Đồng franc tăng giá mạnh - mối đe dọa lớn cho kinh tế Thụy Sĩ
Các quan chức Chính phủ Thụy Sĩ trong những ngày qua đã lên tiếng trấn an người dân rằng quyết định dỡ bỏ mức tỷ giá tối thiểu 1,2 franc Thụy Sĩ đổi 1 euro mà Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB, ngân hàng trung ương) công bố hôm 15/1 sẽ không gây mất ổn định cho kinh tế nước này.
* Sốc với quyết định bỏ trần tỷ giá, franc Thụy Sỹ bay cao hơn 30%, chứng khoán lao dốc gần 9%
* Thụy Sỹ hạ lãi suất xuống mức âm nhằm giảm sức ép cho đồng franc trước nhu cầu “tránh bão”
Ảnh minh họa. (Nguồn: www.bigtrends.com)
|
Tuy nhiên, không ít ý kiến cảnh báo rằng đà lên giá quá nóng của đồng franc có thể gây thiệt hại, thậm chí trở thành mối đe dọa lớn cho nền kinh tế này.
Trong bài trả lời phỏng vấn về quyết định "gây sốc" nói trên được đăng trên tờ nhật báo Le Temps và NZZ của Thụy Sỹ ngày 17/1, Thống đốc SNB, Thomas Jordan nói rằng những xáo động trên các thị trường toàn cầu và đối với kinh tế Thụy Sĩ sau động thái trên sẽ dần dịu lại.
Ông nói: "Đây là một quyết định không dễ dàng nhưng chúng tôi cho rằng là quyết định đúng đắn. Đồng franc (Thụy Sĩ) hiện bị định giá cao hơn giá trị đáng kể so với đồng USD và euro".
SNB đã đưa ra mức lãi suất âm kịp thời để làm dịu đà lên giá quá nóng của đồng franc và không loại trừ khả năng sẽ cân nhắc các biện pháp can thiệp trong tương lai nếu tình hình trở nên mất ổn định.
Ngày 18/1, Bộ trưởng Tài chính nước này, Eveline Wilder-Schlumpf bày tỏ hy vọng rằng tỷ giá đồng franc sẽ ổn định ở mức khoảng 1,1 franc đổi 1 euro, mức mà các công ty nước này có thể "chịu" được.
SNB đang đối mặt với nhiều lời chỉ trích cả trong lẫn ngoài nước sau quyết định dỡ bỏ mức sàn tỷ giá đồng franc (với đồng euro) mà SNB duy trì từ tháng 9/2011 nhằm hỗ trợ xuất khẩu.
Động thái này đã khiến đồng franc tăng vọt, làm dấy lên mối lo ngại rằng lợi nhuận của các công ty trên cả nước sẽ sụt giảm mạnh, đặt nền kinh tế này trước nguy cơ phải trả giá bằng việc làm, đồng thời gây thiệt hại cho các lĩnh vực từ xuất khẩu, công nghiệp đến du lịch.
Trong bối cảnh lạm phát tại Thụy Sĩ ở mức -0,3%, nước này đứng trước nguy cơ giảm phát nếu đồng franc tiếp tục ở mức cao so với đồng euro.
Giá đồng franc Thụy Sĩ đã tăng khoảng 20% so với các đồng tiền khác và tăng 15% so với đồng euro kể từ sau khi SNB bỏ mức sàn tỷ giá. Đồng franc hiện giao dịch ở mức gần tương đương so với đồng euro sau khi có lúc đã chạm mức cao 0,85 franc đổi 1 euro.
Tờ nhật báo Tribune de Geneve ngày 17/1 nói rằng "đồng franc mạnh đang đe dọa toàn bộ hệ thống Thụy Sĩ. Tương lai khá ảm đạm".
Serge Gaillard, người đứng đầu Cơ quan tài chính liên bang Thụy Sĩ, cảnh báo nếu đồng franc vẫn ở mức gần tương đương so với đồng euro, hậu quả sẽ lớn và nếu đồng franc duy trì mức tỷ giá này trong một thời gian dài, tăng trưởng kinh tế của Thụy Sĩ sẽ yếu đi và tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng.
Triển vọng kinh tế của nước này cũng xấu đi đáng kể, song Thụy Sĩ sẽ không rơi vào suy thoái.
Đồng franc tăng vọt được nhìn nhận là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu này, do giá hàng hóa Thụy Sĩ tại nước ngoài bỗng chốc tăng 20% chỉ trong một đêm.
Các doanh nghiệp trong nước sẽ chứng kiến xuất khẩu sa sút và người tiêu dùng chạy sang các nước láng giềng để mua hàng hóa với giá rẻ hơn. Trong lĩnh vực du lịch, nhiều khách du lịch hủy chuyến tới Thụy Sĩ, bởi các khu trượt tuyết vốn không hề rẻ trong chốc lát trở nên quá đắt đỏ với các du khách nước ngoài.
Kể từ sau quyết định ngày 15/1 của SNB, chỉ số chứng khoán SMI của nước này đã giảm trên 14%.
Sự lên giá mạnh của đồng franc cũng gây ra sự xáo động không nhỏ trên các thị trường toàn cầu, khiến ít nhất hai công ty môi giới ngoại hối phá sản.
Giới phân tích cho rằng các động thái tiếp theo của SNB có thể sẽ phụ thuộc vào việc khi nào ECB sẽ tung ra chương trình mua tài sản quy mô lớn, tức là chương trình nới lỏng định lượng (QE) để thúc đẩy tăng trưởng và ngăn chặn nguy cơ giảm phát.
Như Mai
Vietnam+
|