Thứ Sáu, 16/01/2015 06:52

Nhiều kẽ hở trong cơ chế quản lý giá

Những kẽ hở trong quản lý giá đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp vận tải (DNVT) "cố thủ" không chịu giảm giá cước hoặc có giảm cũng chỉ mang tính hình thức.

Trong khi đó, các ngành chức năng dù tuyên bố sẽ tập trung kiểm tra nhưng dường như chưa đưa ra được giải pháp xử lý hiệu quả nhằm kiểm soát tình trạng "lên nhanh, xuống chậm" của các DNVT.

"Sự im lặng đáng sợ"

Đó là bình luận của ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam trước việc giá xăng dầu liên tục giảm sâu nhưng giá cước vận tải giảm nhỏ giọt.

Ngày 6-1, giá xăng lại tiếp tục giảm với mức hơn 300 đồng/lít. Như vậy, tính đến thời điểm này, giá xăng đã giảm tới 35% so với mức ở giai đoạn cao nhất. Tuy nhiên, giá cước vận tải vẫn đang giảm nhỏ giọt. Điều này hoàn toàn trái ngược với các giai đoạn trước, khi xăng chỉ cần tăng giá 500-1.000 đồng/lít là các DNVT, nhất là DN kinh doanh taxi, lập tức điều chỉnh tăng giá cước. Thậm chí, còn có tình trạng lái xe taxi đình công đòi tăng giá cước hoặc điều chỉnh tỷ lệ ăn chia với hãng. Thực tế thì đã có một số hãng đã giảm giá cước nhưng không đáng kể. Suốt từ tháng 7-2014 đến nay, những DNVT đã giảm giá cũng chỉ phổ biến ở mức 2-5%, rất ít trường hợp giảm giá ở mức 8-10%.

Giá cước vận tải giảm không đáng kể. Ảnh: Gia Hiếu

Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, trong số 69/114 DN taxi trên địa bàn Thủ đô đăng ký giảm giá cước, thì hơn 50 đơn vị giảm 200-500 đồng/km (2-5%); 15 đơn vị giảm 800-1.000 đồng/km (5-8%). Chỉ có vài trường hợp giảm 1.200-1.500 đồng/km (10-11%). Các chuyên gia tính toán, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25-35% (xe chạy xăng); 35-45% (xe chạy dầu) giá thành cước vận tải. Như vậy, tới thời điểm này, giá cước vận tải có thể giảm 10-15%. Mỗi kilômét taxi có giá cước 12.000 đồng, tức là có khoảng 4.200 đồng tiền xăng dầu. Như vậy, taxi phải giảm 1.200-1.300 đồng/km thì mới phù hợp. Tương tự, xe khách chạy tuyến Nam Định - Hà Nội có giá cước 70.000 đồng, thì phải giảm 7.000-8.000 đồng/vé mới hợp lý.

Bên cạnh những DN giảm ít còn có DN áp dụng chiêu giảm mà không giảm để lừa khách hàng. Cụ thể là trước đây công bố giá mở cửa là 14.000 đồng cho 600m đầu tiên. Vừa qua, hãng tuyên bố giảm giá còn 12.000 đồng, nhưng chỉ tính cho 300m đầu tiên. Như vậy về bản chất thì giá ở 1km đầu tăng chứ không giảm. Cụ thể, với 1km đầu, giá cũ là 20.100 đồng nhưng giá mới là 21.800 đồng.

Quá nhiều kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng

Đại diện nhiều DNVT lý giải, việc giữ nguyên giá hoặc điều chỉnh giảm ít là do chi phí vận tải tăng, phần lớn hãng đều tập trung nâng cao dịch vụ nhằm phục vụ hành khách tốt hơn, đầu tư xe đắt tiền hơn (?).

Một DNVT chuyên chở hàng tuyến Hà Nội - Hải Phòng cho biết, công ty chưa có kế hoạch điều chỉnh giá cước dù đã ký kết nhiều hợp đồng vận chuyển cho năm 2015. Nguyên nhân là trước đây, một chuyến xe 50 tấn chạy Hà Nội - Hải Phòng, công ty thu của khách 7 triệu đồng, trừ các chi phí dọc đường, xăng xe, còn 2 triệu đồng trả lương lái xe, khấu hao sửa chữa và tích lũy. Từ khi Bộ GTVT siết chặt quản lý tải trọng xe, mỗi chuyến xe đó, DN chỉ thu được 5,5 triệu đồng nên phải "co kéo" các khoản để duy trì hoạt động. Nay xăng giảm, DN đã dễ thở hơn, nhưng lại đang phải bù đắp cho các giai đoạn trước nên khó có thể giảm giá cước.

Trước những thắc mắc về giá cước vận tải trong thời gian qua giảm chưa tương ứng với giá xăng, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng: Nhà nước đang quản lý giá theo Luật Giá với nguyên tắc tuân theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền cạnh tranh giá của các DN sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với cước vận tải, mặc dù không nằm trong danh mục quản lý giá nhưng Nhà nước đã kiểm tra thông qua cơ chế các DN phải công khai, niêm yết giá theo kê khai của Nhà nước. Vừa qua, Bộ GTVT quyết định thành lập các đoàn thanh tra giá cước vận tải tại 8 địa phương. Đoàn sẽ kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân để điều chỉnh cho phù hợp. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện ra những DN không thực hiện quản lý giá cước theo quy định, Bộ sẽ xử lý nghiêm. Còn nếu các DN có lý do chung thì Bộ cũng sẽ tìm ra nguyên nhân để đề xuất các ngành liên quan điều chỉnh và quản lý giá cho phù hợp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính các quy định về kiểm soát hiện nay đang tồn tại kẽ hở, qua đó tạo điều kiện cho các DNVT thao túng thị trường. Cụ thể, Nghị định số 177/2013/CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá cũng như Thông tư liên tịch 152 giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính chỉ quy định: DN nếu muốn điều chỉnh giá cước tăng quá 3% thì phải thực hiện kê khai lại. Nghĩa là 2 bộ mới chỉ tính đến chiều hướng khi xăng tăng mà chưa tính tới chiều hướng giảm.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Hưng, chúng ta phải làm như các nước khác là chốt giá thành cộng với lãi một cách hợp lý để đưa ra giá bán. Không thể chấp nhận xăng dầu hạ kéo dài, DN lãi thời gian dài mà không chịu kéo giá xuống. Vai trò của các cơ quan quản lý giá và các hiệp hội vận tải khá mờ nhạt trong nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Muốn khắc phục được tình trạng này, phải có sự can thiệp sớm của cơ quan chức năng và sự tham gia tích cực của các hiệp hội vận tải để điều chỉnh cho phù hợp.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, có thể cân nhắc đưa cước vận tải vào diện bình ổn giá. Sau một thời gian, nếu giá ổn định hơn có thể xem xét đưa ra ngoài danh mục. Ngoài ra, một giải pháp khác nhằm thúc đẩy giảm cước vận tải là phải tạo được môi trường cạnh tranh thực sự, bởi chỉ khi có nhiều đối thủ cạnh tranh với giá rẻ hơn thì DN mới buộc giảm giá. Nếu không áp dụng các giải pháp như đã đề xuất thì bắt buộc cơ quan quản lý nhà nước phải có những chế tài mạnh đối với DN cố tình không giảm giá cước.

Ngày 15-1, trao đổi với PV Báo Hànộimới, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, sau khi giá xăng dầu trong nước giảm liên tục, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai công tác quản lý giá cước vận tải bằng ô tô đến các DN kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước. Từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở GTVT, Cục Thuế và Công an TP Hà Nội tổ chức nhiều đợt thanh - kiểm tra về giá cước vận tải, góp phần bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Tuấn Lương - Hương Ly

hà nội mới

Các tin tức khác

>   Công bố quy hoạch khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao (16/01/2015)

>   Hoa quả Việt dồn dập xuất khẩu (16/01/2015)

>   Dalat milk: Mỗi ngày đổ bỏ tới 4 tấn sữa (15/01/2015)

>   Vinalines phục hồi nhanh hơn dự kiến (15/01/2015)

>   Trung Hòa, Mỹ Đình: Tàn giấc mộng thiên đường mua sắm (15/01/2015)

>   VNPT bước vào giai đoạn 2 của tái cơ cấu (15/01/2015)

>   Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (15/01/2015)

>   Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng của doanh nghiệp Thái Lan (15/01/2015)

>   Vietnam Airlines khai thác sân bay mới ở Anh (15/01/2015)

>   Siêu lợi nhuận từ thuốc lá lậu “bóp nghẹt” sản xuất trong nước (15/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật