Lỏng lẻo quản lý trái cây ngoại
Vụ tạm giữ trên 60 tấn củ, quả nhập nằm trong các kho bên trong khuôn viên chợ đầu mối cho thấy nhiều kẽ hở trong quản lý.
Sắp tới, nếu không có biện pháp tăng cường hậu kiểm mà chỉ trông đợi vào sự tự giác của thương nhân thì khó tránh tình trạng nông sản ngoại kém chất lượng lọt ra thị trường và lên bàn ăn của người tiêu dùng.
Hai kho chứa hơn 63 tấn hàng vi phạm
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 27-1, Đội QLTT 1A (Chi cục QLTT TP HCM) kiểm tra 2 kho lạnh chứa nông sản nhập ngoại tại chợ đầu mối Tam Bình (quận Thủ Đức) và phát hiện lượng lớn trái cây kém chất lượng. Theo số liệu chính thức được QLTT cung cấp ngày 28-1 thì lượng hàng được tạm giữ lên đến hơn 63 tấn. Trong đó, hàng của Công ty TNHH Vườn Hạnh Phúc Đà Lạt gần 28 tấn gồm lê tươi (được đóng thùng 5 kg, 10 kg, 15 kg), nho tươi (5 kg/thùng) và củ hành (20 kg/bao) xuất xứ Hàn Quốc đã có dấu hiệu hư hỏng (úng, mốc, biến đổi màu sắc); gần 25.000 gói nước ép trái lê (110 g/gói) trên nhãn có chữ Hàn Quốc, không có thông tin về nhà sản xuất, hạn sử dụng và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Nhiều thùng trái cây Trung Quốc bán tại chợ đầu mối Thủ Đức không có nhãn phụ theo quy định
|
Kiểm tra tại kho của Công ty TNHH Dịch vụ Tam Bình Thủ Đức thì phát hiện gần 36 tấn trái cây nhập ngoại (lê, táo, quýt, cam), chủ yếu xuất xứ Trung Quốc, trên các thùng hàng không bảo đảm nhãn mác theo quy định nên đã bị tạm giữ. Số hàng trên là của 9 tổ chức, cá nhân kinh doanh tại chợ.
Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TP HCM, cho biết đối với hàng của Công ty TNHH Vườn Hạnh Phúc Đà Lạt, đơn vị sẽ xử lý vi phạm hành chính và buộc tiêu hủy toàn bộ lô hàng. Còn các lô trái cây Trung Quốc thì chủ hàng vẫn còn thời gian để cung cấp các hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc (theo quy định là sau 72 giờ). Sau đó, QLTT sẽ xác minh lại tính hợp pháp của những giấy tờ này rồi mới có hướng xử lý cụ thể.
Quá “thông thoáng”
Trao đổi với phóng viên chiều 28-1, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết hàng hóa bị tạm giữ tại kho của công ty chỉ vi phạm về nhãn. Tuy nhiên, công ty sẽ rút kinh nghiệm trong việc cho thuê kho sau này. Đối với hàng hư hỏng, bà Hà cho rằng trước giờ các chủ hàng vẫn tự xử lý chứ ban quản lý không can thiệp.
Nước ép trái lê Hàn Quốc không rõ chất lượng
|
Ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật TP HCM, xác nhận đối với rau củ quả nhập khẩu nếu hư hỏng thì chủ hàng tự xử lý tiêu hủy mà không cần báo cáo cơ quan chức năng. “Còn nếu họ cố tình đưa ra kinh doanh mà bị phát hiện thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - ông Tiến nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hồ sơ được các tiểu thương trưng ra để chứng minh tính hợp pháp của những lô hàng xuất xứ Trung Quốc khá sơ sài, có trường hợp chủ hàng một đàng còn hóa đơn ghi tên một nẻo do kinh doanh dạng “ký gửi”, hưởng hoa hồng. Hóa đơn giá trị gia tăng phần tên người mua chỉ có họ tên còn địa chỉ thì ghi “các tỉnh miền Trung, TP HCM” cho cả một lô hàng trên chục tấn. Còn giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu có khi một tờ được cấp cho cả 3 mặt hàng, 3 biển số xe, dù bên dưới có ghi “nghiêm cấm chở hàng đến địa điểm khác” nhưng mục nơi đến lại ghi hết sức mênh mông: “Các tỉnh, thành trong cả nước”!
Theo một đầu mối nhập khẩu trái cây, không chỉ hàng nhập từ Trung Quốc mà từ các nước khác hồ sơ cũng tương tự. Việc hàng hóa thực tế và hồ sơ có đúng là một lô hàng hay không chỉ có chủ hàng mới biết, còn cơ quan quản lý khó phát hiện.
Tăng cường kiểm tra kho lạnh
Trước việc kiểm tra 2 kho hàng tại chợ đầu mối và phát hiện ra những sai phạm như trên, ông Nguyễn Văn Bách cho biết sẽ tăng cường kiểm tra các kho lạnh chứa nông sản trên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những mặt hàng kém chất lượng được tung ra thị trường trong dịp Tết cũng như phát hiện hàng lậu trà trộn vào hàng nhập khẩu chính ngạch.
|
Ngọc Ánh
người lao động
|