Thứ Bảy, 17/01/2015 08:31

Chuyện cấp đông con cá: DN tranh cãi với Bộ

Quy định mới về hàm lượng ẩm và tỷ lệ mạ băng với cá tra xuất khẩu đang là tâm điểm tranh cãi khi Bộ NN-PTNT quyết giữ, còn các doanh nghiệp thì phản đối đến cùng.

* Không thay đổi quy định “tỷ lệ mạ băng” cá tra xuất khẩu

Cho rằng quy định tỷ lệ mạ băng tối đa không quá 10% và hàm lượng nước tối đa trong cá tra phi lê đông lạnh không quá 83% (tương ứng với mức tăng trọng là 15%) là có đủ độ tin cậy, có cơ sở và cần thiết, công văn mới nhất do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám ký ngày 13/1 đã thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ quan điểm và giữ nguyên những quy định này tại Nghị định 36 ngày 29/4/2014.

Phiền nhiễu, tốn kém

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay, quy định về hàm lượng ẩm và tỷ lệ mạ băng với sản phẩm filê cá tra 10% là không có căn cứ và vi phạm pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Theo Luật này, Nhà nước chỉ quy định những gì liên quan tới an toàn thực phẩm, còn liên quan tới chất lượng sản phẩm là do doanh nghiệp quyết định và đăng ký, chứ không phải cơ quan quản lý muốn áp đặt sao cũng được.

Hơn nữa, ông Dũng cho rằng, việc hàm lượng ẩm và tỷ lệ mạ băng cao hơn 10% như quy định hiện nay, là đáp ứng yêu cầu của thị trường khi giá cá tra đang ở mức thấp. Và, có thể là do chính các DN tại thị trường nhập khẩu yêu cầu.

Năm qua, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD

Hiện trên thế giới, nhu cầu sản phẩm cá tra đã không còn cao như giai đoạn trước (2002-2007), khi giá trị xuất khẩu cá tra tăng từ 80 triệu lên 1,45 tỷ USD trong vòng có 5 năm. Từ 2008 tới nay, tốc độ xuất khẩu tăng chậm, giá trị cá xuất khẩu chỉ tăng lên 1,8 tỷ USD. Giá cá đã sụt giảm từ 4 xuống còn 2 USD.

Trong khi đó, Bộ NN-PTNT vẫn ngộ nhận rằng, Việt Nam đang độc quyền về ngành cá tra, và đây là mặt hàng xuất khẩu lớn nên muốn áp đặt quy định mà không theo thị trường và nguyện vọng của doanh nghiệp. Thực tế, cá tra chỉ là một sản phẩm thay thế trong mảng thị trường cá thịt trắng thế giới, chủ yếu là cá biển, chứ không tạo ra một thị trường riêng.

Hàng trăm nghìn tấn cá tra đã tồn kho vì Nghị định 36 này. Bộ NN-PTNT muốn áp đặt sản phẩm phải chất lượng, giá cao, vậy ai sẽ mua số sản phẩm trên? Nếu DN thua lỗ, phá sản thì Bộ có chịu trách nhiệm không? - ông Dũng bức xúc.

Thậm chí, Bộ này còn bỏ qua một kết quả đánh giá chất lượng cảm quan các sản phẩm cá tra filê đông lạnh, do chính Cục quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), thuộc Bộ NN-PTNT, yêu cầu, với sự tham gia của đại diện DN và các nhà khoa học. Kết quả cho thấy, miếng cá tra có hàm lượng tăng trọng 25% có giá trị cảm quan tốt nhất.

Chưa hết, quy định về việc DN, sau khi ký hợp đồng với nhà nhập khẩu, phải đăng ký với Hiệp hội cá tra Việt Nam để "xem xét có đáp ứng những tiêu chí trong nghị định hay không" mới được Hải quan thông quan; hay yêu cầu các DN phải có vùng nuôi cá trong khu vực được Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh, thành phê duyệt, theo ông Dũng, là rất vô lý, gây phiền hà, tốn kém cho DN khi phải mất thời gian đi xin phép (tại Cần Thơ) và việc quy hoạch còn nhiều vấn đề như hiện nay.

Hiện sản lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam là 650.000 tấn. Ông Dũng tính toán, nếu xuất mỗi container cá tra khoảng (20 tấn/container), các doanh nghiệp sẽ phải nộp phí 100.0000 đồng/mẫu. Nếu mỗi container là 3 mẫu, rồi mẫu chưa đạt phải xét nghiệm lại, thì DN sẽ tốn kém một khoản phí lớn, chưa kể còn mất thời gian, cơ hội khác.

