Thứ Bảy, 28/09/2013 15:13

Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài- Ý tưởng hay chưa đủ

Tham gia vào các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài về lý thuyết là giúp doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân tiếp cận trực tiếp với các thương nhân nước ngoài, chủ động được giá bán, thời điểm. Tuy nhiên, mục tiêu lớn này có thể phá sản nếu thiếu những tính toán kỹ lưỡng.

Một thông tư chưa thể giải quyết được vấn đề

Theo dự thảo Thông tư “Quy định phạm vi, điều kiện với thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa nước ngoài”, điều kiện được tham gia sở giao dịch hàng hóa nước ngoài là doanh nghiệp phải có vốn pháp định từ 50 tỷ đồng Việt Nam trở lên; có lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến mặt hàng giao dịch mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa. Doanh nghiệp tham gia mua bán phải thực hiện giao dịch qua môi giới trong nước, không được nhận ủy thác từ thương nhân khác.

Đối với các trung gian môi giới, Bộ Công Thương cấp giấy phép (điều kiện hoạt động) cho đối tượng này. Các điều khoản thanh toán, ký quỹ qua sở giao dịch hàng hóa nước ngoài phải tuân thủ các quy định pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước...

Theo ông Phạm Tuấn Long, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO, hoạt động kinh doanh của các DN Việt Nam chịu tác động ngày càng nhiều trước biến động của thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, nhu cầu phòng hộ, ngăn ngừa rủi ro của các DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, XNK các mặt hàng nông sản, nhiên liệu, kim loại, dệt may... đang ngày một cao.

Tham gia giao dịch kinh doanh qua các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài sẽ giúp DN Việt Nam thêm thuận lợi giải quyết những vấn đề này. Tuy nhiên, ngay chính Bộ Công Thương, đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo ra Thông tư quy định phạm vi, điều kiện đối với thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán qua sở giao dịch hàng hóa nước ngoài, cũng đang lúng túng trong việc điền kín những mảng trống về khuôn khổ pháp lý cho hình thức giao dịch còn mới mẻ này.

Một khó khăn đáng kể nữa là cơ chế thanh toán, hiện Nhà nước kiểm soát rất chặt việc chuyển tiền ra nước ngoài hoặc lập tài khoản ở nước ngoài. Theo thông lệ quốc tế, trong những điều kiện tài chính minh bạch và pháp luật chặt chẽ, trong quá trình giao thương thông qua các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài, việc chuyển và nhận tiền được diễn ra nhanh chóng và liên tục.

Trong điều kiện ở Việt Nam, việc chậm trễ trong chuyển tiền hoặc không có tài khoản sẽ khiến DN khó khăn trong thương thuyết hoặc giao dịch.

Ngoài ra, việc giao dịch qua các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài liên quan chặt chẽ đến các hoạt động, phát triển của sở giao dịch hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, hệ thống sở giao dịch hàng hóa trong nước chưa phát triển, mới chỉ có một trung tâm giao dịch hàng hóa. Hai sở giao dịch hàng hóa được cấp phép thì một đang tạm dừng hoạt động (sở giao dịch hàng hóa Việt Nam VNX), một sở đầu năm 2014 mới đi vào hoạt động (sở giao dịch hàng hóa Info).

Được tham vấn về cơ chế cho Sàn giao dịch hàng hóa nước ngoài, ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) chỉ ra những bất cập trong cơ chế thanh toán nói trên. Ông Sơn bày tỏ quan điểm, những vấn đề này liên quan mật thiết đến NHNN và Bộ Tài chính, vậy nên, phạm vi của một thông tư do Bộ Công thương đề xuất chưa thể giải quyết được cốt yếu vấn đề.

Nên xây dựng khung pháp lý do Chính phủ thông qua mới đủ tầm để Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài đi được vào đời sống DN và người dân, ông Nguyễn Sơn khẳng định. Quan điểm này của ông Nguyễn Sơn cũng được ông Trần Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB), một người có thâm niên trong đầu tư sàn giao dịch hàng hóa đồng tình.

