Thứ Sáu, 30/01/2015 13:44

UNCTAD: Kinh tế suy thoái, FDI toàn cầu giảm 8% năm 2014

Theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) được công bố ngày 29/1, trong năm 2014, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 8% xuống 1.260 tỷ USD do tình trạng "mong manh" của nền kinh tế thế giới, những rủi ro địa chính trị và các chính sách thiếu ổn định.

FDI chảy vào các nước phát triển giảm 14% xuống 511 tỷ USD với những ảnh hưởng đáng kể của việc thoái vốn lớn tại Mỹ.

FDI đổ vào Liên minh châu Âu (EU) ước đạt 267 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2013, nhưng vẫn chỉ bằng một phần ba so với thời kỳ đỉnh điểm năm 2007.

FDI chảy vào Nga ước tính đã giảm hơn 70% xuống còn 19 tỷ USD, khi hầu hết công ty dầu khí lớn có trụ sở tại các nước phát triển đã hủy bỏ hoặc rút lại các khoản vốn đầu tư vào Nga.

Còn tại Ukraine, vốn FDI bị âm 0,2 tỷ USD, trong khi lại tăng ở Kazakhstan và Azerbaijan.

Trong khi đó, FDI vào các nền kinh tế đang phát triển ghi nhận một mức cao mới với 700 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2013, chiếm 56% thị phần toàn cầu.

Ở cấp độ khu vực, dòng vốn chảy vào khu vực châu Á đang phát triển tăng, còn đến châu Phi vẫn giữ nguyên, trong khi FDI vào khu vực Mỹ Latinh lại giảm.

Năm 2014, tuy với mức tăng khiêm tốn 3% lên 128 tỷ USD, nhưng Trung Quốc vẫn trở thành nước nhận FDI lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ trượt xuống vị trí thứ ba.

Trong số 5 nước nhận FDI hàng đầu trên thế giới, có bốn nước thuộc các nền kinh tế đang phát triển.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á đang phát triển chậm lại, nhưng dòng vốn FDI vẫn vững. Theo ước tính ban đầu, tổng vốn đổ vào 40 nền kinh tế trong khu vực đã tăng 15% lên mức cao kỷ lục 492 tỷ USD trong năm 2014.

Trong số đó, các nước ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á đạt mức tăng (vốn FDI) nhanh, còn những nước ở Tây Á luồng vốn FDI lại giảm. Đáng chú ý, dòng vốn FDI đổ vào Ấn Độ đã tăng khoảng 26% lên 35 tỷ USD, bất chấp những bất ổn kinh tế vĩ mô và các rủi ro tài chính.

FDI cũng tăng ở một số nền kinh tế Đông Nam Á như Myanmar, Indonesia và Thái Lan, song lại giảm ở Campuchia và Việt Nam.

FDI đổ vào Tây Á tiếp tục xu hướng đi xuống trong sáu năm liên tiếp với mức giảm 4% xuống 44 tỷ USD trong năm 2014.

Tình hình an ninh trong khu vực này đã làm nản chí các nhà đầu tư, với FDI không chỉ giảm ở các nước bị ảnh hưởng trực tiếp - như Iraq, Syria và Yemen - mà còn ở các nước láng giềng.

FDI vào châu Phi đã giảm 3% xuống còn khoảng 55 tỷ USD, chủ yếu là sự sụt giảm vốn đầu tư vào Bắc Phi.

Sau 4 năm tăng liên tiếp, FDI vào Mỹ Latinh ước tính giảm 19% xuống còn 153 tỷ USD trong năm 2014. Điều này chủ yếu là hậu quả của việc suy giảm các hoạt động mua bán - sáp nhập cũng như việc giảm đầu tư vào các ngành công nghiệp khai khoáng do giá hàng hóa thấp hơn.

Theo UNCTAD, xu hướng dòng vốn FDI toàn cầu cũng không chắc chắn trong năm 2015.

Tình trạng dễ bị tổn thương của nền kinh tế thế giới với tốc độ tăng trưởng chậm sẽ hạn chế nhu cầu của người tiêu dùng, trong khi những biến động trên thị trường tiền tệ và bất ổn địa chính trị sẽ gây cản trở đối với các nhà đầu tư.

Việc giá hàng hóa đi xuống sẽ khiến đầu tư thấp hơn trong các ngành dầu mỏ, khí đốt và một số ngành công nghiệp khác.

Đối với các nước phát triển, sự phân kỳ tăng trưởng kinh tế giữa Mỹ, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Nhật Bản sẽ dẫn đến các mô hình FDI khác nhau.

Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng chậm hơn ở một số thị trường mới nổi và các cuộc xung đột khu vực có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư.

Tố Uyên

vietnam+

Các tin tức khác

>   Ngoại trưởng EU nhất trí mở rộng danh sách trừng phạt nhằm vào Nga  (30/01/2015)

>   Dầu đảo chiều tăng nhẹ sau khi chạm đáy mới 6 năm dưới 44 USD/thùng (30/01/2015)

>   Vàng ngã nhào hơn 30 USD/oz, mạnh nhất 13 tháng (30/01/2015)

>   Chưa đầy 2 tuần, NHTW Đan Mạch 3 lần hạ lãi suất (30/01/2015)

>   Các đại gia năng lượng Shell, Gazprom đều báo lợi nhuận giảm (30/01/2015)

>   Giới chuyên gia Nga đưa ra dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô (30/01/2015)

>   Nga sẽ chi 35 tỷ USD chặn đứng khủng hoảng kinh tế (29/01/2015)

>   Những thương vụ lớn của Maybank Kim Eng năm 2014 (29/01/2015)

>   ILO: Kế hoạch đầu tư của EC có thể tạo hơn 2,1 triệu việc làm (29/01/2015)

>   Vàng giảm sau thông báo chính sách của Fed (29/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật