Xăng lên tăng giá ngay, xăng giảm còn chờ... trời
Khi các Bộ nỗ lực rà soát kiểm tra chặt giá cước vận tải, CPI đã âm 3 tháng liên tiếp thì ngoài thị trường, hàng thực phẩm thiết yếu rục rịch tăng giá. Chuyên gia chỉ ra rằng, giá vận tải giảm chưa đáng kể vẫn là "thủ phạm" khiến giá hàng hóa neo ở mức cao.
Cận Tết, giá vẫn rục rịch tăng
"Xăng dầu thì giảm mạnh thật đấy, nhưng tôi đi chợ hàng ngày có thấy thực phẩm giảm đâu. Họ giảm ở đâu chứ?", bà Phú, trợ lý bếp nhà hàng bún chả T.N nổi tiếng ở phố Vạn Phúc, Hà Nội chia sẻ.
Bà Phú ví dụ: “Thịt lợn, gà đang tăng thấy rõ. Trước đây, một cân thịt rọi chỉ 70.000-75.000 đồng thì giờ đã tăng lên 85.000 đồng. Thịt gà ta trước chỉ có 95.000 đồng/kg thì nay đã tăng thành 110.000-120.000 đồng/kg".
"Sáng sớm nào tôi cũng phải đi chợ mua nguyên vật liệu về làm hàng nên giá cả nhớ rất rõ và chính xác", bà Phú quả quyết.
Theo "chuyên gia đi chợ" này, đặc biệt là gạo và đồ khô, hiện cũng không hề giảm theo giá xăng dầu.
Gạo tám Thái trước đây là 18.000 đồng/kg, giờ là 20.000 đồng/kg, gạo Bắc Hương cũng tăng từ 15.000 lên thành 17.000 đồng/kg, gạo xi rẻ nhất cũng nhích từ 10.000 lên 12.000 đồng/kg.
Bảng giá niêm yết các loại thực phẩm ở một siêu thị (ảnh P.H)
|
Những loại đồ khô thường tích trữ để nấu cỗ ngày Tết cũng tăng thấy rõ, như miến ngon đã từ 35.000 đồng/kg tăng lên 40.000 đồng/kg, bánh đa từ 35.000 đồng/kg lên 37.000 đồng/kg.
Bà Phú đã làm công việc đi chợ chuyên nghiệp từ 14 năm nay, phụ giúp cho cô em gái mở hàng bún chả nên mọi biến động tăng giảm giá là ảnh hưởng ngay tới vốn kinh doanh của nhà hàng. Tuy nhiên, "vì ở trong ngõ, chúng tôi vẫn chỉ bán 25.000 đồng/suất bún chả thôi", bà nói.
Loại thực phẩm ở Hà Nội chịu tác động lớn ở cước vận tải hàng hoá là hải sản, cũng không có dấu hiệu giảm. 13 năm nay, bà Sim, một chủ buôn hải sản ở chợ Giao Thuỷ, Nam Định lên Hà Nội khẳng định như vậy.
Bà cho hay, giá ngao biển, mực trứng vẫn đứng giá. Riêng mực ống đã đắt lên 2 giá, từ 180.000 đồng lên 200.000 đồng/kg. Tôm sú hiện cũng đã ở mức giá 420.000 đồng, ghẹ tươi ngon là 350.000 đồng/kg.
Bà Sim nhấn mạnh: "Phí vận chuyển một thùng hải sản từ Giao Thuỷ lên Hà Nội có giảm 10.000 đồng. Nhưng giá chúng tôi buôn từ dưới biển lên vẫn không thay đổi, nên giá bán cho dân cũng khó giảm được".
Cước vận tải còn neo, giá hàng hoá còn cao
Dường như, những nỗ lực giảm giá cước vận tải theo giá xăng dầu của Chính phủ vẫn chưa thực sự ngấm đến hàng hoá ngoài thị trường và bán lẻ truyền thống.
Cập nhật mới nhất từ Bộ Tài chính, giá xăng dầu chiếm khoảng 34-45% giá thành cước vận tải hàng hoá, nhưng đến nay, một số công ty vận tải hàng hoá mới giảm trung bình từ 3-18%.
Theo nhiều chủ buôn hàng thực phẩm, dù giá cước vận tải có giảm, nhưng giá gốc buôn hàng không giảm thì họ sẽ khó giảm giá. Quan trọng hơn, vào dịp Tết, do nhu cầu mua sắm, tích trữ tăng lên mặt hàng thịt lợn, gà, hải sản thường tăng giá.
