Giao dịch nội gián, thao túng cổ phiếu vẫn ngoài luồng?
Trong vô vàn các dấu hiệu bất thường trong giao dịch chứng khoán được các cơ quan đưa vào diện “lưu ý” hiện nay, chỉ có một số lượng rất nhỏ được chuyển sang cơ quan công an để điều tra làm rõ.
* Thấy gì từ 14 vụ xử phạt trên TTCK trong chưa đầy 1 tháng đầu năm 2015
Ngay như năm 2014, bên cạnh 121 quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành đối với các tổ chức và cá nhân, với tổng số tiền phạt lên tới hơn 10 tỷ đồng, cơ quan này đã chuyển 3 vụ việc cho cơ quan công an để điều tra, làm rõ.
Giao dịch tại một sàn chứng khoán
|
Theo báo cáo của Thanh tra Chứng khoán, trong năm 2014, cơ quan này đã tổ chức 14 đoàn thanh tra và 47 đoàn kiểm tra đối với các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng, và các trường hợp thao túng giá chứng khoán.
Trong số 121 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân trong năm 2014, nhiều nhất vẫn là vi phạm của tổ chức chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty đại chúng (50 trường hợp); 2 trường hợp vi phạm giao dịch nội bộ, thao túng; 33 trường hợp vi phạm của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, người có liên quan; 21 trường hợp vi phạm của công ty chứng khoán; 12 trường hợp vi phạm của công ty quản lý quỹ; 3 trường hợp vi phạm của nhân viên tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Thanh tra chứng khoán cũng đã chỉ đạo và phối hợp với các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) trong việc phân tích, làm rõ và kiểm tra xử lý vi phạm về thao túng giá, giao dịch nội bộ.
Trên cơ sở đó, đã triển khai 4 đoàn kiểm tra giao dịch và đã xử phạt bằng tiền là 550 triệu đồng, tịch thu 356 triệu đối với 2 trường hợp thao túng giá.
Trong những ngày đầu năm 2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên tiếp xử phạt các cá nhân do có hành vi vi phạm về giao dịch “sử dụng các tài khoản khác nhau để giao dịch ngược chiều cùng một loại chứng khoán trong ngày giao dịch”, dấu hiệu ban đầu của hành vi thao túng, làm giá cổ phiếu - hành vi thuộc sự điều chỉnh của Luật Hình sự.
Tuy nhiên, mức phạt cho 3 cá nhân này chỉ vài chục triệu đồng, rất nhỏ so với mức trục lợi mà các đối tượng thu được. Trong năm 2014, có 3,4 vụ việc mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chuyển sang cơ quan công an và bị trả về bởi dù dấu hiệu thao túng nội gián là rõ ràng nhưng chứng cứ lại không đủ.
Tuy nhiên, những nỗ lực đó của thanh tra chứng khoán cũng vẫn chỉ như "muối bỏ biển" trong bối cảnh mà việc "làm xiếc" trên thị trường chứng khoán vẫn đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp.
“Khi thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bị hạn chế thì nhà đầu tư vẫn chưa sợ và mức độ nghiêm minh trong xử phạt chưa triệt để”, một chuyên gia chứng khoán nhận xét.
Tại hội nghị ngành chứng khoán năm 2015 diễn ra đầu tuần này, một lần nữa, kiến nghị đưa nghiệp vụ điều tra ban đầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào Bộ luật điều tra hình sự và luật tố tụng hình sự lại được nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một trong những khó khăn bấy lâu nay mà công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán vẫn đang gặp phải là thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong công tác thanh tra, giám sát hiện nay còn hạn chế.
Sự hạn chế này khiến cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước của Việt Nam trở thành gần như duy nhất: không có khả năng thu thập thông tin về tài khoản và giao dịch ngân hàng, không có quyền tiếp cận điện thoại, thư tín điện tử.
Và vì vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gặp nhiều khó khăn trong công tác xác minh, xử lý các vụ việc giao dịch nội gián và thao túng thị trường trong thời gian qua.
Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, phạm vi, đối tượng của hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng mở rộng, số lượng đối tượng và khối lượng công việc thanh tra, kiểm tra ngày càng lớn. Các vi phạm trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện và xử lý.
“Hiện nay trên thị trường chứng khoán, các hành vi thao túng, nội gián ngày càng tinh vi, phức tạp nhưng do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có thẩm quyền thực hiện một số hoạt động điều tra ban đầu như triệu tập đối tượng liên quan đến làm việc, yêu cầu bên thứ ba cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng, thông tin điện thoại, điện tín nên gặp khó khăn trong việc phát hiện và xác minh làm rõ các hành vi lạm dụng thị trường.
Do vậy, để làm rõ hành vi vi phạm, đối tượng vi phạm cũng như xác định dấu hiệu tội phạm của các hành vi lạm dụng thị trường nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc phối hợp với cơ quan điều tra trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm cần đặt ra yêu cầu phải tăng cường năng lực, thẩm quyền cho cơ quan quản lý thị trường chứng khoán", lãnh đạo Vụ Thanh tra chứng khoán chia sẻ.
Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc giám sát, phát hiện, kiểm tra và đặc biệt là chứng minh hành vi vi phạm gặp khó khăn, nhất là trong việc xác định mối quan hệ giữa các đối tượng nghi vấn do các đối tượng có thể sử dụng phương thức thông qua nhiều tài khoản dưới nhiều tên khác nhau và sử dụng giao dịch trực tuyến mà không cần phải thực hiện ủy quyền.
Đối với giao dịch nội bộ thường tập trung chủ yếu vào nhóm cổ đông nội bộ, người có liên quan. Tuy nhiên, giao dịch nội bộ không chỉ giới hạn ở cổ đông nội bộ, người liên quan mà có thể gồm những nhà đầu tư có thể nắm bắt thông tin nội bộ trước khi nó được công bố ra thị trường.
Việc xác định những đối tượng trên rất rộng, khó chứng minh mối liên hệ giữa các đối tượng này và các cổ đông nội bộ, người có liên quan.
Thẩm quyền điều tra ban đầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ở đây khác hẳn điều tra của công an bởi đấy chỉ là thẩm quyền điều tra ban đầu nhằm giúp cơ quan công an trong việc điều tra và xử lý vi phạm, hỗ trợ, tiếp cận đối tượng vi phạm hơn.
Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kiến nghị này của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong vài năm qua đã có chuyển biến trong 2015.
Theo ông Bằng, các bộ ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm soát đã bắt đầu ủng hộ, thay vì lúc đầu còn băn khoăn do nghĩ rằng thẩm quyền điều tra của Ủy ban Chứng khoán sẽ giẫm chân các ngành khác.
Hoàng Xuân
vneconomy
|