Hàng ngoại vào dễ quá!
Việt Nam đang mở rộng cửa cho hàng hóa các nước vào, còn doanh nghiệp trong nước muốn đưa hàng ra nước ngoài lại vấp phải hàng loạt rào cản do nước sở tại đề ra để bảo hộ sản xuất trong nước.
Một doanh nghiệp (DN) nhiều năm lăn lộn, xây dựng thương hiệu có tiếng tại Trung Quốc như Công ty CP Vinamit (Vinamit) vẫn phải bó tay, không thể “vào” được đảo Hải Nam. Chính quyền đảo này đưa ra các tiêu chuẩn rất cao về vi khuẩn hiếu khí (cao hơn nhiều lần mức quy định chung của thế giới), tiêu chuẩn kiểm dịch... nên Vinamit nhiều lần xuất hàng cho đối tác ở đảo Hải Nam đều bị trả về.
“Trần truồng” trước bão tố
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamit, chính quyền đảo Hải Nam làm vậy để bảo vệ nền sản xuất nông nghiệp của họ. Còn ở Việt Nam, cơ quan quản lý đang bỏ ngỏ kiểm soát hàng kém chất lượng, hàng giả tràn vào, cạnh tranh công khai với hàng hóa chất lượng sản xuất trong nước, góp phần “giết chết” DN Việt. “Hàng hóa qua hải quan không được kiểm duyệt về chất lượng, hàng ngoại cứ thế ung dung tuồn vào Việt Nam. Việc quản trị còn lỏng lẻo, không có khả năng kiểm soát DN nước ngoài vào Việt Nam hoạt động, để DN nước ngoài tự do vào tận vườn mua hàng (không đóng thuế) và chở ra biên giới, DN trong nước làm sao cạnh tranh lại” - ông Viên lo ngại.
Sức ép cạnh tranh đã trực diện đối với cộng đồng doanh nghiệp nội khi hàng hóa nước ngoài tràn vào. Ảnh: Tấn Thạnh
|
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, dùng 2 từ “trần truồng” trước bão tố để miêu tả DN Việt bước vào hội nhập khi thuế quan giảm, không còn hàng rào bảo vệ. Và rủi ro lớn nhất đối với hàng Việt trong thời gian tới là buôn lậu và gian lận thương mại gia tăng khi hàng Thái Lan, Trung Quốc tràn vào… “Cải cách thể chế không theo kịp tiến trình mở cửa. Đây là rủi ro chiến lược của Việt Nam ít nhất trong trung hạn đang tạo ra sức ép lớn cho DN, nhất là mới khởi nghiệp” - TS Nghĩa nhận xét.
Hàng rào kỹ thuật là công cụ ngăn chặn các sản phẩm chất lượng xấu nhập khẩu làm thiệt hại cho người sản xuất và tiêu dùng nội địa. Nhưng theo các DN, muốn có hàng rào kỹ thuật thì phải có công cụ gồm các quy chuẩn quốc gia, phương tiện kiểm tra đánh giá mà các công cụ này hiện thiếu về số lượng hoặc không đủ chất lượng. Ngoài ra, để chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn của một quốc gia nào đó, hiện chi phí rất cao do phải nhờ các tổ chức nước ngoài chứng nhận. Trong nước hiện có rất ít tổ chức chứng nhận được quốc tế công nhận.
Chấp nhận đớn đau giai đoạn đầu
GS Nguyễn Quang Thái, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho rằng vấn đề sử dụng các hàng rào kỹ thuật là cần thiết nhưng không đơn giản, ta “gây khó” cho bạn thì DN Việt cũng phải tuân thủ (như vệ sinh, an toàn thực phẩm). Hàng rào “khó người khó ta” phải được cân nhắc để nâng dần trình độ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Năng lực kiểm tra kỹ thuật, “dựng” hàng rào bảo hộ có cả 2 mặt. Việt Nam cần nâng cao không ngừng số lượng và chất lượng sản phẩm, tăng cường kiểm tra vì sự an toàn của người tiêu dùng. Đây là con đường lâu dài, không thể nói là có ngay như kiểm dịch, kiểm tra hóa chất bảo vệ thực vật, động vật trong các sản phẩm cần có mạng lưới, với trình độ chuyên sâu...
Sức ép cạnh tranh đã trực diện đối với cộng đồng DN. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý cho rằng không nên quá bi quan. Quá trình đổi mới gần 30 năm nay cũng là từng bước mở cửa, hội nhập. Chẳng hạn, chỉ sau 1 năm ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Mỹ (BTA), xuất khẩu từ Việt Nam sang nước này không ngừng tăng. Khi ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, nông sản Việt Nam sẽ được xuất khẩu mạnh sang các thị trường trước đây có mức bảo hộ cao như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Riêng về thị trường ASEAN, ông Trịnh Minh Anh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, cho rằng đừng quá lo lắng vì trong năm nay, Việt Nam sẽ đàm phán và ký kết hàng loạt FTA khác với nhiều “đối tác sừng sỏ”. Lúc này, không cần hàng trong khu vực ASEAN thì hàng hóa các nước khác cũng đã tràn vào Việt Nam. Đôi lúc trong khó khăn, chúng ta mới chứng tỏ được bản lĩnh. Dù giai đoạn đầu phẫu thuật sẽ đau đớn nhưng DN nào vượt qua được sẽ phát triển mạnh hơn.
GS Nguyễn Quang Thái cho rằng các cơ quan quản lý cần có những giải thích cụ thể, làm việc chi tiết để DN cùng lĩnh vực, mặt hàng có điều kiện thảo luận giải pháp cụ thể để vươn nhanh ra thị trường thế giới, tạo thế đứng vững chắc với các đối tác lớn.
Từng đánh bại hàng ngoại
Trong quá khứ, DN Việt đã đương đầu thành công trước sự thâm nhập của hàng ngoại như bia Việt đánh bại bia ngoại, rồi đồ nhựa gia dụng Thái Lan, bánh kẹo, sản phẩm dệt may Trung Quốc... dần nhường chỗ cho hàng Việt.
GS Nguyễn Quang Thái cho rằng làm ăn trong thị trường mở thì sẽ có nhiều nhà hàng, siêu thị ngoại tràn vào Việt Nam nhưng hàng Việt cũng có thể vươn ra thế giới. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự nỗ lực của DN và các cơ quan quản lý Việt Nam. Với lợi thế về lao động, tay nghề, cơ sở vật chất và thị trường với hơn 90 triệu dân sẽ là cơ hội lớn cho DN Việt.
|
Kỳ tới: “Ông lớn” cũng hoang mang
Thái Phương - Thanh Nhân
người lao động
|