Vững sàn trong nước rồi hãy vươn sàn ngoại?

Hết sức ủng hộ ý tưởng tham gia sàn giao dịch hàng hóa nước ngoài để hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, nhưng ông Trần Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB) phản biện về việc lựa chọn thép vào danh mục hàng hóa tham gia sàn giao dịch hàng hóa nước ngoài.

Bởi khác với hai mặt hàng nông sản khác như cà phê, cao su, thế mạnh của Việt Nam, thép không phải mặt hàng tiêu biểu và chưa phải đã có giá thành cạnh tranh để đem đi “tỉ thí” ở sàn ngoại. Theo ông Hải, chỉ nên tập trung vào những mặt hàng nông sản mà chúng ta có vai trò nhất định đối với thị trường thế giới mà thôi. Về điểm này, ông Đoàn Hồng Quân - Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Info cũng kiến nghị, cần đa dạng hóa danh mục hàng hóa sang gạo, hồ tiêu, điều để hấp dẫn nhiều DN tham gia.

Ông Trần Thanh Hải cũng kiến nghị, không nên chỉ nghĩ đến việc tham gia sàn giao dịch hàng hóa ngoại mà nên nghĩ ngược lại theo cách thành lập từ một đến hai sở giao dịch hàng hóa trong nước, do Nhà nước quản lý và điều hành, thật sự mạnh làm đầu mối cho các hoạt động giao dịch trên các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài.

Các sở giao dịch trong nước có chức năng tự động điều chỉnh các hoạt động mua bán trong nước trước khi chuyển ra các sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài. Hình thức này không chỉ giúp sở giao dịch hàng hóa trong nước thu được tiền dịch vụ, tránh để khoản tiền này “chảy” hết vào các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài, mà còn giúp các hoạt động mua bán trong nước trôi chảy hơn, nhanh hơn, từ đó kích thích sản xuất trong nước.

Như thế vừa tập trung sức mạnh vừa tận dụng được nguồn tiền và hạn chế rủi ro cho những DN, cá nhân chưa có nhiều kinh nghiệm khi tham gia sàn giao dịch hàng hóa ngoại. Một điều quan trọng nữa là cần một cơ chế giúp giải quyết việc chuyển tiền trong và ngoài nước nhanh chóng hơn để kích thích DN tham gia nhiều hơn vào các sở giao dịch hàng hóa.

Đáp lại kiến nghị về danh mục hàng hóa được giao dịch, Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết thêm, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ mở rộng thêm các nhóm hàng mới được tham gia các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài nhằm tạo cú hích mạnh mẽ đưa hàng Việt lên các sở giao dịch quốc tế.

Nhưng bà cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách, bản thân các DN tham gia sở giao dịch hàng hóa phải làm tốt về kho vận, kiểm định, xây dựng tiêu chuẩn, hợp đồng, phải khẳng định đủ khả năng đứng ra giao dịch loại hàng hóa này. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ xem xét phê duyệt.

Lưu Hương

hải quan

Các tin tức khác

>   Thành lập Tổ công tác điều hành XK gạo (15/09/2013)

>   Cao su thiên nhiên xuất khẩu giảm trong 2 tháng đầu năm 2013 (01/04/2013)

>   Siết “cứng” đầu mối xuất gạo: Thiệt cả DN, nông dân (04/02/2013)

>   Nông sản hòa theo đà tăng của thị trường hàng hóa (03/02/2013)

>   Phó chủ tịch Hiệp hội Thanh long “chỉ đạo” doanh nghiệp ép giá nông dân (25/12/2012)

>   Giá cacao giảm sau đợt tăng giá mạnh tuần trước (25/11/2012)

>   Việt Nam đặt mục tiêu 150.000 tấn hồ tiêu (16/11/2012)

>   Xuất khẩu gạo Việt Nam đang ở số 1 thế giới (05/11/2012)

>   DN xuất khẩu cà phê: Mong được tiếp tục vay ngoại tệ (05/11/2012)

>   Mỹ: Giá hàng hóa "bốc hơi" hơn 4% trong tháng 10 (01/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật