Thứ Sáu, 09/01/2015 09:19

Năm 2015: Mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu

Năm 2014- giữa bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn lại là năm thành công đối với ngành Công Thương, trên hầu hết các hoạt động. Đây chính là trợ lực cho toàn ngành bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ mới trong năm 2015.

Hướng đến giá trị xuất khẩu 165 tỷ USD

 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2014, Việt Nam xuất siêu đạt kỷ lục 1,984 tỷ USD; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,6%; giá trị gia tăng công nghiệp ước tăng khoảng 7,14%; chỉ số tồn kho chung của toàn ngành giảm dần qua các tháng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10,6%. Hơn nữa, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan, Hàn Quốc và thống nhất thời gian hoàn tất đàm phán với Liên minh Châu Âu (EU), mở ra các cơ hội mới về tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp…

Với các kết quả đáng ghi nhận trên, bên lề hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, năm 2015, ngành Công Thương sẽ góp phần cùng cả nước phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được Quốc hội giao.

Ngay từ những ngày đầu năm 2015, toàn ngành Công Thương đang bắt tay vào thực hiện các mục tiêu cho năm mới. Theo đó, phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 165 tỷ USD; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 171 tỷ USD; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7,8 - 7,9% so với ước thực hiện 2014; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng khoảng 11 - 12%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5%.

Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bằng cách tìm các thị trường mới

Tập trung thực hiện nhiều giải pháp

Xác định năm 2015, ngoài các yếu tố thuận lợi, Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động của việc mở cửa, hội nhập cùng với những hạn chế, yếu kém của nội tại nền kinh tế trong nước. Bởi vậy, để hoàn thành được các mục tiêu, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ngành Công Thương cần phải tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết là tiếp tục tìm kiếm, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. “Đây là nhiệm vụ hàng đầu mà Chính phủ giao cho ngành Công Thương”- Bộ trưởng cho biết.

Tiếp đó, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bằng cách tìm thêm thị trường mới; đổi mới phương thức xúc tiến thương mại; tăng cường phối hợp giữa Bộ Công Thương với các bộ, ngành có sản phẩm xuất khẩu. Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho các DN xuất khẩu, trong đó, tiếp tục đối phó và có ứng xử phù hợp, hiệu quả với các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp mà các nước đang sử dụng đối với hàng Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng:

Cần tiếp tục tìm kiếm, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Đây là nhiệm vụ hàng đầu Chính phủ giao cho ngành Công Thương.

Để đẩy mạnh đầu tư vào các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án quan trọng của quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội, ngành Công Thương sẽ tập trung vào những công trình điện, năng lượng, hóa chất, công nghiệp chế biến tiêu dùng nhằm tăng thêm năng lực sản xuất mới. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới DN nhà nước bao gồm các tập đoàn, tổng công ty của Bộ, trong đó tập trung vào cổ phần hóa, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước.

Bên cạnh đó, toàn ngành sẽ quan tâm đầy đủ và đồng bộ tới thị trường trong nước, bao gồm thị trường nội địa, các tỉnh biên giới, miền núi, biển đảo. “Chính phủ yêu cầu ngành Công Thương thực hiện nhiệm vụ này thường xuyên, nhất quán và kiên trì; coi phục vụ người tiêu dùng trong nước là ưu tiên hàng đầu trong sản xuất kinh doanh cùng với việc xuất khẩu”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương cũng sẽ hướng tới phát triển và nâng cao chất lượng nền kinh tế theo chiều sâu, có quan tâm đến mục tiêu an sinh xã hội.

Thêm vào đó, toàn ngành sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và thu hẹp khoảng chênh lệch với các nước trong khu vực.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Hoàng Quốc Vượng:

Nỗ lực bảo đảm đủ điện cho nhu cầu kinh tế

Năm 2014, ngành điện đã hoàn thành những nhiệm vụ đề ra như điện thương phẩm đạt 128,33 tỷ kWh, tăng 11,3% so với năm 2013. Ngành điện cũng đã hoàn thành các công trình cấp điện cho nông thôn miền núi, hải đảo như công trình cáp ngầm 110kV cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), cáp ngầm 22kV cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Kiên Hải (Kiên Giang)... Năm 2015, nhiệm vụ của tập đoàn là bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Với GDP được dự kiến sẽ tăng cao hơn năm 2014, nhu cầu sử dụng điện cao hơn nên tập đoàn đang xây dựng kế hoạch đầu tư lớn, nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động nhằm hoàn thành những mục tiêu như điện thương phẩm đạt 141,8 tỷ kWh, tăng 10,4%; đầu tư xây dựng 127 tỷ đồng, tăng 1,66% so với năm 2014; tỷ lệ tổn thất điện năng ở mức 8%…


Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản - Nguyễn Tôn Quyền:

Hướng tới mục tiêu 7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu

Năm 2015, ngành gỗ Việt Nam đứng trước cơ hội lớn khi hàng loạt những Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết như FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazachstan), TPP… Để tận dụng tối đa cơ hội này, các DN ngành gỗ đã và đang chuẩn bị kỹ càng chứng nhận về xuất xứ nguồn gốc gỗ, đồng thời đầu tư công nghệ, sản xuất những mặt hàng mới như gỗ ép, gỗ ghép thanh… để gia tăng giá trị gia tăng cho ngành gỗ, phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 7 tỷ USD.


Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang - Nguyễn Đình Bảy:

Tổ chức nhiều hơn những chuyến đưa hàng về nông thôn

Đối với một địa phương vùng núi như Hà Giang, do điều kiện đi lại khó khăn, chi phí vận chuyển cao, giá bán các sản phẩm hàng hóa khá cao. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Công Thương Hà Giang đặt ra trong thời gian qua và những năm tiếp theo là đẩy mạnh đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, miền núi, vùng khó khăn. Trong năm 2015, sẽ có 13 chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi Hà Giang được tổ chức, trong đó tập trung vào những mặt hàng thiết yếu với giá bán thấp hơn thị trường từ 5 - 15%..


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ - Trương Quang Nam:

Đẩy mạnh chống buôn lậu và gian lận thương mại

Cần Thơ là trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí thuận lợi và dân số đông, phát triển mạnh. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, tuy nhiên cũng khiến tình hình buôn lậu phức tạp. Do đó, năm 2015, cần kiểm tra, rà soát chặt các đơn vị xuất nhập khẩu, tránh tình trạng gian lận trong kê khai hàng xuất nhập khẩu nhằm mục đích trốn thuế. Tất cả các loại hàng nhập khẩu không qua khai báo Hải quan hoặc đang lưu giữ trong các kho hay đang vận chuyển trên đường nếu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp phải được xử lý theo quy định của pháp luật.


Nguyễn Phượng - Phương Lan

công thương

Các tin tức khác

>   Giá dầu giảm dưới 48 USD/thùng, Việt Nam có ngừng khai thác? (09/01/2015)

>   Ensure và việc chống độc quyền phân phối (09/01/2015)

>   Tạm dừng cấp giấy phép nhập khẩu gỗ trắc vào Việt Nam (08/01/2015)

>   Thành lập 3 Tổng công ty thuộc VNPT (08/01/2015)

>   Quy định bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (08/01/2015)

>   8 nước ASEAN đầu tư 2.507 dự án FDI vào Việt Nam (08/01/2015)

>   Viettel đạt doanh thu gần 10 tỷ USD (08/01/2015)

>   Xăng giảm giá: Dân mừng, DN dính 'vận đen' thua lỗ (08/01/2015)

>   Quan hệ thương mại Việt Nam-Nam Phi tiếp tục phát triển vững chắc (08/01/2015)

>   Bộ Tài chính yêu cầu giảm giá phân bón, thức ăn chăn nuôi (08/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật