giới đã sản xuất ra nhiều loại vật liệu rồi, Việt Nam không cần sản xuất nữa? Gần đây có ý kiến của người nước ngoài cho hay Việt Nam không làm nổi một chi tiết dù là rất nhỏ để tham gia vào chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp lắp ráp, chế tạo, ô-tô, công nghệ cao, công nghiệp gia dụng, dụng cụ cầm tay...

Trước hết, phải nhận thức đầy đủ đi tắt đón đầu như thế nào? Đi tắt đón đầu không phải là người ta đã làm ra sản phẩm hay vật liệu nào thì ta không làm ra cái đấy nữa, thật sai lầm khi nghĩ như thế; mà đi tắt đón đầu phải đi tắt bằng công nghệ, bằng khoa học, chứ không phải thế giới làm ra sản phẩm A thì chúng ta không sản xuất ra A nữa.

Muốn CNH hiện đại và đi tắt đón đầu đúng hướng, chúng ta phải có sản phẩm cạnh tranh và càng phải sản xuất ra nhiều sản phẩm cạnh tranh với chi phí thấp, giá thành rẻ bằng vật liệu chế tạo trong nước, với công nghệ hiện đại đi tắt đón đầu bằng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại của các nước đi trước hoặc tự phát minh, sáng chế.

Như vậy, nhận thức về đi tắt đón đầu mới đúng với quy luật khách quan và tư duy mới về một nền công nghiệp hiện đại và chủ động từ nguyên nhiên vật liệu chế tạo trong nước để không phải phụ thuộc hoặc nếu phải phụ thuộc thì hạn chế nhập khẩu, có thế, chúng ta mới có thể tham gia vào các dây chuyền sản xuất trên thế giới, khu vực và chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Chặng đường phát triển tiếp theo phải làm gì, nếu chúng ta không muốn rơi vào bẫy thu nhập trung bình? Kinh nghiệm thế giới chỉ ra các nước vượt khỏi bẫy nhanh như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a..., đều phải nhờ vào tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả trong một số ngành công nghiệp chủ đạo.

Chúng ta đi sau các nước phát triển, chưa có điều kiện và cũng không thể làm được tất cả. Vì vậy, nên lựa chọn các ngành nào, khâu nào và những sản phẩm chủ lực nào là sản phẩm cạnh tranh, hội nhập rồi từng bước nâng lên cả về số lượng và chất lượng là công việc của các chuyên gia, các nhà khoa học, kỹ thuật vật liệu, vật liệu chế tạo. Từ định hướng đúng đắn, chúng ta tìm ra con đường đi cho các thành phần kinh tế, các DN đầu tư phát triển đúng đích, thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập.

Đến nay, tỷ lệ nội địa hóa sản xuất các loại vật liệu cho công nghiệp chế tạo rất thấp, cao nhất là vật liệu gang chế tạo mới đạt khoảng 20 - 25%, thấp nhất là vật liệu kim loại, các loại hợp kim cho chế tạo như vật liệu nhôm, vật liệu đồng khoảng từ 2 đến 5%, công nghiệp công nghệ cao phải nhập tới 100% cả vật liệu lẫn công nghệ...

Hằng năm phải nhập khẩu khoảng hơn 50 tỷ USD vật liệu. Nếu được quan tâm đúng mức, có chính sách, cơ chế phát triển phù hợp thì với con số nhập khẩu này, Việt Nam sẽ có một thị trường sản xuất vật liệu công nghiệp nội địa rộng lớn, chưa kể đến thị trường khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, tình trạng nhập khẩu hầu hết các loại vật liệu chế tạo, tỷ trọng vật liệu trong giá thành sản phẩm cao làm tăng chi phí đầu vào, làm cho chi phí nhân công rẻ, hiệu quả và năng suất lao động thấp. Không chủ động nguồn cung vật liệu chế tạo sẽ khó bảo đảm được chất lượng của sản phẩm, tính ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tất cả các yếu tố đó dẫn đến chúng ta chưa có sản phẩm công nghiệp chế tạo trong nước có tính cạnh tranh, chưa tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng được. Việc không sản xuất được vật liệu chế tạo trong nước sẽ không giải quyết được điểm nghẽn cho chiến lược phát triển ngành cơ khí chế tạo, tự động hóa... và hỗ trợ công nghiệp quốc phòng phát triển, tiến tới tự chủ bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, nhằm đẩy mạnh CNH, HĐH, thực hiện mục tiêu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Công nghiệp vật liệu nói chung và công nghiệp vật liệu chế tạo nói riêng của nước ta kém phát triển do rất nhiều nguyên nhân: Về tầm vĩ mô, chúng ta quá chú trọng yếu tố giải quyết tăng trưởng trong ngắn hạn mà chưa quan tâm nhiều đến tăng trưởng trong dài hạn; thiếu sự quan tâm của các cấp; đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ còn hạn chế, chưa hỗ trợ đắc lực sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu; về vi mô, ngành công nghiệp này do trình độ công nghệ cao, nên yêu cầu vốn lớn và thời gian thu hồi vốn dài, trong khi các DN công nghiệp Việt Nam nhỏ bé, vốn ít, chỉ đầu tư theo lợi nhuận trước mắt, thiếu tầm nhìn dài hạn, lại gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các DN nước ngoài. Mặt khác, nguồn nhân lực xã hội chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng, thiếu nghiêm trọng đội ngũ kỹ sư, lao động có trình độ tay nghề cao...

Có lúc, có nơi với tầm nhìn ngắn hạn, từ những vật liệu quý hiếm đến thông thường đã được tổ chức khai thác, chế biến thô rồi xuất khẩu, sản phẩm cạnh tranh của Việt Nam đã bị nước ngoài lấy mất từ khâu chế biến dạng nguyên liệu. Họ đã sử dụng công nghệ hiện đại để tinh luyện ra các sản phẩm là các loại vật liệu chế tạo. Như vậy với tầm nhìn dài hạn Việt Nam chưa chú trọng đầu tư thu lợi lâu dài thông qua chuỗi giá trị của sản phẩm và các ngành sản xuất khác mang lại.

Từ những vấn đề và ý tưởng nêu trên, chúng tôi đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia kỹ thuật nghiên cứu đề xuất các nhóm sản phẩm vật liệu công nghiệp nói chung và vật liệu chế tạo cho từng nhóm sản phẩm cạnh tranh để thu hút các thành phần kinh tế, các DN trong và ngoài nước đầu tư với công nghệ mới, các nhà máy chế tạo, tự động; sản xuất các sản phẩm cạnh tranh thế hệ mới, tham gia hội nhập vào các dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị trong khu vực và quốc tế, để mỗi năm Việt Nam có được vài loại sản phẩm vật liệu, rồi hàng chục, hàng trăm theo sự quyết tâm của chính mình. Có sản phẩm vật liệu chất lượng cao, biết đi tắt đón đầu sử dụng các công nghệ hiện đại, Việt Nam mới có thể đứng vững trên một nền kinh tế chủ động, bảo đảm quốc phòng - an ninh, hội nhập kinh tế quốc tế và hoàn thành sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Bằng CNH hiện đại, chắc chắn, chúng ta sẽ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình sớm hơn.

Các nhà hoạch định chính sách và các nhà kinh tế cần nghiên cứu đề xuất và xây dựng các chính sách hỗ trợ công nghiệp, mà trước hết là các chính sách ưu tiên cho công nghiệp nền tảng. Trong công nghiệp nền tảng cần ưu tiên phát triển công nghiệp vật liệu chế tạo và vật liệu mới (Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Chiến lược phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và Chiến lược phát triển ngành cơ khí, chưa có Chiến lược phát triển vật liệu chế tạo và vật liệu mới), cần hoàn thiện các cơ chế chính sách, danh mục sản phẩm cạnh tranh chủ yếu, nhất là sản phẩm có công nghệ cao theo Quyết định 66/2014/QĐ-TTg ngày 25-11-2014 của Thủ tướng Chính phủ và Tiêu chí nước công nghiệp Việt Nam. Kiến nghị Bộ Chính trị có chủ trương xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp vật liệu chế tạo và vật liệu mới của Việt Nam từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

Kiến nghị Quốc hội ban hành Luật "hỗ trợ" công nghiệp, chính là thể chế kinh tế cho công nghiệp nói chung và chính sách kinh tế cho ngành công nghiệp sản xuất vật liệu chế tạo và vật liệu mới của Việt Nam cất cánh, chủ động hội nhập và cạnh tranh.

TS Phạm Xuân Đương

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương

Nhân dân

Các tin tức khác

>   Đàm phán mua nợ cho Vinalines đang tắc (04/02/2015)

>   Năm “đại thắng” của SCIC với lãi sau thuế gần 5,200 tỷ đồng (04/02/2015)

>   Ngành du lịch TTC đạt 60 tỷ đồng lãi sau thuế, vượt 21% kế hoạch năm (04/02/2015)

>   Cuối năm 2015, Việt Nam thương mại hóa cây trồng biến đổi gen (04/02/2015)

>   Xuất 240.000 tấn gạo qua Malaysia với giá cao (04/02/2015)

>   Mía đường trong nước tìm cách ‘tóm tóc’ bầu Đức (04/02/2015)

>   Cuối năm 2015, Việt Nam thương mại hóa cây trồng biến đổi gen (04/02/2015)

>   Sử dụng nguồn tài chính cho phát triển hệ thống y tế hiệu quả (03/02/2015)

>   Chính phủ yêu cầu hoàn thiện KH hành động phát triển ngành ô tô (03/02/2015)

>   Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết năm 2014 giảm mạnh (03/02/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật