Khó “làm đẹp” nợ xấu
Thủ tướng, Quốc hội giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước đưa nợ xấu về mức 3% trong năm 2015. Tuy nhiên, quy trình xử lý tài sản thế chấp hiện quá nhiêu khê khiến các ngân hàng rất khó thu hồi nợ xấu.
Để đưa nợ xấu về 3%, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã ra chỉ thị yêu cầu các đơn vị đến ngày 30-6-2015 phải xử lý được ít nhất 60% nợ xấu cần xử lý theo kế hoạch năm và phải bán được 75% tổng số nợ xấu dự kiến sẽ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong năm 2015.
Mắc kẹt với khối tài sản thế chấp
Lãnh đạo một NH cổ phần đang tiến hành tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN cho biết tài sản thế chấp của NH ông hiện “nằm đầy ngoài đường” nhưng không thu hồi được vì thủ tục xử lý quá nhiêu khê. Ngay cả khi đã chuyển qua cơ quan tố tụng, tòa án xử xong, thi hành án vẫn mất thêm hàng năm trời.
Thông thường, một tài sản thế chấp xử lý phát mãi để thu hồi được phải mất từ 3-6 năm, cá biệt có vụ hơn 10 năm vẫn chưa xử lý xong.
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm còn 3,8% nhờ áp dụng hàng loạt biện pháp tái cấu trúc nợ, giãn nợ
|
Thông tư liên tịch số 16 của NHNN, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường dù cho phép các NH thương mại thu hồi tài sản thế chấp không qua tố tụng nhưng rất khó áp dụng vì thiếu sự hợp tác của địa phương.
Theo ông Hoàng Trúc Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý nợ và Tài sản NH Quân đội (AMC MB), do thiếu cơ chế về chi phí nên chính quyền các địa phương, ban, ngành tham gia hỗ trợ NH trong quá trình thu hồi nợ không mấy mặn mà.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng chưa tham gia thông tư liên tịch này dẫn đến công an phường, xã phải đứng ngoài cuộc. Tại nhiều cuộc họp về hoạt động NH ở TP HCM gần đây, nhiều NH thương mại tiếp tục than phiền về quá trình thu hồi nợ xấu và kiến nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ NH thu hồi nợ.
Mua nợ xấu rồi không biết bán cho ai
Đến cuối năm 2014, nợ xấu của hệ thống NH vào khoảng 3,8%. Một phó thống đốc NHNN cho biết nếu tính toán đầy đủ theo các quy định trong Thông tư 02 và Thông tư 36 về giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, muốn đưa tỉ lệ nợ xấu về dưới 3% thì cần phải xử lý khoảng 150.000 tỉ đồng trong năm 2015. Khi đó, các NH thương mại phải tự xử lý khoảng 50.000 - 60.000 tỉ đồng bằng cách trích lập dự phòng rủi ro, thu hồi nợ…
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhận định đến cuối năm 2014, nợ xấu của hệ thống NH đã giảm từ 15% xuống 3,8%, một phần nhờ NHNN áp dụng hàng loạt biện pháp tái cấu trúc nợ hay giãn nợ cho doanh nghiệp (DN) theo Quyết định 780.
Tuy nhiên, Quyết định 780 sẽ hết hiệu lực vào giữa năm 2015 và theo tính toán nợ xấu đầy đủ theo Thông tư 02 và Thông tư 09 của NHNN thì áp lực xử lý nợ xấu vẫn còn rất lớn.
“Nợ xấu vẫn là rủi ro kinh tế lớn nhất của Việt Nam, tiến độ xử lý nợ xấu nhanh hay chậm sẽ quyết định khả năng phục hồi của nền kinh tế” - TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Cũng theo ông Nghĩa, khó khăn lớn nhất là cơ sở pháp lý vẫn như cũ, gây nhiều trở ngại cho NH đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Quyền lực của VAMC vẫn còn hạn chế.
Khung pháp lý khi xử lý nợ xấu đụng tới 11 bộ luật, 5 nghị định và 4 thông tư. Chỉ có thể cho phép làm “một rổ” gồm một nghị quyết của Quốc hội sửa tất cả nhưng đến nay vẫn chưa thấy tiến triển.
Tính riêng tại VAMC, công ty này đã mua được hơn 123.000 tỉ đồng nợ xấu từ hệ thống NH. Tuy nhiên, VAMC mới chỉ xử lý được khoảng 4.000 tỉ đồng đến cuối năm 2014. Lãnh đạo một NH thương mại nhận xét VAMC giống như một cái túi khổng lồ chứa nợ xấu của hệ thống NH, mua xong rồi để đó vì chưa có thị trường mua bán nợ phát triển và thiếu nhiều cơ chế để đầu ra cho nợ xấu hiệu quả. Phải đưa được khối tài sản thế chấp mà VAMC đã mua trở lại thị trường, vào sản xuất kinh doanh thì quá trình xử lý nợ xấu mới hiệu quả, tác động hỗ trợ nền kinh tế.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, nhận xét tiến độ xử lý nợ xấu hiện chưa đạt như mong đợi khiến quá trình phục hồi kinh tế diễn ra không như kỳ vọng. Nguyên nhân liên quan đến nguồn lực, năng lực và quyền lực cho VAMC; rất cần sự chung tay phối hợp của nhiều bộ, ngành liên quan. Hiện vẫn còn nhiều DN chưa tiếp cận được vốn NH cũng vì vướng nợ xấu.
“Phải gắn xử lý nợ xấu với cải tổ, lành mạnh hóa hệ thống NH và tái cấu trúc các lĩnh vực khác như DN nhà nước, đầu tư công hoặc hình thành thị trường mua bán nợ (có nhà đầu tư nước ngoài tham gia)” - TS Thành nói.
Nợ xấu thật là bao nhiêu?
Luật sư Lương Văn Trung, Công ty Luật Bross & Partners, cho rằng muốn giảm nợ xấu phải xác định được nợ xấu thật sự là bao nhiêu. 3% là một con số đẹp xét về chuẩn mực nào, chuẩn mực của NH trong tương quan nền kinh tế hay trong mắt của Quỹ Tiền tệ quốc tế, các tổ chức xếp hạng? Giả sử VAMC mua nợ, rồi được quyền bán nợ nhưng bán lỗ đến mức nào? Lúc này, NH có dám bán không nợ cho VAMC và trách nhiệm ra sao bởi nếu phải bán sẽ can thiệp vào quyền định đoạt của NH. Nếu chấp nhận cho VAMC bán theo giá thị trường thì NH thương mại sẽ phải giải bài toán về quyền lợi của cổ đông, cơ chế “hy sinh”...
|
Thái Phương
người lao động
|