Chủ Nhật, 18/01/2015 08:15

Tiền xu “chết yểu”

Thiếu công cụ giúp lưu thông, mất giá do lạm phát, bất tiện… là những lý do khiến tiền xu lặng lẽ biến mất tăm chỉ sau vài năm có mặt trên thị trường

Sáng 16-1, ghé vào chi nhánh một ngân hàng (NH), chị Lê Mai Phương (ngụ quận 3, TP HCM) hỏi có nhận thanh toán bằng tiền xu không. Nhân viên giao dịch ngớ người một lúc rồi hỏi lại: “Tiền xu?”. Chị Phương quay sang trưởng phòng giao dịch nhưng vị này cũng lúng túng...

Lâu rồi không ai nhắc...

Chị Phương kể gia đình có một con heo đất chứa đầy tiền xu nhưng lâu nay không biết dùng vào chuyện gì ngoài việc để cho con chơi. “Vài năm trước, tôi bỏ tiền xu vào heo đất. Một thời gian sau, lấy ra thấy tiền xỉn màu, hoen gỉ nên tôi không bỏ vào nữa. Giờ thấy không ai xài nên tôi thử đến NH hỏi xem có thanh toán không để mang đến đổi” - chị cho biết.

Quan sát tại quầy thanh toán một số siêu thị trên địa bàn TP HCM, chúng tôi thấy các nhân viên thu ngân không trả lại tiền thừa cho khách bằng tiền xu, dù là mệnh giá nhỏ như 500 đồng, 1.000 đồng. Tiền xu cũng rất hiếm khi nằm trong hộp tiền thanh toán của nhân viên thu ngân. Chị Huỳnh Thanh (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) cho biết đã lâu rồi, khi đi siêu thị không thấy ai trả tiền thừa bằng tiền xu, mà có trả chị cũng không nhận vì không sử dụng.

Tiền giấy được dùng phổ biến hơn hẳn tiền xu trong thanh toán ở các ngân hàng
Ảnh: Tấn Thạnh

Hỏi một số lãnh đạo NH thương mại, nhiều người cho biết lâu rồi không ai nhắc đến, không rõ bộ phận ngân quỹ có thu tiền xu vào hay không. Trong khi đó, ở nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore…, tiền xu vẫn được dùng rất phổ biến. Ở các cửa hàng miễn thuế trong sân bay hay cửa hàng tiện lợi, nhân viên vẫn trả lại tiền xu cho khách hàng nước ngoài với đủ mệnh giá.

Theo ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính NH, mỗi lần đi công tác ở Singapore, Mỹ hay châu Âu, ông đều giữ những đồng xu để sử dụng cho các lần đi khác khỏi mất công đổi. “Ở nước ngoài, nếu không có tiền xu sẽ không thể đi tàu điện ngầm, mua nước uống, gọi điện thoại....” - ông cho biết.

Nhanh chóng bị từ chối

Tháng 12-2003, NH Nhà nước chính thức phát hành các loại tiền xu mệnh giá 200 đồng, 1.000 đồng và 5.000 đồng, sau đó phát hành thêm loại 2.000 đồng và 500 đồng. Chỉ vài năm sau, tiền xu dần dần bị người dân từ chối khi thấy không tiện lợi.

Đến năm 2011, NH Nhà nước thông báo ngừng phát hành tiền xu, đồng thời cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá, nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng của tiền kim loại và giải pháp thích hợp với việc lưu thông loại tiền này. Một lãnh đạo NH Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết tiền xu không phát hành thêm từ lâu và đang được thu hồi dần qua hình thức khi NH thương mại đem đến nộp, thanh toán thì không đưa lượng tiền này quay trở lại thị trường.

Nhiều người dân và các chuyên gia kinh tế lý giải sự bất tiện trong thanh toán là nguyên nhân hàng đầu khiến tiền xu bị từ chối. Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, tiền xu ở nước ngoài tiện lợi vì đã có hệ thống máy móc tự động để dùng (như khi đi tàu điện ngầm, gọi điện thoại công cộng, mua nước uống…). NH Nhà nước kỳ vọng đưa tiền xu vào lưu thông theo thông lệ quốc tế nhưng cơ sở vật chất, hạ tầng cho kênh thanh toán tự động bằng loại tiền này không được đầu tư tương xứng.

Thời gian đầu, một số nơi tại Hà Nội, TP HCM có đầu tư máy thanh toán nước uống tự động bằng tiền xu nhưng sau đó chúng cũng “chết yểu”. Tiền xu khá nặng nề, chất lượng kém nên bị hoen gỉ, xuống màu sau một thời gian sử dụng. Chưa kể, một số khách hàng khi thanh toán bằng tiền xu ở NH sẽ bị thu phí kiểm đếm. Theo lãnh đạo một NH, 99% NH ở Việt Nam không có máy kiểm đếm tiền xu, việc đóng gói vận chuyển cũng khó khăn hơn và phải tốn nhiều nhân lực nên phải thu phí kiểm đếm.

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần ở TP HCM cho rằng VNĐ mất giá và không theo kịp lạm phát mấy năm qua cũng góp phần khiến đồng xu bị từ chối. Mệnh giá tiền xu lớn nhất là 5.000 đồng đến giờ cũng không mua được món hàng gì giá trị. “Ở các nước, nếu đã dùng tiền xu thì tiền giấy mệnh giá tương đương sẽ ngừng lưu hành và thu hồi. Ở nước ta, tiền giấy và tiền xu mệnh giá tương đương vẫn lưu thông bình thường nên việc người dân chọn tiền giấy cho tiện lợi là dễ hiểu” - ông lý giải.

Chưa phù hợp ở Việt Nam

Theo TS Đinh Thế Hiển, phát hành tiền xu là một bước trong xu thế tự động hóa, có điều chưa phù hợp ở Việt Nam. Châu Âu cần tiền xu để mua cà phê, mua nước, gọi điện thoại... tại các máy tự động do chi phí thuê nhân viên đứng làm ở đây lên tới vài ngàn USD/tháng. Về lâu dài, ông Hiển cho rằng người dân sẽ dần thấy được những tiện lợi từ tự động hóa.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cũng cho rằng tiền xu sẽ còn chỗ đứng nếu có các công cụ, hệ thống thanh toán tự động.


Linh Anh

Người lao động

 

Các tin tức khác

>   Lãi vay vẫn đè doanh nghiệp (18/01/2015)

>   Tín dụng hỗ trợ nhà ở: Tăng mạnh trong năm 2015 (17/01/2015)

>   Chạy đua cho vay tiêu dùng (17/01/2015)

>   MBB: Lãi trước thuế 2014 ước đạt hơn 3,000 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm (16/01/2015)

>   Vietcombank: Lãi trước thuế 2014 đạt 5,680 tỷ, nợ xấu hơn 7,400 tỷ đồng (16/01/2015)

>   MaritimeBank đã mua 6.7 triệu cp làm cổ phiếu quỹ với giá bình quân 10,000 đồng/cp (16/01/2015)

>   ACB: Do nguồn tiền còn quá ít nên chỉ mua hơn 13.5 triệu cp làm cổ phiếu quỹ (16/01/2015)

>   Sacombank mở rộng dịch vụ thanh toán hóa đơn tự động (16/01/2015)

>   Ngân hàng Chính sách xã hội: Nợ quá hạn cuối 2014 chiếm 0.41% (16/01/2015)

>   Đẩy tín dụng: Cẩn trọng đi lại “vết xe đổ” (16/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật