DPM: “Nước lên thì thuyền lên”
“Với bối cảnh thị trường và những chính sách áp dụng chung trong nước thì khó khăn của các doanh nghiệp sẽ như nhau. Tuy nhiên nước lên thì thuyền lên, DPM có nhiều thế mạnh và sẽ duy trì được sự cạnh tranh với sản phẩm trong nước và nhập khẩu”.
Đó là khẳng định của Ban lãnh đạo Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM) khi nói về hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới của DPM mặc dù năm 2015 được dự báo là năm ngành phân bón tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ
Năm 2014 nhiều biến động nhưng cổ phiếu vẫn hấp dẫn
Năm 2014 là năm nhiều biến động đối với cổ phiếu DPM, đặc biệt là giai đoạn 6 tháng đầu năm khi câu chuyện về việc thay đổi giá khí đầu vào từ đầu quý 2/1014 đã khiến DPM chịu áp lực nặng nề, gây ra làn sóng băn khoăn lo ngại cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, giá dầu giảm mạnh từ cuối quý 3 và quý 4 cùng với tin DPM lần đầu tiên xuất khẩu lô hàng Đạm Phú Mỹ đóng bao cỡ lớn sang thị trường New Zealand và Jordan đã tác động tích cực tới thị trường khi giá cổ phiếu DPM tăng liên tiếp. Các công ty chứng khoán đã nâng khuyến nghị dành cho DPM lên “khả quan” và điều chỉnh tăng giá mục tiêu. Cổ phiếu DPM tiếp tục được đánh giá là cổ phiếu tốt, duy trì được mức lợi nhuận với ROA và ROE bình quân trong vòng 5 năm (2009-2013) lần lượt ở mức 27% và 32%.
Bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Chủ tịch, người công bố thông tin DPM cho biết, “việc biến động giá cổ phiếu là việc không doanh nghiệp nào tránh khỏi trong chu kỳ kinh doanh, tuy nhiên, Ban lãnh đạo DPM sẽ luôn cố gắng nỗ lực hết mình để thúc đẩy kết quả sản xuất kinh doanh của công ty nhằm đảm bảo lợi ích hấp dẫn và lâu dài cho cổ đông.”
DPM thông báo đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đề ra cho năm 2014 trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, riêng ngành phân bón có nhiều biến động phức tạp, cạnh tranh gay gắt. Công ty cho biết Nhà máy Đạm Phú Mỹ đạt sản lượng 845 ngàn tấn, vượt 5% kế hoạch năm và là con số kỷ lục từ trước tới nay. Sản lượng kinh doanh các mặt hàng phân bón khác đạt hơn 380 ngàn tấn, vượt 15% kế hoạch năm đưa tổng sản lượng kinh doanh trong năm 2014 lên 1.22 triệu tấn, cao nhất từ trước tới nay. Thị phần Đạm Phú Mỹ trên cả nước tiếp tục được duy trì 40%.
Các hoạt động triển khai đầu tư các dự án mới cũng đang được DPM đẩy mạnh triển khai với nhiều bước tiến mới nhằm sớm đa dạng hóa sản phẩm và gia tăng doanh thu, lợi nhuận. Trong năm 2014, DPM đã chính thức vận hành Xưởng sản xuất hóa phẩm dầu khí với công suất 4,000 tấn/năm (25,000 thùng). Ngay trong năm đầu tiên, xưởng hóa phẩm đã đưa ra thị trường khoảng 14,000 thùng hóa phẩm, đem lại doanh thu khoảng 200 tỷ đồng. Dự án xây dựng xưởng sản xuất chất phụ gia UFC85/Formaldehyde được khởi công từ Quý 2/2014 và tới cuối năm đã hoàn thành được 1/3 tiến độ, dự kiến sẽ được hoàn tất và bắt đầu ghi nhận doanh thu từ cuối Quý 4/2015. Ngoài ra, DPM cho biết sẽ sớm ký hợp đồng EPC để khởi công tổ hợp dự án NH3-NPK trong năm nay để có thể ghi nhận thêm doanh thu từ năm 2017. Đây là các dự án cốt lõi, được kỳ vọng sẽ tạo đà tăng trưởng cho DPM trong 3 năm tới, đem lại thêm khoản doanh thu hàng năm khoảng 5,000 – 5,400 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 600-700 tỷ đồng.
Kịch bản tương đồng cho năm 2015
Mặc dù có những tín hiệu tích cực từ tiến độ triển khai các dự án đầu tư và giá nguyên liệu đầu vào nhưng Ban lãnh đạo DPM cho biết năm 2015 tiếp tục là năm khó khăn và kịch bản kế hoạch 2015 sẽ dựa trên những phân tích tác động và ảnh hưởng từ một số yếu tố chính bao gồm: chính sách mới về thuế GTGT; giá khí đầu vào và cước vận tải; dự báo cung cầu phân bón, đặc biệt là đối với mặt hàng urea.
Được biết, theo luật thuế VAT mới được áp dụng từ đầu năm 2015, phân bón là mặt hàng không chịu thuế VAT, đồng nghĩa các doanh nghiệp kinh doanh phân bón không được khấu trừ thuế VAT đầu vào cho sản xuất, kinh doanh phân bón. DPM cho biết khoản thuế GTGT đầu vào là khoảng 400 tỷ đồng, khi áp dụng Luật sửa đổi thì số thuế trên sẽ hạch toán vào chi phí dẫn đến khoản lợi nhuận trước thuế hàng năm sẽ giảm tương ứng nếu không điều chỉnh giá bán đầu ra.
“Giá dầu giảm và thuế VAT không được khấu trừ sẽ có tác động ngược chiều nhau. Trong đó giá dầu giảm thì giá khí bán cho DPM giảm khiến giảm giá thành của sản phẩm DPM, còn VAT không được khấu trừ lại làm tăng giá thành. Tuy nhiên, giá bán phân bón trong nước có quan hệ mật thiết với thị trường thế giới nên sẽ ảnh hưởng từ thị trường này,” bà Hiền cho biết.
Bên cạnh đó, thị trường dự báo sự tăng trưởng đáng kể đối với nguồn cung phân đạm trong năm 2015 khi dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc mở rộng đã đi vào hoạt động. Dự kiến, nguồn cung phân đạm trong nước tăng từ 2.3 triệu tấn lên 2.6 triệu tấn, dẫn tới dư cung khoảng 400 ngàn tấn/năm.
Trong bối cảnh đó, DPM cho biết kịch bản kế hoạch năm 2015 sẽ gần như tương đồng với năm 2014. Ban lãnh đạo DPM cho biết trong bối cảnh nguồn cung phân đạm trong nước tiếp tục dư thừa, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Được biết, trong năm 2014, công ty đã tiến hành đăng ký chất lượng sản phẩm Đạm Phú Mỹ tại Nhật Bản và đã được Hiệp hội giám định Phân bón Nhật Bản chứng nhận. Đây được coi là điều kiện “hết sức thuận lợi” để DPM mở rộng thị trường đồng thời cũng tạo điều kiện để các khách hàng sử dụng phân bón Phú Mỹ xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật Bản.
“Với bối cảnh thị trường và chính sách áp dụng chung trong nước thì khó khăn của các doanh nghiệp sẽ như nhau. Tuy nhiên, nước lên thì thuyền lên, DPM có nhiều thế mạnh và sẽ duy trì được sự cạnh tranh với sản phẩm trong nước và nhập khẩu,” bà Hiền cho biết.
Thanh Nụ
|