TPP dự kiến được ký trong nửa đầu năm 2015
Sau phiên đàm phán tại Washington, Hoa Kỳ từ ngày 8 - 14/12, tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi tới những bước cuối cùng. Các nhà đàm phán đang cố gắng đạt được tiếng nói chung trong việc chia sẻ lợi ích giữa các nước thành viên để có thể kết thúc đàm phán sớm nhất.
Đặt kỳ vọng vào đầu năm sau
Được khởi động từ tháng 3/2010 tại Australia, cho đến nay, TPP đã thực hiện được 20 phiên đàm phán chính thức cùng với rất nhiều các phiên đàm phán nhóm.
Đối với mở cửa thị trường hàng hóa, các nước TPP hướng tới các gói cam kết thuế và đang tìm kiếm những kết quả mở cửa thị trường tham vọng với một số loại hàng hóa có khả năng tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động các nước TPP. Trong các lĩnh vực mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, môi trường và đầu tư, mục tiêu của các đoàn đàm phán là thu hẹp khoảng cách giữa các nước cho các vấn đề này.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng phụ trách kinh tế 12 nước tham gia tích cực vào quá trình đàm phán đã xây dựng một kế hoạch làm việc chung để thúc đẩy đàm phán và thống nhất về kết quả mà các bên có thể chấp nhận đối với những thách thức còn tồn đọng.
Dự kiến, các phiên đàm phán sắp tới sẽ tiếp tục tập trung vào mục tiêu đạt được gói cam kết mở cửa thị trường tiêu chuẩn cao, bảo đảm việc tiếp cận thị trường hàng hóa giữa các nước TPP một cách toàn diện, thực chất và gỡ bỏ hạn chế với nhiều lĩnh vực. Nhiều Bộ trưởng tin rằng, với nỗ lực của các đoàn đàm phán TPP có thể ký kết trong nửa đầu năm 2015.
12 đoàn đàm phán TPP đang nỗ lực quyết tâm đạt được một hiệp định mang tính đột phá cho thế hệ tương lai, đem lại đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng phụ trách kinh tế các nước đang kỳ vọng rằng, TPP có thể được ký kết vào nửa đầu năm 2015.
Hướng tới lợi ích cốt lõi
Theo Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về TPP Trần Quốc Khánh, quan điểm chung của các nước là không có hiệp định sẽ tốt hơn là có một hiệp định tồi. Khi tham gia vào TPP, Việt Nam cũng như các nước đã đặt ra các lợi ích, nghĩa vụ của từng quốc gia và đều thống nhất, chỉ khi nào các bên đều có được sự cân đối giữa quyền lợi và nghĩa vụ, lúc đó TPP mới có thể kết thúc đàm phán.
Các doanh nghiệp Việt Nam có thể vẫn đang băn khoăn về lợi ích và thách thức khi TPP được ký kết nhưng có thể khẳng định, chắc chắn sẽ có những lợi ích cốt lõi đối với nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng. Liên quan tới vấn đề thuế quan, Việt Nam sẽ đáp ứng quy tắc chung của TPP về việc xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu (trong đó 90% là xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực) nhưng Việt Nam yêu cầu phải có được lộ trình giảm thuế cụ thể đối với các mặt hàng nhạy cảm.
Để thúc đẩy hơn nữa về hội nhập và khả năng cạnh tranh, TPP cam kết sâu hơn về các chuỗi sản xuất và cung ứng, thiết lập các nguyên tắc để bảo đảm rằng doanh nghiệp tư nhân có thể cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, các đoàn đàm phán đang tiến tới xây dựng cách thức về nâng cao tính minh bạch, quản trị công tốt và tăng cường những nỗ lực chống tham nhũng nhằm bảo đảm thương mại và đầu tư tăng trưởng song hành với lợi ích của người dân.
TPP được dự đoán sẽ thúc đẩy hội nhập thương mại khu vực nhằm bảo đảm giao thương giữa các nước gắn kết hơn, hỗ trợ giải quyết việc làm bằng cách tạo thuận lợi hơn cho người lao động và doanh nghiệp ở các quy mô lớn và nhỏ.
Hùng Cường
công thương
|