Thứ Tư, 31/12/2014 10:39

Nhập siêu năm 2015 - Cần thiết cho nền sản xuất phát triển

Sau 3 năm xuất siêu liên tiếp, năm 2015 nhiều cơ sở cho thấy Việt Nam sẽ nhập siêu. Tuy nhiên, việc nhập siêu này là cần thiết cho một nền kinh tế đang có sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhằm đảm bảo cho một nền sản xuất trong nước phát triển.

Những quan ngại về việc nhập siêu trong năm 2015

Trước thông tin dự báo: năm 2015, Việt Nam có thể nhập siêu từ 6 - 8 tỷ USD, nhiều ý kiến băn khoăn quan ngại rằng, rất nhiều năm, Việt Nam mới có thể thay đổi cán cân thương mại, tuy xuất siêu mới ở mức khiêm tốn nhưng cũng cho thấy ngày càng nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo được thương hiệu trên thị trường thế giới. Do vậy, “ngắt” đà xuất siêu nếu không khéo sẽ phải mất nhiều năm mới xây dựng lại thặng dư cán cân thương mại đó.

Mặt khác, những lo lắng về hàng xa xỉ, hàng tiêu dùng vẫn đang được nhập khẩu (NK) nhiều về Việt Nam. Nhất là sự NK ồ ạt trở lại của các dòng xe sang cũng góp phần không nhỏ trong việc làm hao hụt ngoại tệ của nền kinh tế. Tính chung cả năm 2014, số lượng xe nguyên chiếc NK về Việt Nam tăng 108%; kim ngạch tăng 109% so với năm 2013. Cùng đó, mặt hàng điện thoại di động, các loại máy tính, linh kiện điện tử nhập về cũng tăng đáng kể.

Việc nhập siêu trở lại trong 2015 sẽ khiến Việt Nam phải đối mặt nhiều vấn đề lớn như sự chuyển dịch từ sản xuất sang thương mại. Sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của các DN sản xuất trong nước sẽ ngày càng yếu đi. Những vấn đề trên không dễ giải quyết, nếu chiếu theo cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Một trong những quan ngại nữa, đó là, dự báo XK năm 2015 sẽ không có đột biến, đạt khoảng 163 tỷ USD, vì một số mặt hàng có lợi thế của Việt Nam đã đến ngưỡng như: gạo, cà phê, hạt tiêu… Đó là chưa kể dầu thô, mặt hàng XK lớn nhất cũng đã khai thác đến ngưỡng và sự biến động mạnh về giá càng cho thấy XK chung của cả nước khó có thể vượt trội so với NK.

Sẽ có sự kiểm soát chặt chẽ về nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch XK hàng hóa năm 2014 của Việt Nam là 150 tỷ USD; NK là: 148 tỷ USD. Cơ quan điều hành dự báo: năm 2015, kim ngạch XK của Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD, tăng 10%, nhưng NK sẽ tăng cao hơn, nhập siêu sẽ ở mức 6 - 8 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo phân tích của Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải thì việc chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu trong năm 2015 là điều cần thiết đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, hiện nay xuất siêu vẫn chủ yếu là từ khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), song nếu ngược lại mấy năm về trước thì thấy tình hình đang thay đổi khi khối FDI đang giảm tỷ lệ xuất khẩu (XK) theo từng năm. Nếu như năm 2012, XK tăng 31%, đến 2013 đã giảm xuống 22%, riêng năm 2014 chỉ còn 12,1%. Thực tế cho thấy, bản thân các doanh nghiệp FDI đã đến ngưỡng bởi họ có công suất và làm theo lợi nhuận nhất định, chứ không phải năm nào cũng tăng hơn năm trước.

Thứ hai, việc tăng nhập siêu cũng còn xuất phát từ việc hiện nay do triển vọng thu hút đầu tư từ các hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết, Việt Nam đang trở thành nước có sức hút đối với nhiều dự án đầu tư nước ngoài, cụ thể như năm 2013 - 2014, nhiều dự án “khủng” đã có mặt tại Việt Nam, do đó việc nhập khẩu các thiết bị, máy móc và nguyên phụ liệu cho các dự án này rất lớn, chắc chắn sẽ đẩy kim ngạch NK lên cao.

Thứ ba, theo nhận định, năm 2015 XK của các doanh nghiệp FDI sẽ không tăng nhiều như những năm trước. Nguyên nhân là từ trước đến nay, lĩnh vực có mức tăng trưởng XK lớn chủ yếu là điện thoại di động, linh kiện điện tử… thế nhưng mặt hàng này cũng đang giảm dần tỷ lệ.

Thứ tư, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại biển Đông khiến các DN nước ta có xu hướng chủ động đa dạng hóa nguồn NK, bớt tỷ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá máy móc, thiết bị từ các nước khác như EU, Mỹ, Nhật hoặc Ấn Độ có chất lượng tốt, giá cao nên chắc chắn số tiền NK sẽ lớn hơn...

Với những phân tích nêu trên, nhất là để năm 2020 cân bằng được cán cân thương mại thì việc Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ năm 2015 nhập siêu khoảng 6 - 8 tỷ USD là hợp lý. Tuy nhiên, để có thể giải quyết được những quan ngại về việc không kiểm soát tốt những mặt hàng cần hạn chế NK, Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường công tác rà soát từng nhóm mặt hàng, trên cơ sở đó có những điều hành phù hợp với các cam kết thương mại cũng như góp phần khôi phục và thúc đẩy sản xuất trong nước, giúp các DN tăng sức cạnh tranh trong những năm tới.

Quỳnh Minh

công thương

Các tin tức khác

>   PVN mất 230.000 tỉ đồng nếu giá dầu chỉ 60 USD/thùng (31/12/2014)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra dọa đóng cửa (31/12/2014)

>   Đề xuất gia hạn “hàng tồn” cá tra không đáp ứng Nghị định 36 (31/12/2014)

>   Cuộc chơi làm nhãn hàng riêng siêu thị (31/12/2014)

>   PVEP khai thác được gần 3.85 triệu tấn dầu trong năm 2014 (30/12/2014)

>   Xuất khẩu rau và hoa quả tăng trưởng khá, đạt gần 1,5 tỷ USD (30/12/2014)

>   Năm 2015, Việt Nam phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế (30/12/2014)

>   EVN khẳng định lượng điện nhập từ Trung Quốc sẽ giảm mạnh (30/12/2014)

>   Giá thành rẻ, EVN lãi 4.900 tỷ: Điện hoãn tăng giá? (30/12/2014)

>   Năm 2014, hàng không nội địa tiếp tục tăng trưởng mạnh (30/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật