Kinh tế thế giới 2015: Khó khăn và thuận lợi đan xen
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,8% năm 2015 và trên 4% trong giai đoạn 2016-2018. IMF dự báo thâm hụt ngân sách trung bình của các nền kinh tế trong năm 2015 sẽ không thay đổi nhiều từ mức tương đương 3% GDP của năm 2014.
Kinh tế thế giới vừa khép lại một năm 2014 đầy biến động với nền kinh tế Mỹ hồi phục đã kéo lại phần nào tình trạng trì trệ ở Liên minh châu Âu (EU), sự giảm tốc ở Trung Quốc và suy thoái ở Nhật Bản. Bên cạnh những thành tựu thu được thì kinh tế thế giới cũng phải đối mặt với không ít những thách thức, từ “dai dẳng” như nợ công cao, biến đổi khí hậu, cho đến “bất ngờ” như giá dầu đột ngột lao dốc, khủng hoảng tại Ukraine hay dịch bệnh Ebola.
Dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 của các khu vực trên thế giới.
|
Theo các chuyên gia, năm 2015 được coi là năm bản lề đối với nền kinh tế thế giới trong giai đoạn 2015-2020, với khả năng phục hồi của các đầu tàu Mỹ, EU và Nhật Bản cùng với các lĩnh vực quan trọng như thương mại và đầu tư. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,8% năm 2015 và trên 4% trong giai đoạn 2016-2018.
“Di sản” khó khăn
Khó khăn nổi bật “kế thừa” từ năm 2014 là việc giá dầu lao dốc liên tục đã và dự kiến sẽ tiếp tục tác động tiêu cực tới triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2015. Giá dầu thô hiện đã giảm hơn 50% so với thời điểm mùa Hè 2014, do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu yếu trong bối cảnh nguồn cung đang có xu hướng gia tăng.
Theo công ty nghiên cứu thị trường IHS, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có thể góp phần dẫn tới khả năng giá dầu tiếp tục giảm trong năm 2015. Trong khi đó, thị trường dầu mỏ toàn cầu cũng sẽ chịu tác động từ việc Mỹ đang vươn lên thành quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới với sản lượng dầu khí đá phiến tăng mạnh, trong khi “đại gia” dầu mỏ A-rập Xê-út thể hiện quyết tâm không cắt giảm sản lượng.
Bên cạnh các yếu tố bất lợi khác như khủng hoảng Ukraine chưa có hồi kết, sự nổi lên của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng..., các chuyên gia cảnh báo nguy cơ giảm phát cũng là một rủi ro không thể bỏ qua đối với nền kinh tế thế giới trong năm 2015. Giảm phát dự kiến sẽ trở lại mạnh mẽ tại các nước phát triển trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản tiếp tục giảm và kinh tế thế giới tăng yếu. Theo IHS, giá các loại hàng hóa cơ bản sẽ giảm bình quân 10% trong năm 2015.
Trong khi đó, tình hình ngân sách và nợ công của các nền kinh tế dự kiến sẽ không có nhiều cải thiện. IMF dự báo thâm hụt ngân sách trung bình của các nền kinh tế trong năm 2015 sẽ không thay đổi nhiều từ mức tương đương 3% GDP của năm 2014. Các nền kinh tế phát triển dự kiến có mức thâm hụt ngân sách 2,9% GDP trong năm 2015, giảm so với con số 3,6% GDP năm 2014.
Tỷ lệ thâm hụt ngân sách ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến ở mức 2,5% GDP năm 2015, trong đó số liệu tương ứng của các nền kinh tế châu Á trung bình ở mức 2,6% GDP năm 2015.
Ngoài ra, thị trường lao động thế giới dự kiến chưa có nhiều cải thiện trong thời gian tới. Theo Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), tỷ lệ thất nghiệp thế giới dự kiến tăng và số lao động không có việc làm có thể sẽ lên tới hơn 215 triệu vào năm 2018. ILO dự báo khoảng 40 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra mỗi năm, ít hơn mức 42,6 triệu người dự kiến tham gia vào thị trường lao động hàng năm.
Nếu tính tới tăng trưởng dân số ở độ tuổi lao động thì tỷ lệ việc làm sẽ không thể phục hồi cho đến năm 2018. Tỷ lệ thất nghiệp thế giới sẽ biến động nhiều trong 5 năm tới và có thể sẽ tăng 0,5% điểm so với trước giai đoạn khủng hoảng.
Niềm tin thuận lợi
Theo kinh tế trưởng Nariman Behravesh của IHS, những yếu tố cơ bản vẫn tích cực và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế thế giới vào năm 2015. Dự đoán, kinh tế thế giới có thể tăng 3% năm 2015, cao hơn so với 2,7% năm 2014.
Kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục hồi phục nhờ nhu cầu trong nước gia tăng, nhất là chi tiêu tiêu dùng - chiếm khoảng 70% giá trị nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Với các nhân tố tích cực như tăng trưởng việc làm khả quan, tình hình tài chính ngày càng cải thiện của các hộ gia đình và giá khí đốt thấp, kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng 2,5-3% năm 2015.
Trong khi đó, mặc dù tiếp tục khó khăn trong năm 2015 do sự yếu kém của thị trường lao động, đồng euro giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2006, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể tăng 1,4% với sự tăng trưởng mạnh của các lĩnh vực đầu tư và ngoại thương. Tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp của Eurozone trong năm 2015 dự kiến là 1,4% và 11,9%.
Trong khi sự hỗ trợ từ các chính sách tiền tệ và tài khóa có thể sẽ không giúp kinh tế Trung Quốc tránh được kịch bản tăng trưởng chậm lại còn 6,5% trong năm 2015, thì nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản đang đứng trước khả năng thoát khỏi suy thoái trong năm 2015. Chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cùng với gói kích cầu kinh tế và giá năng lượng thấp sẽ góp phần đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi suy thoái trong thời gian tới.
Về phần các nền kinh tế mới nổi, dự kiến sẽ đạt được mức tăng trưởng tích cực trong năm 2015, nhờ giá dầu rẻ hơn, thanh khoản toàn cầu gia tăng cùng với sự hồi phục của các đầu tàu Mỹ và châu Âu. Trong đó, nổi bật là các nền kinh tế mới nổi châu Âu, Mỹ Latinh, Trung Đông và Bắc Phi. Cụ thể, Brazil và Ấn Độ dự kiến tăng trưởng 3,2% và 5% năm 2015, trong khi con số tương ứng của Hàn Quốc và Singapore là 3,5% và 4,4%. Tuy vậy, kinh tế Nga sẽ đối mặt với mức tăng trưởng thấp hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác do tác động tiêu cực của lệnh cấm vận kinh tế, giá dầu giảm và nhà đầu tư rút vốn.
Cũng theo IHS, trong khi nợ công và nợ của khu vực tư nhân ở mức cao sẽ giảm bớt ở một số quốc gia, nhất là Mỹ và Vương quốc Anh, thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới dự kiến đạt 1.800 tỷ USD năm 2015, nhờ tình tình kinh tế các nước cải thiện và lòng tin của giới đầu tư hồi phục. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở các nước đang phát triển sẽ khiến luồng vốn FDI chuyển hướng từ hoạt động đầu tư vào khu vực sản xuất sang mảng dịch vụ.
Anh Quân
thời báo ngân hàng
|