Tây Ban Nha thoát khỏi nợ công thế nào
Xét ở một khía cạnh nào đó, nợ công ở Tây Ban Nha không còn là một gánh nặng quá lớn cho nền kinh tế, nó còn là công cụ để chính phủ kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nợ công tăng trong 6 năm
Sau khi gia nhập khu vực Eurozone năm 1999, kinh tế Tây Ban Nha có gần một thập kỷ tăng trưởng liên tục khoảng 3,5% năm so với mức 2% năm của các nước khác trong khu vực đồng Euro. Trong bối cảnh đó, các chỉ số kinh tế vĩ mô của nước này cho thấy một bức tranh sáng mầu với tỉ lệ thất nghiệp giai đoạn 2004-2008 là 9,6%, thặng dư ngân sách 2% GDP và nợ công là 37% GDP năm 2007. Tuy nhiên trong thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng này, nền kinh tế Tây Ban Nha đã bộc lộ nhiều bất cập mà điểm nổi bật nhất là mô hình phát triển kinh tế lệch lạc và không bền vững, dựa quá nhiều vào khu vực xây dựng và bất động sản. Trong giai đoạn 1997-2007, giá nhà ở Tây Ban Nha đã tăng gấp 3 lần và số lượng nhà mới xây dựng ở nước này chiếm 30% của khu vực EU trong khi GDP Tây Ban Nha chỉ chiếm 10% kinh tế EU. Thâm hụt cán cân vãng lai năm 2007 chiếm 10% GDP cho thấy nền kinh tế Tây Ban Nha đã quá nóng và thiếu tính cạnh trang và người dân nước này đã chi tiêu quá nhiều so với mức mình làm ra.
Ảnh minh họa
|
Mô hình phát triển không bền vững của Tây Ban Nha khiến nước này chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2008. Kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng âm liên tục trong giai đoạn 2008-2013 (trừ năm 2011 tăng trưởng dương hơn 1%) và trong giai đoạn này GDP của Tây Ban Nha giảm sút 6% đưa nền kinh tế nước này từ vị trí thứ 8 thế giới năm 2008, xuống thứ 13 năm 2013. Thất nghiệp tăng vọt từ mức 9,6% năm 2007 lên trên 27% năm 2013. Ngân sách chính phủ từ thặng dư chuyển sang thâm hụt trên 7% GDP và nợ công cũng tăng từ mức an toàn 37% GDP (dưới mức trần 60% của EU) lên 93% (dự tính) năm 2014 và đã vượt ngưỡng 1000 tỉ Euro trong tháng 8/2014.
Nợ công của Tây Ban Nha đã tăng gấp 3 lần chỉ trong 6 năm, bởi ba lý do chính. Thứ nhất, thu ngân sách giảm trong khi chi tiêu công không giảm, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục để đảm bảo những điều kiện tối thiểu của nhà nước phúc lợi dẫn tới thâm hụt ngân sách tăng cao. Thứ hai, ngân sách nhà nước và vay chính phủ phải dành một phần khá lớn vào việc trợ giúp các ngân hàng yếu kém khỏi bị sụp đổ do cho vay ồ ạt vào lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Thứ ba, chi phí dịch vụ nợ cao do lãi xuất trái phiếu chính phủ tăng vọt vì các tổ chức tín dụng quốc tế lo ngại nền kinh tế Tây Ban Nha sẽ sụp đổ (cuối năm 2012, lãi xuất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm là 7,5% ).
Ba nhóm giải pháp
Trước tình hình đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã thi hành một loạt chính sách nhằm đưa nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng và giảm gánh nặng nợ công.
Nhóm giải pháp thứ nhất được đề ra là đảm bảo kỷ luật ngân sách. Tháng 5 năm 2012, Chính phủ thông qua Luật về Ổn định ngân sách theo đó quy định trần chi tiêu cho chính quyền trung ương và địa phương cùng những biện pháp điều chỉnh nếu không đáp ứng được mức trần này. Hàng tháng, Bộ tài chính cũng đăng tải công khai chi tiêu của chính quyền trung ương và địa phương trên trang web của mình để đông đảo công chúng có thể theo dõi, qua đó tạo sức ép phải thực thi các biện pháp hạn chế chi tiêu ngân sách. Đồng thời chính phủ cũng tạm dừng tăng lương cho công chức từ năm 2011 đến nay và mức tăng của quỹ hưu trí cũng giữ ở mức thấp (0,25% năm 2013).
Nhóm giải pháp thứ hai là cải cách thuế. Sau khi đã tăng thuế giá trị gia tăng từ 18% lên 21% năm 2012, khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ ràng, tháng 6 năm 2014 Chính phủ Tây Ban Nha đã đưa ra một số biện pháp cải cách thuế mà thực chất là giảm thuế thu nhập cho cá nhân và công ty nhằm kích thích tiêu dùng trong nước và tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế. Thuế thu nhập cá nhân sẽ giảm trung bình 12,5% từ nay đến năm 2016 trong khi thuế doanh nghiệp sẽ giảm từ 30% xuống 25% trong cùng thời gian. Đồng thời Chính phủ tiếp tục triển khai các biện pháp hạn chế chi tiêu công, chống gian lận thuế và cải cách hành chính sâu rộng.
Cuối cùng, nhóm giải pháp không kém phần quan trọng được thực thi là tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Cải cách thị trường lao động theo đó tăng tính linh hoạt cho các công ty trong việc thuê mướn nhân công, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, giảm số lượng giấy phép cho việc đăng ký kinh doanh, nhất là ở địa phương và cải cách thị trường điện theo hướng giảm chi phí sản xuất và trợ giá điện.
Trong bối cảnh khủng hoảng, nợ công của Tây Ban Nha tăng nhanh tuy nhiên những nhóm giải pháp lớn trên đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định kinh tế, xã hội và góp phần vào việc hồi phục kinh tế của nước này. Theo dự báo của Chính phủ Tây Ban Nha thì nợ công nước này sẽ tiếp tục tăng lên mức 107% GDP năm 2017 trước khi đi xuống khi đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế được giữ vững. Với lãi xuất trái phiếu chỉnh phủ kỳ hạn 10 năm ở mức rất thấp (2,4% so với 7,5% năm 2012), nợ công ở Tây Ban Nha không phải là một gánh nặng quá lớn cho nền kinh tế nước này mà ở một mức độ nào đó còn là công cụ để chính phủ kích thích tăng trưởng kinh tế.
Dương Quốc Thanh
Thế giới và Việt Nam
|