Xem xét giảm trần giá vé máy bay
Giá dầu thô giảm mạnh kéo theo xu hướng giảm giá của nhiều mặt hàng, dịch vụ. Cục Hàng không cũng đang xem xét khả năng điều chỉnh giá trần vé máy bay.
Ông Lưu Thanh Bình, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam, cho biết giá nhiên liệu bay không giảm mạnh như dầu thô. Cụ thể, giá dầu thô đã giảm xuống mức dưới 70 USD/thùng, thấp nhất từ năm 2009 đến nay nhưng xăng Jet A1 hiện vẫn đứng quanh mức 80 USD/thùng.
Các hãng chưa đề xuất
Tại thời điểm tăng trần giá vé máy bay gần đây nhất, tháng 12-2011, giá dầu thô ở mức 125 USD/thùng nhưng giá hạch toán của các hãng hàng không là 118 USD/thùng. Chi phí nhiên liệu hiện chiếm 30%-40% tổng chi phí của các hãng hàng không, tùy mô hình khai thác. Hiện nay, giá dầu thô đã giảm rất mạnh nên Cục Hàng không đang xem xét khả năng giảm trần giá vé máy bay trên các đường bay nội địa còn vị thế độc quyền.
Trong tuần này, Cục Hàng không sẽ gửi văn bản yêu cầu các hãng tính toán lại chi phí, từ đó xem xét lại mức trần giá vé có còn phù hợp hay không, đồng thời trao đổi với Bộ Tài chính về khả năng điều chỉnh. “Thực tế, các hãng hàng không chủ yếu bán ở các mức giá thấp, số lượng vé bán được ở mức trần rất ít vì thị trường có cạnh tranh” - ông Bình cho biết.
Hành khách làm thủ tục mua vé máy bayẢnh: Ngọc Thúy
|
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho rằng việc xem xét giảm trần giá vé máy bay phải dựa trên đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải. Vừa qua, Bộ Tài chính mới chỉ “nhắc” giảm giá cước đường bộ.
Trong khi đó, các hãng hàng không cho biết giá vé máy bay vẫn âm thầm giảm. Theo đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific (JPA), chi phí xăng dầu hiện chiếm 42% tổng chi phí của hãng. Vì thế, giá dầu giảm là tín hiệu tốt để giảm chi phí, góp phần cải thiện chênh lệch với doanh thu trong bối cảnh cạnh tranh và đặc thù của hàng không nội địa.
Cơ cấu giá vé của JPA có 12 loại, được phân phối từ thấp đến cao, trong đó mức giá sát trần chỉ bán được dưới 1%. Năm 2014, mức giá vé bình quân của JPA đã giảm trung bình khoảng 10%, riêng những tháng cuối năm giảm tới 20% so với cùng kỳ năm 2013 do tác động giảm giá nhiên liệu.
Đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), VietJet Air (VJA) cũng cho biết chưa đề xuất giảm trần giá vé máy bay. Trong thực tế, các hãng phải “nhìn nhau” và căn cứ vào sức mua để làm chính sách giá, chưa bao giờ sử dụng hết biên độ giá cho phép. Do đó, nếu điều chỉnh giá trần, cơ cấu giá cũng không biến đổi nhiều vì giá vé đã rất linh hoạt. Tại các hãng giá rẻ, khả năng bán được vé sát giá trần rất ít, như ở JPA chỉ chiếm khoảng 1%.
Vé Tết nhiều mức dưới 3 triệu đồng/lượt
Vào tháng 9-2014, các hãng hàng không đã rục rịch mở bán vé Tết Ất Mùi với mức giá cao nhất khởi hành trong ngày 17-2-2015 (28 Tết - cao điểm nhất) lên đến 3,624 triệu đồng/lượt chặng TP HCM - Hà Nội (đã bao gồm thuế, phí).
Thế nhưng, theo khảo sát của chúng tôi tại các website của cả 3 hãng VNA, VJA và JPA vào ngày 15-12, mức giá vé cao nhất chỉ còn 3,287 triệu đồng/lượt. Dù là ngày cao điểm nhất nhưng hành khách vẫn có cơ hội mua vé 2,753 triệu đồng/lượt nếu bay với JPA hoặc 2,786 triệu đồng/lượt nếu bay với VJA.
Theo quy định của Bộ Tài chính, hiện giá vé trần trên đường trục Hà Nội - TP HCM là 3,4 triệu đồng/lượt, nếu tính đủ thuế, phí là 3,87 triệu đồng. Trong khi đó, giá vé trần cao nhất mà VNA đang áp dụng là 3,067 triệu đồng/lượt và dịp Tết là 3,287 triệu đồng. Giá vé cao nhất JPA đang bán là 2,8 triệu đồng/lượt. VJA cũng đang bán vé thấp hơn từ 10%-20% so với giá trần, tùy đường bay.
Nhiều đường bay đã bán hết 80%-85% vé Tết
Đại diện VJA cho biết đến nay, hầu hết các chuyến bay Tết đã lấp đầy 80%-85% chỗ, như đường bay từ TP HCM đi Huế, Quy Nhơn. Đây cũng là đường bay đang có tình trạng khan hiếm cục bộ do khách tập trung mua vé trong vài ngày cận Tết.
Tổng tải cung ứng của VJA trong giai đoạn Tết Ất Mùi tăng trung bình 5%. Một số đường bay có nhu cầu đi lại tăng tới 50% số chỗ, đặc biệt là đến miền Trung, Tây Nguyên.
|
Phương Anh
người lao động
|