Thứ Năm, 08/01/2015 09:14

Hào Dương nợ như “chúa chổm”!

Ngoài tiền phạt vi phạm hành chính chưa đóng đồng nào, Công ty CP Thuộc da Hào Dương còn nhiều món nợ khác...

Ngày 14-11-2014, UBND TP HCM ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty CP Thuộc da Hào Dương (Công ty Hào Dương) gồm 2 tỉ đồng tiền phạt vi phạm hành chính và hơn 4,3 tỉ đồng tiền thu lợi bất hợp pháp. Ngay sau đó, doanh nghiệp này đã có văn bản xin UBND TP được chia số tiền 2 tỉ đồng ra để đóng nhiều lần, còn hơn 4,3 tỉ đồng thì hoãn nộp trong 5 năm với lý do đang gặp khó khăn về kinh tế.

Thói quen trả góp?

Sau cuộc họp lấy ý kiến các sở - ngành liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã báo cáo UBND TP về việc xin hoãn và chậm nộp phạt của Công ty Hào Dương. Đối với số tiền phạt 2 tỉ đồng, Sở TN-MT dẫn quy định tại điều 79 Luật Xử phạt vi phạm hành chính, doanh nghiệp được nộp phạt nhiều lần khi thỏa điều kiện “đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế” và đơn đề nghị nộp phạt nhiều lần phải được xác nhận của cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Do đó, Công ty Hào Dương phải bổ sung đơn đề nghị nộp phạt nhiều lần có xác nhận của cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Thời gian cung cấp là 10 ngày, sau thời hạn này, kiến nghị sẽ không được xem xét giải quyết.

Đối với hơn 4,3 tỉ đồng, Luật Xử phạt vi phạm hành chính hiện chưa quy định, vả lại đây là số tiền doanh nghiệp thu được từ vi phạm hành chính nên kiến nghị này không có cơ sở xem xét. Sở TN-MT cũng đã có văn bản thông báo cho Công ty Hào Dương.

Công ty Hào Dương thường xin hoãn và chậm nộp tiền vi phạm hành chính

Ngày 7-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết đã quá thời hạn 10 ngày nhưng Công ty Hào Dương vẫn chưa gửi về sở đơn đề nghị có xác nhận của cơ quan thuế. Như vậy, việc xử lý vi phạm của Công ty Hào Dương cứ theo quy định của pháp luật mà làm.

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT, khẳng định sẽ không du di mà xử lý thật nghiêm, thật triệt để với các doanh nghiệp cố tình gây ô nhiễm môi trường. “Quan điểm của sở là doanh nghiệp phải khắc phục mọi hậu quả do mình gây ra mới được hoạt động trở lại” - ông Kiệt nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Kiệt cũng đề xuất Sở TN-MT, Ban Quản lý các KCX và KCN TP (Hepza) và các viện - trường nên ngồi lại bàn bạc để có phương án hỗ trợ Công ty Hào Dương về công nghệ xử lý nước thải (nếu được hoạt động trở lại) cũng như các doanh nghiệp thuộc da khác vì sự phát triển kinh tế TP cũng như công ăn việc làm của hàng ngàn công nhân.

Đây không phải là lần đầu Công ty Hào Dương xin trả góp. Trước đó, doanh nghiệp này từng nợ dai dẳng 650 triệu đồng tiền phí bảo vệ môi trường, sau đó lại có văn bản xin trả góp và được Sở TN-MT chấp nhận.

Lời quá nhiều!

Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, chưa yên tâm với việc hoạt động trở lại của Công ty Hào Dương vì đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này còn quá nhiều sai phạm chưa khắc phục. Theo ông Trường, bên cạnh việc chưa nộp phạt hơn 6,3 tỉ đồng, Công ty Hào Dương còn nợ bảo hiểm xã hội và nợ lương công nhân.

“Công nhân gửi đơn cầu cứu khắp nơi, LĐLĐ huyện Nhà Bè đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng rất khó gặp lãnh đạo công ty. Đến khi lãnh đạo huyện trực tiếp chủ trì họp thì đại diện công ty mới đến nhưng cũng chỉ hứa ghi nhận và báo cáo lại, chứ không đưa ra hướng giải quyết nào cả!” - ông Trường nói.

Về việc Công ty Hào Dương xin hoãn và chậm nộp khoản tiền vi phạm hành chính, quan điểm của ông Trường là không ủng hộ. “Bao nhiêu năm xả thải ra môi trường mà không tốn tiền xử lý, Công ty Hào Dương đã lời nhiều lắm rồi! Giờ cứ theo luật mà làm, không nên cho trả góp mà phải trả một lần!” - ông Trường đề nghị.

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được, số tiền Công ty Hào Dương nợ lương công nhân và nợ bảo hiểm xã hội là hơn 1 tỉ đồng, trong đó nợ bảo hiểm xã hội trên 600 triệu đồng trong thời gian dài.

Đề nghị hài hước!

PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Môi trường và Tài nguyên, cho rằng đề nghị của Công ty Hào Dương rất hài hước. “Tôi làm việc trong lĩnh vực môi trường cũng lâu, quản lý có, nghiên cứu có nhưng chưa bao giờ nghe về việc xin trả góp tiền phạt. Mà các lĩnh vực khác cũng thế! Công ty Vedan cũng nộp phạt rất nhiều nhưng có được trả góp đâu? Luật không quy định nên cũng không cần bàn rằng có nên cho hay không!” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Còn về ý kiến cho Công ty Hào Dương hoạt động trở lại, PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn cho rằng ngoài điều kiện nộp phạt đủ thì yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất là khắc phục hệ thống xử lý nước thải, chất thải. “Tôi không tin luật pháp không làm gì được một công ty như Hào Dương!” - ông Tuấn nói.


Minh Khanh

người lao động

Các tin tức khác

>   Bắt Đại biểu QH Châu Thị Thu Nga về hành vi lừa đảo (08/01/2015)

>   Một cá nhân ở Đồng Nai được thưởng tết 190 triệu đồng (07/01/2015)

>   Hàng loạt tỉnh, thành thay đổi mã vùng cố định từ 1/3 (06/01/2015)

>   Người dùng Android bị theo dõi nhiều nhất? (05/01/2015)

>   Tàu 51.000 tấn chở 1.400 xe hơi lao thẳng lên bờ biển (05/01/2015)

>   Ông Nguyễn Bá Thanh về Đà Nẵng điều trị (05/01/2015)

>   Doanh nghiệp xăng dầu xin trích Quỹ bình ổn giá: “Một kiến nghị vô lối” (05/01/2015)

>   Xu hướng du lịch nổi trội trong năm 2015 (03/01/2015)

>   Sắp có wifi miễn phí trên tàu hỏa (03/01/2015)

>   Phát hiện ra nguyên nhân khiến máy bay của AirAsia gặp nạn? (03/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật