Mía đường trong nước tìm cách ‘tóm tóc’ bầu Đức
Việc đưa ra một cơ chế đấu thầu được kỳ vọng là chấm dứt những kiện tụng, xin - cho trong việc nhập khẩu đường, như vụ việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của bầu Đức năm 2013 xin nhập khẩu 30.000 tấn đường từ Lào về chế biến rồi tái xuất.
* DN mía đường "đứng ngồi không yên" vì đường của HAGL
Điểm đáng băn khoăn nhất trong cơ chế thí điểm đấu thầu nhập khẩu đường, vừa được Hiệp hội mía đường Việt Nam soạn thảo, là hiệp hội này đề nghị được tham gia Hội đồng điều hành đấu thầu và tham gia thu phí.
Ai trả phí đấu thầu cao hơn thì trúng
Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã đưa ra 2 cơ chế đấu thầu hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường, hoặc đấu thầu rộng rãi, hoặc đấu thầu chọn lọc.
Theo đó, ở hình thức thứ nhất, đấu thầu rộng rãi, các doanh nghiệp sẽ chỉ phải đấu thầu mức phí cam kết nộp vào ngân sách Nhà nước. Ai cam kết nộp phí cao hơn thì sẽ trúng thầu. Sau khi nộp phí này, doanh nghiệp mới được cấp quota nhập khẩu đường theo số lượng đã cam kết và chủ động chọn nhà cung cấp, nhập khẩu, phân phối...
Nếu doanh nghiệp đã trúng thầu nhưng lại không nhập đường như cam kết thì sẽ xét cho những đối tượng còn lại đã tham gia đấu thầu có giá cao tiếp theo.
Ở hình thức thứ hai là đấu thầu có chọn lọc, Hiệp hội Mía đường đề nghị một cơ chế phức tạp hơn là đấu thầu kép. Các doanh nghiệp sẽ không chỉ đấu thầu để được nhập khẩu đường thô mà còn đấu thầu cả việc bán ra thị trường nội địa nhằm điều tiết cung cầu, giữ bình ổn giá. Giá đấu thầu ở đây là ba khoản phí dự trữ đường thô, phí dự trữ đường thành phẩm và phí chế biến đường tinh luyện.
Đối với nhâp khẩu đường, bước 1, hội đồng điều hành sẽ duyệt kế hoạch nhập khẩu của từng doanh nghiệp và công bố hồ sơ mời thầu quốc tế để chọn nhà cung cấp. Bước 2 là đấu thầu phí dự trữ và bước 2 là đấu thầu 2 loại phí là phí chế biến để sản xuất từ đường thô ra đường tinh luyện và phí dự trữ đường thành phẩm tính từ thời gian chế biến. Doanh nghiệp nào có kho đủ điều kiện dự trữ đường thì mới được quyền tham gia dự thầu.
Đối với mặt hàng đường bán ra thị trường nội địa, Hiệp hội cho rằng cũng cần phải đấu thầu nhưng chỉ giới hạn với những đối tượng được mua đường theo quy định WTO mới được tham dự thầu. Điều này có nghĩa là chỉ các doanh nghiệp mua để sản xuất, chế biến mới tham gia.
Trong hình thức thứ hai này, Nhà nước sẽ phải sử dụng quỹ bình ổn quốc gia để nhập khẩu đường trước. Chênh lệch trong điều hành nhập khẩu đường trong hạn ngạch sau khi trừ các chi phí sẽ được sử dụng để bổ sung vào nguồn vốn cho dự trữ quốc gia về mặt hàng đường.
Đáng chú ý nhất là, Hiệp hội đề nghị thành lập Hội đồng điều hành đấu thầu gồm 4 cơ quan, trong đó, Bộ Công Thương làm chủ tịch và các thành viên gồm, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Cần có bộ quy chế công khai, tránh lợi ích nhóm
Trên thực tế, việc điều hành nhập khẩu đường theo hướng áp dụng đấu thầu đã được Hiệp hội Mía đường kiến nghị từ nhiều năm nay. Bộ Công Thương đã nhiều lần bác bỏ vì lý do, cơ chế này không có trong cam kết WTO.
Theo cam kết WTO, trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khoảng 70.000 tấn đường. Năm 2014, Việt Nam đã phân giao hạn ngạch 77.200 tấn đường. Năm 2015, hạn ngạch này là 81.000 tấn đường. Đây là mặt hàng đường thô, chỉ được nhập về làm nguyên liệu chế biến đường tinh luyện hoặc chế biến thực phẩm đặc thù, không được phép bán đại trà cho tiêu dùng thông thường.
Hiệp hội Mía đường lo ngại năm 2015 sẽ dư thừa tới 600.000 tấn đường. Giá đường, giá mía giảm sâu khiến nông dân thua lỗ
|
Tuy nhiên, cơ chế phân giao hạn ngạch hiện nay đã dễ dẫn đến xin - cho, các doanh nghiệp mía đường thường kiện tụng vì không minh bạch.
Cuối tuần trước, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp về điều hành nhập khẩu đường và thống nhất, sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu. Cuộc họp của Bộ đã giao cho Hiệp hội Mía đường chắp bút soạn thảo cơ chế thí điểm.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, một chuyên gia trong ngành này chia sẻ, đấu thầu sẽ hoá giải được những rắc rối kiện tụng trước đây, chấm dứt xin - cho. Tuy nhiên, cơ chế hiệp hội đưa ra vẫn còn tù mù và mang lợi ích nhóm.
Vị chuyên gia này dẫn chứng, Hiệp hội lại muốn cử thành viên tham gia hội đồng điều hành, thu phí đấu thầu là bất hợp lý. “Tôi cho là Bộ Công Thương sẽ không đồng ý với phương án đó” - ông nói.
Thêm vào đó, mặc dù nguyên tắc là ai nộp phí cao hơn sẽ trúng thầu, nhưng phí này được tính toán trên cơ sở nào cần phải làm rõ. Trước tiên, các Bộ sẽ phải lập một tổ xét thầu và ban hành bộ quy chế xét thầu.
Trong đó, ngoài tiêu chí về giá, phí, cũng cần có tiêu chí ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất đặc thù, ví dụ như CocaCola cần loại đường tinh khiết mà Việt Nam chưa sản xuất được thì cũng phải cho nhập.
"Trong WTO, Việt Nam cam kết không được phép nhập đường làm thương mại mà chỉ được nhập làm nguyên liệu sản xuất, nhưng điều đó không có nghĩa chỉ có các thành viên hiệp hội mía đường mới được tham gia", vị này nhấn mạnh.
Ngoài ra, bộ quy chế này cũng phải làm rõ thời điểm nào thì được phép nhập khẩu, tránh cho sản xuất trong nước không bị lỗ. Ví dụ, từ tháng 6-10 là lúc đã hết vụ đường trong nước, có thể cho nhập về nhưng từ tháng 11 trở đi, nhất tháng 4-5 là chính vụ sản xuất mía đường thì không cho nhập hoặc chỉ nhập ít thôi.
Nhiều năm gần đây, việc nhập khẩu đường thường gây tranh cãi căng thẳng và hầu hết, giữa Bộ Công Thương và Hiệp hội mía đường thường có ý kiến trái chiều. Năm 2013, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) xin nhập 30.000 tấn đường từ Lào về chế biến tại nhà máy đường Biên Hoà rồi xuất sang Trung Quốc, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Chính phủ đồng ý. Nhưng Hiệp hội này đã phản đối gay gắt đến cùng.
Năm nay, Bộ Công Thương lại tiếp tục xin nhập 50.000 tấn đường từ Lào về, cũng bị Hiệp hội Mía đường kiến nghị Chính phủ bác bỏ vì sợ đường nhập khẩu giá rẻ sẽ bóp chế mía đường trong nước có giá cao hơn. Tính toán của Hiệp hội này cho biết, năm 2015 sẽ dư thừa tới 600.000 tấn đường. Giá đường, giá mía giảm sâu khiến nông dân thua lỗ.
Phạm Huyền
vietnamnet
|