Nhiều người cho rằng cận Tết, giá cả sẽ còn tăng (ảnh P.H)
|
Bà Khánh, một chủ buôn rau chuyên nghiệp ở Hà Nội, còn khẳng định, độ một tuần nữa, giá thực phẩm còn đắt hơn, thậm chí có thể sốt vì người dân mua tích trữ ăn Tết.
Thế nên, mới có sự vô lý của nhiều loại hàng hoá đang tồn tại trái ngược với mặt bằng giá xăng dầu hiện nay.
Giá một lít xăng hiện nay đã chỉ còn 15.670 đồng/lít và dầu diezen là 15.170 đồng/lít, ngang với mức giá hồi tháng 10-11/2008 và tháng 8-9/2009 và giảm mạnh tới 35% so với ngày đầu năm 2014.
Nhưng tại các chợ bán lẻ truyền thống, mặt bằng giá vẫn không nhúc nhích nhiều.
Trong khi đó, trước đây, mỗi lần tăng giá xăng dầu, các chủ hàng thực phẩm có thể tăng gấp 2-3 lần giá với lý do "xăng dầu tăng". Đã có lúc, một mớ rau muống đắt lên tới 15.000 đồng chỉ vì giá xăng.
Chị Thu Hà, một nhân viên văn phòng cho một chi nhánh ngân hàng ở khu vực Cát Linh cũng kể: "Ba năm nay, nhà mình thường ăn gạo tám Điện Biên. Nhưng giá gạo vẫn giữ nguyên ở mức 18.000 đồng/kg hai năm nay dù giá xăng dầu đã rẻ hơn cả 3 năm trước. Nếu mình nhớ không nhầm, thởi điểm đó, có lúc loại gạo này giảm xuống 16.000 đồng/kg”.
Cho đến nay, chỉ có duy nhất tại các siêu thị là giá thực phẩm đã giảm, nhưng không đáng kể. Ghi nhận của VietNamNet cho thấy, nhiều loại thực phẩm tiêu dùng trên nhiều kệ hàng ở Intimex đều ghi chú "giảm giá" với mức giảm từ 10-20%, như bánh Toppy One Chesse giảm 8%, cà phê G7 giảm 10%... Song thực chất, đó chỉ là chương trình khuyến mại riêng của siêu thị, trong vòng khoảng 1 tháng.
Tại hệ thống siêu thị Big C Hà Nội, hơn 4.000 mặt hàng đang giảm giá với mức giảm cao nhất là 49% nhưng cũng là chiến dịch giảm giá dịp Tết theo kế hoạch hàng năm.
Chị Huyền, cán bộ phụ trách truyền thông của Big C, chia sẻ: "Chúng tôi quan tâm làm sao giá tới người tiêu dùng thấp nhất chứ không bóc tách đâu là giá nhà phân phối giảm và đâu là giá do nhà cung cấp giảm".
"Đây là kết quả của việc siêu thị đàm phán với nhà cung cấp, cam kết về mức giá kéo dài đến sau Tết. Khi đó, nhà cung cấp sẽ tính toán giá thành, nếu có lãi thì họ sẽ bắt tay với mình”, chị Huyền nói.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cũng nhìn nhận: "Giá ngoài thị trường không giảm, rất đơn giản là bởi thị trường phản hồi việc giá cước vận tải hàng hoá cố thủ".
"Câu trả lời ở đây là hai bộ Tài chính, GTVT phải gõ đầu mấy ông vận tải tới nơi tới chốn. Chứ hiện nay, hiệu lực quản lý Nhà nước của ta còn kém, cả hai bộ vẫn đánh vật mãi mà chả phạt được ai không chịu giảm cước. Khi nào giá cước giảm thì các siêu thị, các chợ mới giảm giá bán được", ông Phú nhấn mạnh.
CPI thấp nhất 17 năm
Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng 1/2015 giảm tới 0,2% so với tháng 12/2014. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, CPI tháng sát Tết âm lịch lại giảm.
Nguyên nhân là do chỉ số giá các nhóm giao thông dưới tác động của giá xăng dầu giảm kỷ lục, tới 3,96%, giá nhóm nhà ở vật liệu xây dựng cũng giảm tới 1,09%.
Ảnh hưởng lớn nhất là giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 1/2015 vẫn tăng, nhưng tăng nhẹ 0,28%. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với tháng 1 của những năm trước, như 2011 tăng 2,47%; 2012 tăng 1,01%; 2013 tăng 1,34%; 2014 tăng 0,77%.
Kể từ năm 2006 đến nay, CPI tháng 1 đều tăng mạnh từ 1-2%.
|
Phạm Huyền
vietnamnet
|