Điều gì đang diễn ra tại HNM?
Hai năm gần đây cổ phiếu HNM có những khoảng thời gian biến động rất mạnh, chủ yếu xoay quanh tin đồn thâu tóm dù điều đó hiện vẫn chưa diễn ra. Tuy nhiên, việc Chủ tịch bất ngờ tăng nắm giữ gấp hơn 4 lần, hay xuất hiện thêm một cổ đông lớn trong thời gian gần đây khiến nhiều dấu hỏi tiếp tục được đặt ra.
Ngày 12/02, theo Dealstreetasia, Công ty thực phẩm PT Tiga Pilar Sejahtera Food Tbk (Aisa) của Indonesia đã tiết lộ kế hoạch muốn chi 80 triệu USD để mua lại cổ phần của hai công ty thực phẩm tại Việt Nam và Malaysia trong năm nay. Một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng Aisa đang để ý đến việc mua lại cổ phần chi phối đối với Hanoimilk của Việt Nam. Tuy nhiên thông tin này chưa được kiểm chứng.
Được biết, Công ty Aisa chuyên kinh doanh trong mảng xay xát và đóng gói gạo, hiện đang mở rộng sang ngành công nghiệp sữa.
Các sản phẩm chủ chốt của Hanoimilk, trong đó nổi hơn cả là sản phẩm Izzi.
Chủ tịch đột ngột tăng nắm giữ, xuất hiện cổ đông lớn Vũ Thị Thanh Vân
Ngày 12/01/2015, CTCP Sữa Hà Nội – Hanoimilk (HNX: HNM) thông báo đã chào bán riêng lẻ 7.5 triệu cp vào ngày 31/12/2014. Tuy nhiên thông tin chi tiết về đợt phát hành này không được HNM công bố.
Đến ngày 12/01, Chủ tịch Hà Quang Tuấn cho biết đã mua 3.75 triệu cp từ đợt phát hành này và tăng tỷ lệ sở hữu nhảy vọt từ 5% lên 21.88% (4,375,000 cp) HNM.
Bên cạnh đó, qua đợt phát hành này, tại HNM xuất hiện thêm một cổ đông lớn mới là bà Vũ Thị Thanh Vân, cũng mua khối lượng tương đương ông Tuấn và chính thức nắm giữ tới 18.75% vốn HNM. Mọi thông tin về cổ đông mới này hiện vẫn là một ẩn số.
Lần theo báo cáo tài chính quý 4/2014 của HNM cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2014, HNM ghi nhận hơn 79.59 tỷ đồng tiền thu từ phát hành cổ phần, nhận vốn góp của chủ sở hữu. Nghĩa là hai cổ đông này chỉ phải mua 7.5 triệu cp HNM với giá 10,613 đồng/cp, thấp hơn so với thị giá tại thời điểm tháng 12/2014 giao dịch quanh mốc 12,600 đến 15,800 đồng/cp.
Như vậy, cơ cấu cổ đông của HNM sau đợt phát hành này biến động khá rõ rệt. Nếu như trước phát hành, hai cổ đông tổ chức lớn nhất là Hoàng Mai Xanh (10%) và Công nghệ mới (10%)… thì sau phát hành Chủ tịch Hà Quang Tuấn sở hữu lớn nhất với 22%, tiếp theo là bà Vũ Thị Thanh Vân (19%)…
Liên tục dính tin đồn bị thâu tóm
Tháng 6 năm 2013, HNM vốn đã dính đến tin đồn bị thâu tóm khiến giá cổ phiếu tăng 100% lên được mức 8,000 đồng/cp vào thời điểm đó. Tuy nhiên, sau khi vị Chủ tịch lên tiếng phủ nhận thì mọi chuyện dường như lắng xuống để đến đầu tháng 10/2014 cổ phiếu HNM lại xuất hiện thêm một con sóng tăng tới 116%, từ mức 9,400 đồng/cp lên 20,300 đồng/cp.
Giới đầu tư lại rỉ tai nhau về những nghi án M&A ngành sữa khi mà TH True Milk mua DaLat Milk, VinaCapital đầu tư 45 triệu USD để nắm 70% vốn Sữa Ba Vì, hay VinaCafe Biên Hòa (VCF) bổ sung thêm ngành kinh doanh sữa…
Biến động giá cổ phiếu HNM từ tháng 5/2013 đến nay
Hai con sóng lớn của HNM xuất hiện thời gian qua xung quanh tin đồn thâu tóm.
HNM vẫn là một doanh nghiệp tiềm năng khi vừa có chỗ đứng vững chắc khu vực miền Bắc, vừa có lợi thế về trang trại khi đang tiếp tục đầu tư 1-2 ngàn con bò sữa. Năm 2014 dù HNM lãi thấp chỉ 161 triệu đồng nhưng tỷ suất lãi gộp biên vẫn đang tăng hàng năm hiện đã lên 30%, BVPS đã tăng từ 10,721 đồng lên 16,982 đồng, P/E tới 1,002 lần, P/B là 0.76 lần.
Theo Tetra Pak Việt Nam (nhà cung cấp báo cáo Chỉ số ngành sữa toàn cầu), trong 5 năm gần đây (2008-2013), tiêu dùng sữa của Việt Nam tăng trung bình 16%/năm và hiện trung bình mỗi người Việt Nam sử dụng 20.5 lít sữa/năm. Mức độ gia tăng này có thể tiếp tục đi theo đà tăng của nhu cầu chung của thế giới trong vòng 10 năm tới.
Rõ ràng, ngành sữa đang có dư địa phát triển rất cao trong thời gian tới, điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn khi có nhiều nhân tố mới nhảy vào thị trường này. Và vấn đề thâu tóm đương nhiên sẽ diễn ra tại những doanh nghiệp yếu thế hơn về vốn cũng như quản trị.
Minh An
|