Để ngăn ngừa gian lận?

Tại công văn 293 gửi các tỉnh ĐBSCL có nuôi cá tra, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, quy định 10% về tỷ lệ mạ băng không phải áp dụng cho mọi thị trường, nếu các nước không có yêu cầu thì thôi. Hơn nữa, theo hướng dẫn của Ủy ban Thực phẩm quốc tế (CODEX), tỉ lệ mạ băng để đạt mục tiêu công nghệ thông thường là không quá 5%. Do đó, quy định tỉ lệ mạ băng không được vượt quá 10% tại Nghị định 36 là cần thiết, phù hợp và đủ linh hoạt cho các doanh nghiệp trong chế biến sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh chất lượng tốt để xuất khẩu và ngăn ngừa gian lận thương mại.

Về quy định hàm lượng nước tối đa cho phép ở mức 83% gây nhiều tranh cãi, kết quả nghiên cứu của Nafiqad cho thấy, việc sử dụng phụ gia vừa đủ (tương ứng với hàm lượng nước là 83% và tỷ lệ tăng trọng là 15%) đạt mục đích cải thiện chất lượng cảm quan, chống mất nước sau rã đông.

"Nếu lạm dụng phụ gia (ngâm quay kéo dài) dẫn đến hàm lượng nước là 85%-86% thì tỷ lệ tăng trọng sẽ tương ứng từ 35% đến hơn 40%, có thể bị coi là gian lận thương mại, làm suy giảm chất lượng sản phẩm cá tra phi lê, bán giá thành thấp và dẫn đến nguy cơ cá tra Việt Nam bị cáo buộc, áp thuế chống bán phá giá tại các thị trường" - công văn viết.

Do vậy, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định: quy định 10% tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước 83% (tương ứng với mức tăng trọng là 15%) là có đủ độ tin cậy, cơ sở khoa học, và thực tiễn".

Việc các doanh nghiệp kiến nghị được ghi rõ về tỉ lệ mạ băng và dộ ẩm trên sản phẩm, diễn ra trước khi có Nghị định 36, đã dẫn đến hậu quả là gây khủng hoảng toàn diện ngành cá tra như thời gian qua.

Trước những phản ứng của DN, Bộ NN-PTNT đã lùi lại một năm thời gian áp dụng Nghị định trên, tức từ 1/1/2016 thay vì từ 2015 như trước, song đại diện VASEP cho hay các DN vẫn không đồng tình, bởi hệ lụy mà quy định này gây ra.

Ông Dũng đề xuất, liên quan đến việc nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu, nên có lộ trình để thực hiện. Cơ quan quản lý có thể gắn nhãn quy chuẩn quốc gia lên sản phẩm đối với sản phẩm đạt chuẩn, buộc các DN phải dần thích ứng.

Đại diện các doanh nghiệp, VASEP đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, đồng thời đề nghị được tổ chức đối thoại nhưng không có kết quả. Công văn trả lời mới nhất của Bộ NN-PTNT với các DN cũng chưa thỏa đáng. Vì thế, sắp tới, Bộ KH-ĐT sẽ là bên thứ ba làm trung gian nhằm hóa giải vụ việc gây tranh cãi kéo dài suốt gần 1 năm qua.

Ngọc Hà

diễn đàn kinh kế việt nam

Các tin tức khác

>   7 triệu euro thực hiện dự án “Hỗ trợ sử dụng quy mô điện gió” (17/01/2015)

>   Mua Nokia, Microsoft VN đã xuất khẩu được 2 tỉ đô la Mỹ (16/01/2015)

>   TPHCM: 15 doanh nghiệp trong KCX-KCN nguy cơ không thưởng Tết (16/01/2015)

>   "PVN cần bám sát diễn biến giá dầu để chủ động kinh doanh" (16/01/2015)

>   Lào Cai thiệt hại 11 tỷ đồng do mưa tuyết, băng giá và sương muối (16/01/2015)

>   Đơn hàng tăng mạnh, kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể trên 28 tỷ USD (16/01/2015)

>   Bộ Tài chính khẳng định cước vận tải giảm phù hợp (16/01/2015)

>   Việt Nam và Argentina tiếp tục phá kỷ lục về trao đổi thương mại (16/01/2015)

>   Mùa mua sắm cuối năm: Giá giảm sâu, nhưng chất lượng thả nổi (16/01/2015)

>   Nhiều kẽ hở trong cơ chế quản lý giá (16/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật