Thứ Hai, 19/01/2015 22:09

Kinh tế thị trường định hướng XHCN: Hai điểm khác biệt cần giải quyết

"Cần phải giải quyết hai điểm khác biệt so với các nền kinh tế thị trường khác, sao cho thông suốt để nền kinh tế thị trường định hướng XHCN được vận hành trôi chảy”, TS. Lưu Bích Hồ nêu quan điểm.

Tại Hội nghị Ban chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 10 vừa kết thúc, T.Ư đã dành nhiều thời gian thảo luận kỹ lưỡng, cho nhiều ý kiến xác đáng và thống nhất cao về những vấn đề cần tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội XII. Trong đó, có nhiều nội dung quan trọng như: Đánh giá kết quả 30 năm đổi mới; tiếp tục bám sát thực tiễn, đi sâu nghiên cứu, tổng kết, thảo luận, tạo sự thống nhất cao hơn về một số vấn đề mới và khó như: Khái niệm và đặc trưng kinh tế thị trường định hướng XHCN phù hợp với trình độ phát triển kinh tế nước ta hiện nay; mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế cần xây dựng, hướng tới...

TS. Lưu Bích Hồ

Xung quanh những vấn đề trên, Báo Giao thông có cuộc trao đổi với TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển.

Các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng

Nhìn tổng thể, sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng cũng phải thấy còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, bất cập. Theo quan điểm của ông, những hạn chế, bất cập mà chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, tập trung giải quyết là gì?

Tại thời điểm này, việc đổi mới cũng có phần khác so với thời kỳ đổi mới năm 1986. Đó là chúng ta cần đổi mới không chỉ về mặt quan điểm, chủ trương, chính sách, mà còn phải quyết liệt tổ chức thực hiện được tất cả những chủ trương, chính sách đó. Thực tế, trong những năm vừa qua, chúng ta đã có rất nhiều nghị quyết tốt và đúng, nhưng rất tiếc việc thực hiện lại chậm, thậm chí có nhiều việc chúng ta không thực hiện được.

"Tôi vừa đọc được thông tin đến hết năm 2015, ngành Giao thông sẽ không còn DNNN, đó là điều rất đáng mừng. Tôi hoàn toàn đồng tình và hoan nghênh Bộ trưởng Đinh La Thăng vì đã quyết liệt trong nhiều việc, trong đó có việc nỗ lực thực hiện cổ phần hóa.

Ngành Giao thông là một ngành có rất nhiều DNNNN, nếu cổ phần hóa được đúng như chủ trương Bộ trưởng Thăng đã nói thì đó là thành tích tiên phong rất đáng ghi nhận, bởi cho đến nay vẫn chưa ngành nào thực hiện được điều đó. Việc đó cũng thể hiện một điều rằng, chúng ta có thể làm được như thế chứ không quá lệ thuộc vào cơ chế chính sách. Vấn đề là tổ chức thực hiện đi chứ không thể nói mãi”.

TS. Lưu Bích Hồ

Đó là hạn chế. Nghị quyết trong Hội nghị T.Ư 10 vừa rồi có nhấn mạnh đến việc đổi mới bộ máy, cán bộ. Đó là điều mà nghị quyết đánh trúng, nhưng có làm được hay không thì lại phải chờ, vì cái đó rất khó. Xét cho cùng, việc tổ chức thực hiện phải từ bộ máy được thay đổi, cán bộ phải được đổi mới. Việc đổi mới bộ máy, cán bộ vừa là hạn chế, vừa là thách thức rất lớn.

Tôi còn nhớ, 10 năm trước, T.Ư Đảng đưa ra 8 mối quan hệ lớn cần phải xử lý và giải quyết. Và 10 năm sau, chúng ta vẫn nhắc lại 8 mối quan hệ đó. Như vậy, chứng tỏ chúng ta đã nói khá nhiều, nói từ lâu mà trong khi thực hiện chưa được bao nhiêu.

Hội nghị T.Ư 10 vừa qua cũng đã xác định, cần tổng kết, thảo luận, tạo sự thống nhất cao hơn về một số vấn đề mới và khó như “Khái niệm và đặc trưng kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Theo ông, cần phải hiểu thế nào cho chính xác?

Để hiểu đầy đủ hơn, thì khái niệm đó là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Kinh tế thị trường thì rõ rồi, nhưng định hướng XHCN thì chưa hoàn toàn rõ ràng. Do đó, chúng ta phải làm rõ, còn làm rõ như thế nào thì chúng ta cũng đã bàn rất nhiều rồi.

Chúng ta có hai điểm khác các nền kinh tế thị trường không định hướng XHCN. Thứ nhất, là nền kinh tế của chúng ta không lấy kinh tế tư nhân làm nền tảng, chúng ta lấy kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Điều đó khác với các nền kinh tế của các nước khác. Thứ hai, là nền kinh tế thị trường do Nhà nước quản lý dưới sự lãnh đạo của Đảng duy nhất, ở các nước theo kinh tế thị trường khác không có như vậy. Do đó, chúng ta cần phải giải quyết hai điểm đó sao cho thông suốt để nền kinh tế thị trường định hướng XHCN được vận hành trôi chảy.

Giờ đây, chúng ta không tranh luận về vấn đề chủ đạo hay không chủ đạo, nền tảng hay không nền tảng nữa, mà chúng ta cần tập trung làm sao thực hiện được tất cả những điều mà chúng ta đặt ra. Đó là tất cả các thành phần kinh tế phải tồn tại lâu dài, cạnh tranh bình đẳng trong một xã hội dân chủ thật sự và Nhà nước pháp quyền hiệu lực hiệu quả.

Chú trọng hơn nữa đến chất lượng tăng trưởng

Theo ông, trong thời gian tới, nước ta nên phát triển mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế theo hướng nào?

Nên phát triển theo mô hình kinh tế mà hiện nay chúng ta đã xác định, đó là một mô hình lấy chất lượng, năng suất, hiệu quả, bền vững làm mục tiêu, tiêu chuẩn để đạt tới và tất cả mọi hoạt động kinh tế đều phải theo yêu cầu đó. Nhưng đó là nói về mặt kinh tế đơn thuần. Nếu nói rộng hơn, thì mô hình không phải chỉ lo tăng trưởng mà phải lo cả phát triển, làm sao thực hiện được mô hình hài hòa giữa kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường…

Bên cạnh đó, chúng ta phải đi theo xu hướng hội nhập. Một mô hình hội nhập trong môi trường quốc tế mới đòi hỏi rất khác so với trước đây.

Trong hội nhập đòi hỏi cạnh tranh cao hơn, mạnh hơn, nhưng cũng có bị ràng buộc về phía bảo hộ nhiều hơn, có sự phân chia ảnh hưởng và xung đột chính trị. Khi hội nhập, mô hình của chúng ta phải tính tới tất cả nhu cầu đó, chứ không chỉ nhìn vào trong nước. Do đó, tất cả các chính sách của chúng ta ở trong nước phải đổi mới theo yêu cầu hội nhập. Chúng ta đã đưa ra được mô hình và định hướng phát triển, nhưng để thực hiện được những cái đó thì không hề đơn giản.

Phải nói thực rằng mô hình của chúng ta lâu nay chỉ coi trọng số lượng chứ chưa coi trọng chất lượng. Thậm chí nhiều cái tăng trưởng không có thực. Chúng ta phải chú ý đến chất lượng, phải nhớ rằng khi chúng ta phấn đấu để đạt được một chút ít tăng trưởng về số lượng thì thực tế chúng ta đã phải chịu mất mát, hy sinh rất nhiều thứ. Tôi khẳng định, tăng trưởng về số lượng là cần thiết, nhưng cần chú trọng hơn nữa đến chất lượng tăng trưởng. Chất lượng ấy phải thể hiện bằng năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoài Thu

giao thông vận tải

Các tin tức khác

>   Cảnh báo đầu năm 2015 về vốn con người (19/01/2015)

>   Cục Quản lý giá dự báo CPI tháng 1 biến động nhẹ (19/01/2015)

>   CPI tháng 1/2015 giảm, khối ngoại tiếp tục đổ tiền vào thị trường chứng khoán (19/01/2015)

>   Chất lượng lao động thấp kìm hãm tăng trưởng (19/01/2015)

>   Hàng hóa không tăng theo giá USD dù cận Tết (16/01/2015)

>   Tập trung mọi nguồn lực để kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu (14/01/2015)

>   Triển vọng chung của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 (11/01/2015)

>   2015: Kinh tế Việt Nam ổn định, mục tiêu tăng trưởng khả thi (09/01/2015)

>   CPI - Cái nhìn lạc quan (09/01/2015)

>   Nét chính đối ngoại năm 2014 và phương hướng năm 2015 (08/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật