Khánh thành nhiều DA giao thông lớn thúc đẩy ĐBSCL phát triển
Những ngày đầu năm 2015, Bộ GTVT đã đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm ở khu vực phía Nam.
Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra tiến độ dự án cầu Cổ Chiên, chiều 5/2
|
Cầu Cổ Chiên thi công xuyên Tết
Những ngày đầu năm mới 2015, Bộ GTVT đã đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm ở khu vực phía Nam. Trong năm nay, nhiều dự án tầm cỡ khác sẽ được khởi công và hoàn thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là động lực lớn để khu vực kinh tế trọng điểm ĐBSCL phát triển.
Chiều 5/2, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đi kiểm tra tiến độ, động viên cán bộ, công nhân thi công dự án cầu Cổ Chiên. Ông Lê Quốc Dũng, Giám đốc điều hành dự án (Ban QLDA 7) báo cáo với Bộ trưởng tiến độ cầu Cổ Chiên đang được kiểm soát tốt. Phần nhịp dẫn, nhà thầu Cienco 1 đã lao lắp và hoàn thành bản mặt cầu 7 nhịp, đang tiến hành thi công bờ lan can. Nhà thầu Tuấn Lộc cũng đã lao lắp 12/17 nhịp dầm super T và đã đổ bản mặt cầu được 10 nhịp. Nhà thầu đang lập tiến độ đến sau Tết sẽ hoàn thành lao lắp và đổ bản mặt cầu 22/24 nhịp dẫn.
Với nhịp cầu chính, các trụ P13, P14, P15, P16 đang tiến hành thi công các khối đúc hẫng. “Trung bình 5 ngày đúc một đốt, khoảng 75 ngày sẽ hoàn thành các đốt còn lại”, ông Dũng nói.
Trong năm 2015, dự án nâng cấp mở rộng QL1 từ TP HCM đến tỉnh Hậu Giang sẽ hoàn thành đưa vào khai thác. Hoàn thành dự án cải tạo hệ thống đường thủy nội địa khu vực ĐBSCL; dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Cùng đó, Bộ GTVT sẽ khởi công tuyến tránh QL1 qua Sóc Trăng, tuyến tránh Bạc Liêu; Khởi động lại dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Hai cây cầu lớn là Vàm Cống, Cao Lãnh… cũng sẽ hoàn thành trong những năm tới.
|
Theo tiến độ mà Ban QLDA 7 và nhà đầu tư lập, cầu Cổ Chiên sẽ hoàn thành vào tháng 7/2015. Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA 7, nhà thầu lập lại tiến độ chi tiết từng ngày để rút ngắn tiến độ, phấn đấu hoàn thành dịp 19/5/2015.
“Đây là dự án đặc biệt quan trọng với hai tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và vùng ĐBSCL. Họp Chính phủ lần nào Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đều hỏi về tiến độ cầu Cổ Chiên. Khi dự án hoàn thành sẽ rút ngắn hơn 70 km từ Trà Vinh đến TP Hồ Chí Minh nên sớm đưa vào sử dụng ngày nào, lợi cho dân ngày đó”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Điểm khó khăn của dự án hiện là phần đường dẫn hai đầu cầu vì vẫn đang gia tải, quan trắc lún. Bộ trưởng chỉ đạo cho phép dỡ tải trước thời hạn để thi công, cắm biển chờ lún và tiếp tục theo dõi. “Phải thực hiện tốt công tác truyền thông để người dân hiểu việc dỡ tải trước thời hạn để sớm đưa dự án vào sử dụng, phục vụ lợi ích chính đáng của người dân”, Bộ trưởng nói.
Báo cáo với Bộ trưởng, ông Bùi Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc cho biết, nhà thầu đã chuẩn bị toàn bộ nhân lực, thiết bị để thi công xuyên Tết.
Bộ trưởng Đinh La Thăng tặng quà và mừng tuổi Tết Ất Mùi cho công nhân trên công trường xây dựng cầu Cổ Chiên, chiều 5/2
|
Động lực để ĐBSCL cất cánh
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cảm ơn lãnh đạo hai tỉnh dù còn khó khăn nhưng đã hỗ trợ ứng vốn kịp thời để dự án được triển khai theo tiến độ đề ra.
Bộ trưởng thông tin thêm, những ngày đầu năm mới 2015, Bộ GTVT sẽ tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm ở khu vực phía Nam như: Cầu Năm Căn; Đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; Hoàn thành và đưa vào sử dụng 7 cây cầu yếu ở khu vực ĐBSCL.
Trong năm 2015, dự án nâng cấp mở rộng QL1 cũng sẽ hoàn thành, trong đó có đoạn từ TP HCM đến Hậu Giang. Hoàn thành dự án cải tạo hệ thống đường thủy nội địa khu vực ĐBSCL; dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Cùng đó, Bộ GTVT sẽ khởi công tuyến tránh QL1 qua Sóc Trăng, tuyến tránh Bạc Liêu; Khởi động lại dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Xa hơn là cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh… cũng sẽ hoàn thành trong những năm tới.
Như vậy hệ thống giao thông ĐBSCL sẽ được thay đổi rất cơ bản, có sự kết nối liên hoàn cả đường bộ, đường thủy, hàng hải. Những công trình này một mặt tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương, vừa giảm cước vận tải, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. “Hơn 20 triệu dân vùng ĐBSCL sẽ có cơ hội để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để các dự án được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, phục vụ lợi ích của người dân và tạo động lực để vùng ĐBSCL phát triển.
Tư - Thủy - Tuấn
báo giao thông
|