Ensure và việc chống độc quyền phân phối
Ban chỉ đạo 389 đề nghị Cục Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý việc mua bán sản phẩm Ensure nước là loại hàng hóa không được nhập khẩu.
Mới đây, Ban chỉ đạo Quốc gia Chống gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cho biết đầu năm 2013 Công ty Abbott Laboratories và nhà phân phối Công ty 3A có dấu hiệu tạo thế độc quyền trong việc phân phối sản phẩm Ensure nước tại Việt Nam. Trên bao bì sản phẩm Ensure dạng nước Vanilla có in bổ sung dòng chữ “Not to be sold in Vietnam or Mexico” (tạm dịch: Không được bán tại Việt Nam và Mexico). Sau khi sản phẩm này bị cấm nhập, kim ngạch nhập khẩu một sản phẩm tương tự của Công ty 3A đã tăng 63%. Và giá bán của sản phẩm này cao gấp đôi sản phẩm bị cấm nhập. Theo Ban chỉ đạo 389, cần có giải pháp để các doanh nghiệp (DN) cạnh tranh công bằng, người dân được hưởng lợi.
Sản phẩm cấm nhập được ưa chuộng
Theo thông tin của Ban chỉ đạo 389, trên thị trường mặt hàng chất dinh dưỡng Ensure nước được nhập và phân phối hiện nay không đủ điều kiện về an toàn thực phẩm và các quy định về nhập khẩu (như chưa được Bộ Y tế cấp xác nhận công bố chất lượng sản phẩm…).
Trên các đường Nguyễn Thông, Trường Chinh, Võ Văn Tần… các cửa hàng sữa đều trưng bày sản phẩm Ensure nước trong từng lốc gồm sáu chai ở những vị trí bắt mắt. Các cửa hàng cho biết mặt hàng này bán chạy hơn loại Ensure bột vì phù hợp với nhiều người như mua đi thăm bệnh, dùng cho người lớn tuổi… Với loại Ensure nước có dòng chữ “Not to be sold in Vietnam or Mexico”, người bán hàng gọi là hàng xách tay.
Sản phẩm mới của Công ty Abbott (phải) mẫu mã không khác nhiều so với hàng xách tay. Ảnh: TÚ UYÊN
|
Anh Nguyễn Thanh H., chủ một tiệm sữa (Tân Bình), cho biết sản phẩm Ensure Original Nutrition Shake của công ty ra thị trường cách đây khoảng một tháng, giá ngang với hàng xách tay nhưng lượng tiêu thụ không bằng với hàng xách tay. “Khi có ai hỏi hàng công ty thì mới đưa ra chứ tiệm trưng bày hàng xách tay thôi” - anh H. nói.
Sau khi sản phẩm của Abbott ra thị trường, giá hàng xách tay giảm xuống khoảng 10.000 đồng/chai. Giá hàng xách tay và công ty chừng 30.000-33.000 đồng/chai.
Giới kinh doanh cho rằng đây là cách mà Abbott muốn giành lại vị trí vì trước đây sản phẩm Ensure Gold Vigor 237 ml giá 43.000-45.000 đồng/chai, hàng xách tay Ensure Original Nutrition Shake giá 31.000-35.000đồng/chai. Vì giá cao nên hàng bán không được. Sản phẩm mới ra có giá cạnh tranh như vậy mới đẩy lùi được hàng xách tay, hàng của công ty sẽ giành lại thị phần.
Anh Nguyễn Lành, chủ cửa hàng sữa (quận Tân Bình), so sánh tỉ lệ tiêu thụ giữa hàng công ty và xách tay: Dòng Ensure Gold Vigor chỉ 3% và Ensure Original Nutrition Shake là 97%.
Bỏ kỳ thị để cạnh tranh lành mạnh
Tháng 8-2014, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có công văn đề nghị Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường 3 không xác nhận cho những lô hàng mà sản phẩm có thêm thông tin “Not to be sold in Vietnam or Mexico”. Nhà sản xuất đã ghi rõ không bán tại Việt Nam và Mexico thì sẽ không chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm về sản phẩm khi lưu thông tại Việt Nam.
Một số DN nhập khẩu cho biết vì sản phẩm có ghi dòng chữ không được bán ở thị trường Việt Nam nên DN đã không làm được thủ tục để chứng nhận theo quy định. Vì vậy có DN đã nhập cả hai container Ensure nước về nhưng đành trả lại và thiệt hại nặng nề khi phải đóng gần 10.000 USD cho phí kho bãi, thuế…
Chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến cho rằng các DN có những thị trường khác nhau nên phân bổ sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu. DN ghi thêm thông tin như vậy là không sai nhưng trong chừng mực nào đó dễ gây hiểu lầm, một vài trường hợp đem lại lợi ích cho DN đó. Song cũng không loại trừ được chiêu để giành thế độc quyền. Nếu công ty mẹ quyết định ghi trên nhãn không bán ở Việt Nam và Mexico, công ty con không nhập vào, hàng sẽ vào bằng con đường khác, người tiêu dùng tranh nhau mua… công ty mẹ cũng được lợi.
Theo ông Chiến, thị trường là cung cầu, kinh tế thị trường phải tôn trọng quy luật cung cầu. Nhà nước cần khách quan, tạo điều kiện cho DN trong nước nhiều hơn để cạnh tranh lành mạnh.
Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, cho biết thị trường phải mang tính cạnh tranh. Nếu một DN chiếm hơn 30% thị phần là vi phạm luật cạnh tranh và bị phạt. Khi thị trường độc quyền, người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi vì thị trường nằm trong tay DN, DN muốn làm giá thế nào thì làm.
Ban chỉ đạo 389 đề nghị Cục Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý theo quy định việc mua bán sản phẩm Ensure nước là loại hàng hóa không được nhập khẩu. Ban cũng đề nghị Bộ Y tế làm việc với Công ty Abbott về chất lượng sản phẩm Ensure mà trên bao bì có in dòng chữ “Not to be sold in Vietnam or Mexico”. Để đảm bảo an toàn cho người dùng trong đó có người Việt Nam thì có biện pháp đề nghị Công ty Abbott Laboratories thay việc ghi dòng chữ mang tính kỳ thị phân biệt trên bao bì bằng biện pháp quản lý khác và phối hợp với cơ quan chức năng để chống nhập lậu. Đồng thời xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phép các DN có đủ điều kiện được phép nhập hàng để tránh sự độc quyền trong phân phối sản phẩm làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng trong nước.
Đánh thuế nặng với sản phẩm nhập độc quyền
Để tránh độc quyền thì Nhà nước phải cấp phép cho nhiều DN tham gia, cho các DN nhập sản phẩm tương đương. Hoặc đánh thuế nặng những sản phẩm nhập độc quyền để điều tiết thị trường, đảm bảo tự do cạnh tranh…
Chuyên gia kinh tế NGUYỄN MINH PHONG
Cách đây một tuần, Ban chỉ đạo 389 đang tạm giữ ba container tại cảng Cát Lái. Hàng hóa trong container được DN khai báo là lưới thép nhưng khám xét bên trong, lực lượng chức năng phát hiện ra nhiều sản phẩm Ensure nước (trị giá hàng hóa ước tính là trên 10 tỉ đồng).
|
Tú Uyên
pháp luật tphcm
|