Xem xét giải pháp thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội
Để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ về mặt chính sách như: Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… cho các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 295 khu công nghiệp với 2,2 triệu công nhân lao động trực tiếp đang làm việc. Trong số đó, mới chỉ có khoảng 20% công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm tại các khu nhà trọ của tư nhân.
Khu nhà ở xã hội thuộc KCN Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai
|
Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp từ 2-3m2/người, điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo. Điều này không những ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ và đời sống của công nhân, người lao động mà còn dẫn đến tình trạng mất ANTT tại nhiều khu công nghiệp.
Bộ Xây dựng cho rằng hiện nay việc phát triển nhà ở xã hội đang là nhu cầu bức thiết bởi theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam thì đến năm 2020, số công nhân tại các khu công nghiệp đạt tới 7,2 triệu người, trong đó 4,2 triệu người có nhu cầu nhà ở.
Tuy nhiên, thực tế việc xây dựng các khu nhà ở xã hội hiện gặp nhiều khó khăn như: Thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội, nhiều khu công nghiệp được hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân…
Đặc biệt, việc đầu tư nhà ở xã hội đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và dài hạn, trong khi lãi suất vay vốn còn cao, thời gian thu hồi vốn dài nên các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư.
Mới đây (ngày 20/1), trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu tình hình phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, nguồn cung nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay còn quá ít, cần tập trung giải quyết khó khăn để xây dựng thêm nhiều khu nhà ở xã hội để người lao động sớm ổn định cuộc sống.
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ xem xét một số giải pháp mới nhằm tháo gỡ các khó khăn giúp công nhân mua nhà ở. Trong đó, sẽ kiến nghị Chính phủ bổ sung đối tượng được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.
Để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà xã hội, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư các dự án (kể cả các hộ gia đình cá nhân) phát triển nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với công nhân, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở cho công nhân, được vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc được bù lãi suất theo quy định...
Về phía các địa phương, Bộ trưởng cũng đề nghị tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển nhà ở xã hội, kể cả các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội và dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại để đáp ứng nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô nhỏ cho công nhân, người lao động trên địa bàn.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau gần 5 năm triển khai, đến nay cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 20.277 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.440 tỷ đồng; đang tiếp tục triển khai 59 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 66.753 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.100 tỷ đồng.
Phan Hoàng
chính phủ
|