Thứ Sáu, 16/01/2015 10:09

Đẩy tín dụng: Cẩn trọng đi lại “vết xe đổ”

Một trong những mục tiêu hàng đầu tái cấu trúc hệ thống tài chính - ngân hàng, đặt trong bối cảnh chung tái cơ cấu và đổi mới mô hình kinh tế, là trả lại thị trường tiền tệ vai trò và chức năng cơ bản cấp vốn lưu động trong khi thị trường vốn (trọng tâm là TTCK – thị trường trái phiếu và cổ phiếu) là kênh dẫn vốn trung – dài hạn. Tuy nhiên ngành ngân hàng, dường như đang chịu nhiều áp lực, không nên xem nhẹ khả năng chệch định hướng mang tính nguyên tắc nói trên.

Trước đây, như một hệ quả tất yếu của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, trong khi các kênh dẫn vốn phi ngân hàng (đặc biệt là trung – dài hạn) còn thiếu vắng và trầm lắng, nhiều năm liền tín dụng ngân hàng đã là nguồn cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng luôn đứng ở mức cao. Năm 2007 có lẽ là đỉnh điểm của sự bùng nổ với tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt xấp xỉ 54% - cao nhất kể từ năm 2000 đến nay.

Góp phần kiểm soát lạm phát, trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, tái cấu trúc hệ thống tài chính – ngân hàng nói riêng, từ năm 2011 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ, hãm tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên chính sách thắt chặt tiền tệ với liều lượng quá mạnh (năm 2009 và 2010 tăng trưởng tín dụng lần lượt là 37.53% và 31.19% nhưng năm 2011 và 2012 tăng trưởng tín dụng đạt 12% và 8.91% – một sựsụt giảm đột ngột nếu không muốn nói là gây sốc) dẫn đến hệ quả hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn phải đóng cửa, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP cũng giảm mạnh.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP đạt mức cao nhất vào năm 2007 với 46.5%, giảm dần đến năm 2010 đạt 41.9%, rồi sụt mạnh vào năm 2011 đạt 36.4%. Năm 2013 tỷ lệ này đạt 30.4% - mức thấp nhất kể từ năm 2000 (năm 2014 vốn đầu tư toàn xã hội ước tính đạt 1,220.7 nghìn tỷ đồng, tăng 11.5% so với năm 2013 và bằng 31% GDP).

Vẫn biết đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế vừa tạo điều kiện, vừa đặt ra yêu cầu tăng hiệu quả sử dụng vốn. Tuy nhiên, việc cắt giảm quá mạnh tỷ lệ vốn đầu tư/GDP trong ba năm 2011-2013 gần như một cú sốc tác động không nhỏ đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như tăng trưởng tín dụng các năm sau. Năm 2014, ngành ngân hàng khá chật vật thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong khi vốn huy động vẫn duy trì khá tốt, bất chấp lãi suất huy động liên tục được hạ thấp dần. Tính đến ngày 30/06/2014 tăng trưởng tín dụng đạt 3.52% và đến ngày 22/12 tăng trưởng tín dụng đạt 12.62%.

Người viết cho rằng với diễn biến tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP như nêu trên, tình hình tăng trưởng tín dụng năm 2014 là phù hợp. Hơn nữa tốc độ tăng GDP đã qua đáy, hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế dường như đang được cải thiện. Vì vậy ngay cả khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2014 thấp, thậm chí hai tháng cuối năm giảm nhẹ (tháng 11 giảm 0.27%, tháng 12 giảm 0.24%), không nhất thiết phải đẩy tín dụng bằng mọi giá.

Thay vì nôn nóng đẩy tín dụng, cần có các chính sách và giải pháp đồng bộ, trong đó không thể không nói tới giải pháp tiếp tục kéo giảm mặt bằng lãi suất, để thúc đẩy tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội thông qua thị trường vốn cũng như tăng hiệu quả sử dụng vốn. Khi vốn đầu tư xã hội và hiệu quả sử dụng vốn tăng, nhu cầu vốn lưu động sẽ tăng kéo tín dụng ngân hàng tăng theo.

Ngày 20/11/2014 NHNN ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành từ01/02/2015. Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa lên đến 60% (trước đây là 30%). Phải chăng quy định mới này nhằm đẩy mạnh mở rộng tín dụng khi mà tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (chỉ số LDR) giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, giải quyết lượng “tồn kho” vốn huy động đang bị ứ đọng trong các ngân hàng ra nền kinh tế?

Nhớ lại giai đoạn 2008-2012 hệ thống tài chính - ngân hàng liên tục trong tình trạng căng thẳng đến “nghẹt thở” xuất phát từ vấn đề mất cân đối kỳ hạn.

Các ngân hàng, cũng là một trong những chủ thể tham gia thị trường vốn, chỉ nên được phép cấp tín dụng trung - dài hạn trên cơ sở nguồn vốn huy động trung - dài hạn.Với quy định khá thoáng theo Thông tư 36 nói trên, việc trả lại cho thị trường tiền tệ vai trò cấp vốn lưu động xem ra không dễ dàng. Đó là chưa kể đến hiệu quả sử dụng vốn có thể bị xem nhẹ, các NHTM đặc biệt các ngân hàng còn yếu kém về năng lực tài chính, quản trị và quản lý có thể lại đi vào “vết xe đổ” trước đây cho dù Thông tư 36 có những quy định nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, cấp vốn cho các công ty sân sau...

Phạm Tường Phán

Các tin tức khác

>   5 ngân hàng sập bẫy “siêu lừa” (16/01/2015)

>   15 ngân hàng tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở (15/01/2015)

>   NHNN mua vào đô la Mỹ (15/01/2015)

>   Ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các TCTD (15/01/2015)

>   VIB cho vay ưu đãi lãi suất 7.9%/năm trong 12 tháng đầu (15/01/2015)

>   Tiền gửi và cho vay được kỳ vọng tiếp tục tăng trong năm 2015 (15/01/2015)

>   Các ngân hàng kiến nghị điều chỉnh Thông tư 36 (15/01/2015)

>   “Năm 2015 phải tạo ra đột phá mới trong tái cơ cấu ngân hàng” (15/01/2015)

>   Ngân hàng: Sáp nhập hay là chết? (15/01/2015)

>   Tỷ giá tiếp tục ổn định trong khoảng 21.370-21.380 đồng/USD (14/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật