Thứ Bảy, 10/01/2015 14:15

Phát triển ngành Cà phê: Cơ hội và thách thức

Dự báo nguồn cung cà phê của thế giới vẫn hạn chế trong năm 2015, vì vậy ngành Cà phê Việt Nam đối diện với cơ hội lớn. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại như hiện tượng trộm cà phê hoặc các gốc cà phê bị già cỗi… đang là thách thức cho tăng trưởng ngành hiện nay.

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã có cuộc trao đổi với PV Báo điện tử Chính phủ xung quanh vấn đề này.

Ông có thể cho biết những thành tựu chính của ngành Cà phê Việt Nam trong năm 2014 và dự báo thị trường cho ngành trong năm 2015?

Ông Nguyễn Viết Vinh: Năm 2014 ngành Cà phê đã phải đối mặt với tình hình thời tiết diễn biến bất thường, hiện tượng El Nino gây ra hạn hán khiến sản lượng cà phê của Brazil và Việt Nam giảm. Trước những dự báo mất mùa và thiếu hụt lượng hàng tồn kho trên sàn kỳ hạn London và New York, giá cà phê lên xuống khó lường bình quân cả năm đạt 2.090 USD/tấn, giảm 2,6% so với năm 2013.

Tuy vậy, giá cà phê vẫn ổn định ở mức khoảng 40 triệu đồng/tấn, người nông dân và doanh nghiệp đều có lãi. Đặc biệt là lượng hàng thu mua xuất khẩu trong 3 tháng (tháng 4, 5 và 6/2014) đạt số lượng lớn (gần 500.000 tấn), với mức giá cao trong năm (2.100-2.200 USD/tấn) do người dân và doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong việc tạm trữ để điều tiết giá thị trường đạt giá cao.

Mặt khác, do Bộ Tài chính chấp nhận ý kiến đề xuất của Hiệp hội trình Chính phủ không áp dụng thuế GTGT đối với ngành hàng nông sản và cà phê chưa qua chế biến (VAT bằng 0%) nên đã làm cho việc kinh doanh lành mạnh, thị trường trong nước ổn định và doanh nghiệp yên tâm làm ăn hơn.

Về mặt kinh tế, tổng kết trong năm vừa rồi, kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2014 trên 1,6 triệu tấn đạt 3,6 tỷ USD, tăng 33,4% về khối lượng và 32% về giá trị so với năm 2013.

Năm 2015, do tiếp tục bị ảnh hưởng biến đổi về thời tiết, hiện tượng El Nino, gây hạn hán ở nhiều vùng thiếu nước tưới đang làm tăng lo ngại về dự báo sản lượng của Việt Nam tiếp tục giảm từ 20-25%. Theo dự báo của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), năm 2015 nguồn cung sẽ thiếu hụt khoảng 11 triệu bao (bao 60 kg) so với cầu của thế giới. Đây có thể nói là cơ hội lớn cho ngành Cà phê Việt Nam.

Một trong những thách thức để phát triển sản xuất cà phê hiện nay là làm thế nào chấm dứt hiện tượng trộm cắp cà phê vào lúc thu hoạch. Theo ông, cần có biện pháp gì để xử lý triệt để tình trạng này?

Ông Nguyễn Viết Vinh: Nạn trộm cắp cà phê vào lúc thu hoạch ngày càng trở nên trầm trọng, gây “đau đầu” đối với người trồng cà phê. Đã có nhiều bài báo phản ánh hiện tượng này. Nếu không kịp thời ngăn chặn, về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cà phê, vì để đối phó với nạn “cà phê tặc” người dân sẽ chọn giải pháp “xanh nhà hơn già đồng” - thu hoạch cà phê sớm khi còn nhiều quả xanh sẽ làm giảm chất lượng cà phê khi chế biến và xuất khẩu.

Biện pháp hữu hiệu nhất là chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, phối hợp với người trồng cà phê để ngăn chặn, khắc phục hiện tượng này.

Các hộ trồng cà phê phải liên kết với nhau trong việc phân công tuần tra bảo vệ rẫy cà phê. Mặt khác, chính quyền các cấp của địa phương vào cuộc quyết liệt hơn, tham gia quản lý chặt chẽ hoạt động thu mua kinh doanh cà phê, cần thường xuyên kiểm tra để phát hiện sai phạm và xử phạt thật nặng việc tiếp tay tiêu thụ cà phê ăn cắp.

Để ngành Cà phê phát triển bền vững, chúng ta đang cần tái canh lại cây cà phê. Theo đánh giá của ông, việc tái canh hiện nay đang được thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Viết Vinh: Tháng 6/2014, Hiệp hội đã phối hợp với 3 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tái canh cà phê. Hiện chúng tôi đang tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện chương trình tái canh cà phê mà Chính phủ đã phê duyệt. Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT đã có quyết định phê duyệt Đề án tái canh cà phê các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020.

Tuy nhiên công tác tái canh nói chung và ở 5 tỉnh Tây nguyên triển khai còn chậm do thiếu vốn, một số tỉnh vẫn chưa có quy hoạch tổng thể chi tiết diện tích cà phê cần tái canh để phối hợp với các ngân hàng giải ngân. Lãi suất vay vốn cho tái canh vẫn còn cao, chưa hấp dẫn đối với các hộ sản xuất và doanh nghiệp đầu tư trồng tái canh cây cà phê.

Vicofa vẫn tiếp tục kiến nghị Bộ NN&PTNT trình Chính phủ cơ chế tạm trữ cà phê trong niên vụ 2014/2015 khi giá cà phê trong nước xuống dưới giá thành sản xuất.

Các doanh nghiệp trong Vicofa có mong muốn điều gì về mặt chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc chế biến và xuất khẩu trong năm 2015?

Ông Nguyễn Viết Vinh: Chúng tôi kiến nghị ngành ngân hàng thu xếp đủ vốn cho vay phục vụ việc thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê trong niên vụ mới 2014/2015. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ lãi suất vay cho trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu và tái canh cây cà phê.

Cùng với đó, Vicofa cũng kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các cục, chi cục thuế xử lý nợ đọng thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong các năm 2013-2014 để tạo nguồn vốn thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê.

Bộ Tài chính cũng cần xem xét trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ Phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 4546/VPCP-KTTH ngày 6/6/2013 của Văn phòng Chính phủ để tạo nguồn vốn lâu dài phục vụ cho ngành về tái canh cây cà phê, tạm trữ cà phê, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu v.v...

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Hương (thực hiện)

Chính phủ

Các tin tức khác

>   Ban hành Nghị định về kinh doanh xăng dầu (05/09/2014)

>   Đằng sau những động thái bất thường của Tập đoàn Besra Việt Nam (01/08/2014)

>   Khi Việt Nam loay hoay, Campuchia đã 'âm thầm' tiến (30/07/2014)

>   Mỹ: Bắt vợ tỷ phú Trung Quốc ăn cắp bắp giống (04/07/2014)

>   Gạo có đợt giảm giá hàng tuần lâu nhất kể từ năm 2008 (08/06/2014)

>   Mức tiêu thụ gia tăng đang làm cạn kiện tài nguyên thiên nhiên (08/06/2014)

>   Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài- Ý tưởng hay chưa đủ (28/09/2013)

>   Thành lập Tổ công tác điều hành XK gạo (15/09/2013)

>   Cao su thiên nhiên xuất khẩu giảm trong 2 tháng đầu năm 2013 (01/04/2013)

>   Siết “cứng” đầu mối xuất gạo: Thiệt cả DN, nông dân (04/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật