Nhà đầu tư sốt ruột chờ tăng giá mua điện gió
Hàng loạt nhà đầu tư đã đăng ký dự án điện gió đang "sốt ruột" chờ đợi chính sách được tăng thêm giá mua điện gió nối lưới bởi theo họ giá điện gió thấp là nguyên nhân chính cản chân nhà đầu tư tham giá phát triển nguồn năng lượng tái tạo này trong nhiều năm qua.
Hiện cả nước có 3 dự án điện gió vận hành với công suất 54 MW - Ảnh: Thanh Tùng.
|
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sáng nay (27-2), ông Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, cho biết vốn đầu tư một dự án điện gió thường rất lớn, nếu giá bán điện vẫn còn thấp thì nhà đầu tư sẽ không có lãi và đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư chưa đẩy nhanh tiến độ dự án được.
Hiện nay trên cả nước có ba dự án điện gió đang vận hành phát điện với tổng công suất 54 MW gồm dự án điện gió Bình Thạnh, dự án điện gió Phú Quý tại Bình Thuận và dự án điện gió Bạc Liêu. Còn lại trên 45 dự án khác đã được nhà đầu tư đăng ký với tổng công suất 4.822 MW nhưng vẫn chưa triển khai.
Theo ông Bùi Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, lâu nay vẫn có một số chính sách hỗ trợ điện gió theo quyết định 37/2011/QĐ-TTg của Chính phủ, trong đó có quy định giá mua điện gió nối lưới tương đương 7,8 xu Mỹ (cent)/kWh và một số chính sách hỗ trợ khác, nhưng như thế vẫn chưa đủ thu hút các nhà đầu tư.
Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo. Theo đó, đến năm 2020 Việt Nam đặt mục tiêu đạt công suất điện gió 1.000 MW và đến năm 2030 đạt 6.200 MW.
Hiện nay tổng công suất các dự án điện gió đang vận hành trên cả nước mới chỉ đạt khoảng 54 MW.
|
Mới đây Hiệp hội điện gió Bình Thuận đã kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần đưa ra lộ trình tăng giá mua điện gió từ mức 7,8 cent/kWh hiện nay lên trên 10 cent/kWh vào năm 2015 và lên trên 12 cent/kWh vào năm 2017.
Trao đổi với TBKTSG Online hôm nay, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo thuộc Tổng cục năng lượng, cho biết dự kiến trong tháng 3 này, Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ xem xét phê duyệt kế hoạch điều chỉnh tăng giá mua điện gió thay cho mức đang áp dụng theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, trong khi chờ Chính phủ cân nhắc điều chỉnh giá mua điện gió, chính quyền một số địa phương cũng đang cân nhắc các biện pháp chế tài đối với các nhà đầu tư đã đăng ký dự án điện gió nhưng không triển khai thực hiện. Lãnh đạo các tỉnh có nhiều tiềm năng điện gió như Ninh Thuận, Bình Thuận mới đây đã gọi nhà đầu tư lên đôn đốc, thậm chí thu hồi dự án chậm triển khai.
Chẳng hạn như mới đây chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã thu hồi dự án điện gió Phước Dân tại huyện Ninh Phước do nhà đầu tư chậm triển khai. Đây là dự án điện gió có công suất 50 MW với tổng vốn gần 1.300 tỉ đồng được tỉnh cấp chứng nhận cho nhà đầu tư từ cuối năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì.
Còn theo ông Bùi Văn Thịnh của Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, chính quyền tỉnh Bình Thuận mới đây cũng mời các chủ đầu tư dự án điện gió đã đăng ký lên đốc thúc, cảnh báo thu hồi dự án nếu các nhà đầu tư chậm triển khai.
“Khả năng tới đây tỉnh sẽ thu hồi một số dự án điện gió chậm triển khai vì tỉnh đã họp với một số nhà đầu tư rồi”, ông Thịnh cho hay qua trao đổi với TBKTSG Online hôm nay. Hiện tỉnh Bình Thuận được xem như địa phương có tiềm năng điện gió lớn với 17 dự án đã đăng ký.
Văn Nam
tbktsg
|