TS Trần Du lịch: Ba yếu tố chính đưa kinh tế và doanh nghiệp phát triển
Tại buổi hội thảo Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2015 tổ chức sáng 22/01 tại TPHCM, Tiến sĩ Trần Du Lịch – Ủy viên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhìn nhận “Nền kinh tế Việt Nam hiện tại đang trong trạng thái thở phào nhưng vẫn còn nặng nề và sẽ có ba nhân tố chính đưa kinh tế Việt Nam cũng như các doanh nghiệp phát triển”.
Thở phào
Ông Lịch nhận định, nền kinh tế hiện tại đang trong trạng thái “thở phào” mặc dù vẫn còn nặng nề. Và hai nhóm vấn đề chính cần quan tâm khi bước sang năm 2015 là: (1) Kinh tế Việt Nam có thực sự chuyển sang giai đoạn phục hồi chưa và phục hồi như thế nào? (2) Trong năm 2015, chính sách của Chính phủ về vĩ mô điều hành theo định hướng gì để tạo cơ hội cho doanh nghiệp? Ông đánh giá đây như là một sự thách thức.
Theo ông, từ 2015 sẽ là hội nhập sâu và rộng, là cơ hội to lớn cho nền kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, ông đánh giá cơ hội là tiềm năng nhưng thách thức đã là hiện thực. Đây là vấn đề cần nhìn nhận.
Về vấn đề kinh tế Việt Nam liệu đã thực sự phục hồi? Có cái nhìn lạc quan, ông cho biết, từ quý 3/2013 thì kinh tế Việt Nam đã bước sang thời kỳ phục hồi mặc dù rất yếu ớt nhưng ở năm 2014 kinh tế Việt Nam bước vào con đường trì trệ, theo như cách nói của ông “ốm không ra ốm, khỏe không ra khỏe”. Sang 2015, tất cả tín hiệu cho thấy thực sự đã phục hồi mặc dù còn chậm với các yếu tố tích cực:
- Vĩ mô: Đã đẩy lùi được bóng ma lạm phát; tất cả các chính sách tài khóa, kể cả bội chi, chính sách tiền tệ đều không gây ra tác động lạm phát, tức dư địa điều hành vĩ mô rất lớn. Mặc dù, 2014 báo cáo còn trên 60,000 doanh nghiệp ngưng hoạt động nhưng cũng phải thấy rằng hơn 15,500 doanh nghiệp từ ngưng hoạt động đã trở lại hoạt động, phục hồi.
- Về doanh nghiệp, xét riêng ở TPHCM trong năm 2014, đã hình thành 3 nhóm doanh nghiệp chính: (1) Làm ăn tốt, tồn tại, phát triển ngay trong thời kỳ khó khăn; (2) Chống đỡ cực kỳ khó khăn để tồn tại: (3) Ngưng hoạt động. Năm 2015, dự báo nhóm 1 sẽ lớn mạnh và một bộ phận trong nhóm 2 đang gượng lên để gia nhập nhóm 1. Tuy nhiên, ông không kỳ vọng năm 2015 có sự khởi sắc mạnh mẽ từ các nhóm. Chính sách hướng tới là đưa nhóm 1 phát triển hơn và đưa nhóm 2 không rơi vào nhóm 3 với xu thế để nền kinh tế thị trường tự tái cấu trúc.
Tiến sĩ Trần Du Lịch phát biểu tại buổi hội thảo
|
Ba yếu tố chính đưa kinh tế và doanh nghiệp phát triển
Năm 2015, theo ông sẽ có ba yếu tố chính tác động: (1) Kinh tế vĩ mô ổn định để doanh nghiệp có thể dự báo được tương lai của nền kinh tế; (2) Hệ thống pháp luật thông thoáng, bình đẳng và hội nhập được để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động và cuối cùng (3) Là nền hành chính phục vụ chứ không phải nền hành chính làm khó.
Ba yếu tố này là gốc để doanh nghiệp vươn lên chứ không phải các yếu tố như ưu đãi đất, thuế,... mới giúp doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, ông nhìn nhận, trong thời gian vừa qua, ba yếu tố này đã làm chưa tốt. Cụ thể, kinh tế vĩ mô bất ổn, luật pháp rối, bộ máy hành chính không mang tính phục hồi.
Năm 2015, kinh tế vĩ mô sẽ phát triển dựa trên các chỉ báo ổn định năm 2014 và ông dự báo mức tăng trưởng 2015 sẽ từ 6.2 đến 6.5%, CPI xoay quanh tối đa 5%, xuất khẩu tăng 10%, bội chi ngân sách khoảng 5% GDP, tăng trưởng tín dụng 14% sẽ đạt được.
Về môi trường pháp lý, Quốc hội đã cải cách mạnh mẽ thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở,... và đã tiếp thu cơ bản để xử lý môi trường pháp lý tương đồng với các nước trong khu vực cộng đồng Asean. Và các vấn đề này sẽ có hiệu lực trong 2015.
Về xây dựng nền hành chính theo hướng phục vụ, sẽ là quá trình cải cách bộ máy theo hiến pháp, tổ chức của chính quyền và đây sẽ điều khó nhất do liên quan đến yếu tố con người nhưng là nhân tố quan trọng.
Ông Lịch cho rằng môi trường năm 2015 sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp.
Duy Hoàng ghi
|