Thứ Hai, 19/01/2015 13:45

Hữu Liên Á Châu: Hủy niêm yết có phải là kết thúc?

CTCP Hữu Liên Á Châu (HOSE: HLA) vừa bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM đưa ra quyết định hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ. Liệu đây có phải là dấu chấm hết cho HLA trong tương lai gần?

Thương hiệu Hữu Liên chính thức có mặt trên thị trường vào năm 1978 với mô hình hoạt động của một cơ cở sản xuất các phụ tùng xe đạp, xe máy.

Hữu Liên Á Châu chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần kể từ 20/01/2001 với vốn điều lệ ban đầu là 5 tỷ đồng với sản phẩm chủ lực của HLA khi đó là ống thép. Đến thời điểm 30/09/2014 (kết thúc năm tài chính 2014), HLA đã trải qua 7 lần tăng vốn để đạt vốn điều lệ 344.6 tỷ đồng.

Các lần tăng vốn điều lệ của HLA (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn dữ liệu: VietstockFinance

Đồng hành với quy mô vốn là sự tăng trưởng về hoạt động kinh doanh, công ty đã chính thức đạt doanh thu trên 1,000 tỷ đồng khi kết thúc năm tài chính 2007, trước 1 năm so với thời điểm cổ phiếu HLA được chính thức giao dịch trên sàn HOSE.

Giai đoạn 2009-2011, tốc độ gia tăng doanh thu của HLA khoảng 13% nhưng đến năm 2012 thì nhảy vọt lên 54%, thời kỳ được coi là đỉnh cao của HLA kể từ khi thành lập với doanh thu đạt gần 5,000 tỷ đồng.

Doanh thu HLA từ năm 2008 đến 2014 (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn dữ liệu: VietstockFinance

Ngã rẽ trong kinh doanh

Sự bứt phát doanh thu năm 2012 tưởng chừng sẽ giúp HLA tiến đến vị thế dẫn đầu trong ngành thép Việt Nam. Nhưng có lẽ “người tính không bằng trời tính”, thành quả của HLA hoàn toàn trôi sạch trong năm 2013. 

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2013 (niên độ 01/10 – 30/09), HLA vẫn đủ sức cầm cự với khó khăn của ngành thép khi lãi hơn 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong quý cuối niên độ, công ty bất ngờ công bố lỗ hơn 115 tỷ đồng. Thậm chí, sau báo cáo kiểm toán, khoản lỗ của công ty còn tăng lên 235 tỷ đồng do phải trích lập thêm dự phòng giảm giá và chi phí lãi vay.

Lợi nhuận sau thuế của HLA từ năm 2008 đến nay (Đvt: tỷ đồng)

Nguồn dữ liệu: VietstockFinance

Nguyên nhân được đưa ra là do sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu và giá thép biến động lớn. Mặc dù giá thép nguyên liệu giảm là điều có lợi đối với những doanh nghiệp sản xuất như HLA nhưng chính vì nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, các doanh nghiệp khác đua nhau giảm giá bán nên HLA bị lỗ do mua nguyên liệu với giá cao.

Bản chất của ngành thép là ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi doanh nghiệp lúc nào cũng phải lo đối phó với những biến động giá nguyên liệu trên thế giới. Một ví dụ điển hình là vấn đề đầu cơ nguyên liệu đầu vào đối với các doanh nghiệp ngành thép. Tuy nhiên, việc đầu cơ giống như doanh nghiệp đang chơi một canh bạc, nếu đầu cơ đúng thời điểm thì thắng to nhưng trật sóng thì sẽ có tác hại khôn lường. Chẳng hạn như trường hợp của Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG), nhờ hoạt động đầu cơ nguyên liệu đầu vào (chiếm 50% lợi nhuận) mà lợi nhuận niên độ 2013 đã vượt 45% kế hoạch đề ra, đạt 581 tỷ đồng.

Một lý do khác dẫn đến sự thua lỗ liên tục từ năm 2013 là do HLA mở rộng hoạt động, tăng sản lượng sản xuất quá nhanh nhưng lại không phù hợp với nhu cầu của thị trường. Chính đại diện của HLA khi đó cũng thừa nhận: “Tốc độ phát triển của doanh nghiệp không phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, khi càng phát triển doanh nghiệp thì cơ cấu vốn càng dễ mất cân đối và đến một lúc nào đó, chính cái này sẽ giết chết doanh nghiệp!”.

Thêm vào đó, thị trường chủ lực của HLA là thép ống và tập trung mạnh vào xuất khẩu. Mặc dù biên lợi nhuận cao nhưng các quốc gia trong khu vực dựng hàng rào phi thuế quan đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động này.

Tính đến cuối năm tài chính 2013 (30/09/2013), hàng tồn kho của HLA đã tăng lên gần cả ngàn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hàng hóa. Con số này đã chiếm hơn ½ tổng tài sản của công ty. Trong khi đó, nợ ngắn hạn tính đến hết năm tài chính 2013 đã tăng lên 1,144.2 tỷ đồng, chiếm đến 67% tổng nợ phải trả và gấp gần 4 lần vốn chủ.

Tinh gọn, tái cấu trúc: Đã làm tất cả những gì có thể?

Nhằm ứng phó trước những biến động của giá nguyên liệu trong thời gian ngắn, HLA đã điều chỉnh thời gian đặt hàng theo nhu cầu thị trường chứ không đặt trước 3 tháng như trước. Đồng thời, Công ty đã gia tăng sản lượng nguyên liệu mua trong nước để dễ dàng kiểm soát giá hơn.

Bên cạnh đó, HLA đã giảm đến 30% nhân sự. Cuối năm 2013, công ty cũng lên kế hoạch thực hiện thoái vốn tại hai công ty liên kết là CTCP Thép Hữu Liên (HLA sở hữu 100% vốn) và CTCP Minh Hữu Liên (HLA sở hữu 30% vốn). Việc thoái vốn tại công ty con là bước đầu trong việc tái cấu trúc để tập trung nguồn vốn về HLA và trang trải chi phí ngân hàng và tính đến cuối năm tài chính 2014 thì khoản mục đầu tư dài hạn chỉ còn hơn 8.5 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm này, hàng tồn kho của HLA giảm mạnh còn 198 tỷ đồng, trong đó chủ yếu giảm là khoản mục hàng hóa. Được biết, khoản mục này chủ yếu được công ty sử dụng để thế chấp ngân hàng đối với các khoản vay ngắn hạn. Việc giảm mạnh khoản mục hàng hóa trong hàng tồn kho có thể do HLA thanh lý để xử lý nợ. Điều này lý giải nguyên nhân khoản mục nợ ngắn hạn giảm còn 743.8 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm tài chính 2014.

Những cố gắng của ban lãnh đạo HLA phần nào thể hiện trong quý 4/2014 khi kết quả đã khả qua hơn, nợ phải trả chỉ còn 1,215 tỷ đồng, giảm 30% so với cuối năm tài chính 2013; chi phí bán hàng cũng giảm mạnh gần 50% còn 14.5 tỷ đồng.Tuy nhiên, tính chung cho cả năm tài chính 2014, công ty vẫn lỗ ròng đến 475 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên hơn 656 tỷ đồng, gần gấp đôi so với vốn điều lệ thực góp. Nguồn vốn chủ sở hữu theo đó bị âm 167 tỷ đồng.

Hủy niêm yết là dấu chấm hết?

Với kết quả lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp, cổ phiếu HLA đã bị hủy niêm yết bắt buộc theo quyết định từ phía Sở GDCK TPHCM. Thị giá cố phiếu HLA hiện đang giao dịch ở mức 1,400 đồng/cp (ngày 12/01/2015), đã giảm sàn 5 phiên liên tiếp kể từ khi có thông tin hủy niêm yết bắt buộc.

Việc hủy niêm yết bắt buộc hay hủy niêm yết tự nguyện trong thời gian gần đây không phải là một vấn đề gây quá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ngược lại, việc hủy niêm yết có thể giúp tạo điều kiện để doanh nghiệp tự phải đánh giá, kiểm tra lại toàn bộ hoạt động kinh doanh và tái cấu trúc.

Thực tế cho thấy, đã có trường hợp bị dồn vào thế chân tường (hủy niêm yết bắt buộc) thì doanh nghiệp mới thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ và đạt được những kết quả nhất định.Một ví dụ cho vấn đề này là trường hợp của CTCP Chứng khoán NH Sài Gòn Thương Tín (SBS). SBS đã chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 25/03/2013 với lý do tương tự như HLA, lỗ lũy kế khi kết thúc năm tài chính vượt vốn điều lệ thực góp. Tuy nhiên, ngay sau khi bị hủy niêm yết, kết quả kinh doanh đã có sự tăng trưởng bất ngờ và tới nay đã trở lại sàn UPCoM giao dịch, có lãi từ quý 3/2013 đến nay.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp sau khi hủy niêm yết thì hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục sa lầy. CTCP Nhựa Tân Hóa (VKP) là một trường hợp như vậy khi tại ĐHĐCĐ bất thường lần 2 năm 2014, cổ đông đã thống nhất sẽ lập thủ tục phá sản nếu quá trình tái cấu trúc thất bại.

Trở lại với HLA, khoản lỗ chủ yếu là do kinh doanh không đem lại lợi nhuận trong khi lãi vay và các chi phí khác quá cao. Trong giai đoạn 4 năm gần đây, giá vốn của HLA đều xấp xỉ so với doanh thu thuần, cá biệt năm 2014, giá vốn vượt doanh thu thuần. Trong khi đó, các khoản chi phí phát sinh trong kỳ luôn ở mức từ 250-300 tỷ đồng. Chi phí lãi vay chiếm tỷ lệ cao do nợ phải trả thường chiếm gần 80% trong cơ cấu nguồn vốn trong 4 năm trở lại đây, trong đó chủ yếu là vay ngắn hạn ngân hàng.

Như vậy, thách thức với HLA trong thời điểm hiện tại là cơ cấu lại hoạt động sản xuất, quản trị giá vốn để có thể tạo ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của công ty trong bối cảnh áp lực trả nợ ngắn hạn đang rất lớn. Thách thức của HLA có thể nhấn chìm hay sẽ đưa công ty trở lại thời kỳ đỉnh cao?

Minh Tuấn

Các tin tức khác

>   Tập đoàn Tiến Bộ: Phát triển nhà ở xã hội, chuẩn bị niêm yết trên HNX (19/01/2015)

>   Savico và kết quả sau chặng đường tái cơ cấu (19/01/2015)

>   DPM: “Nước lên thì thuyền lên” (19/01/2015)

>   SAP: Nghị quyết Hội đồng quản trị (19/01/2015)

>   ORS: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (19/01/2015)

>   Đất Xanh và VietinBank ký kết hợp tác toàn diện (19/01/2015)

>   Đại gia miền Tây phá sản: Người đổ bệnh, kẻ trốn chạy (19/01/2015)

>   VietinBank: Lợi nhuận 2014 ước đạt 7,300 tỷ đồng, nợ xấu chỉ 1.1% (18/01/2015)

>   PDN: Lãi quý 4 giảm gần một nửa (19/01/2015)

>   LIX: BCTC Q4-2014 kèm GT (16/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật