Cải cách thể chế: Một năm thực hiện Thông điệp của Thủ tướng
Đầu năm 2014, trong thông điệp gửi tới nhân dân cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Việt Nam đang cần nguồn lực mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân.
Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh
|
Thể hiện quyết tâm bằng hành động
Không dừng lại ở lời nói, 12 tháng qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã rốt ráo hiện thực hóa quyết tâm của mình bằng việc ban hành nhiều nghị quyết, thông tư. Ngày 18/3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về một số nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với mục tiêu đến hết năm 2015, các chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam phải đạt tối thiểu bằng mức bình quân của nhóm nước ASEAN- 6. Theo đó, thời gian hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu phải giảm từ 22 ngày xuống 14 ngày; thời gian nộp thuế giảm từ 872 giờ xuống 171 giờ/năm; thủ tục khởi sự doanh nghiệp giảm từ 10 xuống còn 4 hoặc 3 cùng mức thời gian là 6 ngày thay vì 34 ngày như hiện nay; thời gian tiếp cận điện năng giảm xuống tối đa là 70 ngày thay vì 115 ngày…
Sau đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC để sửa đổi nhiều quy định hiện tại về cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, giúp doanh nghiệp giảm chi phí thông qua cải cách thủ tục hành chính chuyên sâu theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Một cải cách có ý nghĩa đột phá khác trong năm nay là việc Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã được Quốc hội thông qua. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh bình luận: “Hai luật này đã thực hiện một cách quyết liệt tư tưởng đổi mới của Hiến pháp, cũng như tư tưởng đổi mới của cải cách thể chế kinh tế. Nó chính là hiện thân, là hành động của cải cách thể chế kinh tế”.
“Trọng tâm của trọng tâm, đột phá của đột phá”
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Chất lượng thể chế không chỉ tác động như một yếu tố tự thân mà còn có tính quyết định đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia.
|
Tại Diễn đàn Đối tác phát triển 2014, một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khẳng định mạnh mẽ cam kết của Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn để đẩy mạnh cải cách thể chế. Cũng tại đây, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ với các đối tác quốc tế: "Trong hai năm 2015 - 2016, cải cách thể chế sẽ trở thành nhiệm vụ trọng tâm của trọng tâm, đột phá của đột phá trong tái cơ cấu nến kinh tế”.
Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện các giải pháp cụ thể, gồm: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh, hiện thực hóa những thay đổi của Hiến pháp 2013; thực hiện hiệu quả các luật về kinh doanh, đầu tư, doanh nghiệp vừa ban hành; xây dựng thể chế hình thành và vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh; cải cách quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tương ứng; giảm mạnh chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; tiếp tục tăng cường nguyên tắc cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường; ban hành mới và bổ sung sửa đổi các quy định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013.
Vào đầu những năm 1990, Việt Nam đã thực hiện thành công cải cách thể chế khi xóa bỏ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, công nhận về pháp lý kinh tế tư nhân, thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài và tự do hóa thương mại… Những năm sau đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Hơn 20 năm sau, lịch sử sẽ lặp lại như thế nào? Tất cả trông chờ vào hiệu quả quá trình cải cách thể chế lần này của đất nước.
Nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh đã được ban hành
|
Nguyễn Phượng
công thương
|