Các đồng tiền châu Á giảm 5 tháng liên tiếp, đợt rớt giá dài nhất từ năm 1998
Tuy nhiên. đồng VNĐ của Việt Nam tăng 0.2% trong tháng 1/2015
Các đơn vị tiền tệ của các thị trường mới nổi châu Á sắp khép lại tháng giảm giá thứ 5 liên tiếp, đợt giảm giá dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính tại khu vực này vào năm 1998. Động thái nới lỏng tiền tệ của các quốc gia như Ấn Độ và Singapore đã thúc đẩy nhu cầu mua vào đồng USD.
* NHTW thứ 9 trên thế giới bất ngờ nới lỏng tiền tệ trong tháng 1/2015
* Chưa đầy 2 tuần, NHTW Đan Mạch 3 lần hạ lãi suất
* ECB chính thức tung gói QE "khủng" hơn dự báo
* Thêm một NHTW giảm lãi suất sốc trước khi ECB tung gói QE
Bloomberg-JPMorgan Asia Dollar Index, chỉ số theo dõi 10 đơn vị tiền tệ được giao dịch nhiều nhất của khu vực (trừ đồng JPY) đã giảm 0.4% trong tháng 1 tính đến thời điểm 11h51 (theo giờ Hồng Kông), qua đó nâng tổng mức sụt giảm từ tháng 8/2014 đến nay lên 3.7%.
Tại cuộc họp chính sách mới nhất kết thúc hôm thứ Tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng đánh giá về nền kinh tế Mỹ đồng thời tái khẳng định cam kết “kiên nhẫn” với việc nâng lãi suất. Bên cạnh đó, báo cáo trong tháng 1 cho thấy số đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp suy giảm và tuyển dụng gia tăng.
Cùng ngày thứ Tư, Ủy ban Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết sẽ làm chậm tốc độ tăng tỷ giá so với giỏ tiền tệ và trở thành ngân hàng trung ương thứ 9 trên thế giới nới lỏng chính sách trong tháng này.
Chiến lược gia Jonathan Cavenagh tại Westpac Banking Corp. (Singapore) nhận định: “NHTW Mỹ dường như là một trong số ít các NHTW trên thế giới dự định nâng lãi suất trong năm nay. Trong khi đó, các biện pháp nới lỏng tiền tệ mới từ các NHTW khác như MAS khiến các thị trường bất ngờ”.
Trước MAS, NHTW các nước Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Canada và Peru đồng loạt hạ lãi suất đột ngột trong tháng này. Điều đó cho thấy các NHTW toàn cầu đang tìm cách khôi phục đà tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát tiếp tục suy yếu. Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng chính thức tung ra chương trình nới lỏng định lượng (QE) với quy mô lớn hơn kỳ vọng và theo dự báo gói kích này sẽ khiến đồng EUR rớt giá mạnh.
Điểm qua diễn biến của một số đơn vị tiền tệ châu Á trong tháng 1/2015, đồng ringgit của Malaysia giảm 3.5%, đà sụt giảm mạnh nhất trong số các đồng tiền khu vực. Được biết, đà lao dốc 15% của giá dầu Brent trong tháng qua đã khiến triển vọng kinh tế Malaysia trở nên tồi tệ vì đây là nước nhập khẩu ròng dầu thô.
Đồng đôla Singapore cũng hạ 1.9%, đồng rupiah của Indonesia mất 1.8% và đồng won của Hàn Quốc lùi 0.4%. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu 0.8% và đang hướng đến tháng giảm giá thứ 3 liên tiếp sau báo cáo cho thấy lợi nhuận của lĩnh vực công nghiệp giảm mạnh nhất trong ít nhất 3 năm trong tháng 12/2014 và dự trữ ngoại hối của nước này giảm tháng thứ 4.
Trái lại, giá dầu rẻ hơn đã thúc đẩy đồng nội tệ của Ấn Độ và Philippines với việc đồng rupi tăng 2% và đồng peso tiến 1.4% trong tháng 1. Đồng đôla của Đài Loan cũng tăng 0.5%, đồng baht của Thái tiến 0.6% và VNĐ của Việt Nam nhận 0.2%.
Phước Phạm (Theo Bloomberg)
|