Vụ Huyền Như: Đề nghị làm rõ số tiền nặng lãi là 734 hay 414 tỷ đồng?
Ngày 24-12, phiên xử phúc thẩm Huyền Như và các đồng phạm lừa đảo 4.000 tỷ đồng bước vào phần tranh luận sau nhiều ngày xét hỏi.
Mở đầu phần tranh luận, VKS tiến hành việc luận tội xem xét các kháng cáo, kháng nghị liên quan đến bản án sơ thẩm mà TAND TP.HCM tuyên vào đầu năm 2014.
Bị cáo Huyền Như tại phiên tòa. Ảnh: HOÀNG YẾN
|
Theo đó, có một kháng nghị yêu cầu tăng hình phạt về tội lừa đảo đối với hai bị cáo Đào Thị Tuyết Dung (đại gia cho Như vay nặng lãi, giúp sức Như lừa 15 tỷ của Ngân hàng VIB, án sơ thẩm tuyên phạt 10 năm tù) và Võ Anh Tuấn (Phó Giám đốc VietinBank CN Nhà Bè, giúp sức cho Như lừa đảo nhiều công ty, ngân hàng hơn 1.600 tỷ, án sơ thẩm tuyên 20 năm tù). Ngoài ra, có 60 kháng cáo của 20/23 bị cáo, các nguyên đơn dân sự, người bị hại và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Việc kháng cáo xoay quanh các vấn đề Huyền Như và các đồng phạm lừa đảo các công ty, ngân hàng; Việc cho vay nặng lãi của hai bị cáo Dung và Nguyễn Thiên Lý; Việc lợi dụng chức vụ của bị cáo Phạm Anh Tuấn (Giám đốc Công ty CPVT Dầu khí Thái Bình Dương) và việc thiếu trách nhiệm của các bị cáo cán bộ nhân viên VietinBank thuộc phòng GD Võ Văn Tần; Việc vi phạm về quy định cho vay của 10 bị cáo công tác tại VietinBank thuộc hai Phòng GD Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng cùng vấn đề kê biên các tài sản trong vụ án.
Theo công tố, chị gái Huyền Như, bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh, bị án sơ thẩm tuyên phạt 14 năm tù do có vai trò giúp sức em gái trong phi vụ lừa đảo khi đảm nhiêm chức danh Phó giám đốc công ty riêng của Như. Trong vụ án này, bị cáo không tư lợi và có nhiều tình tiết giảm nhẹ được án sơ thẩm xem xét. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo có thêm tình tiết phạm tội trong thời gian mang thai nhưng với hậu quả vụ án gây ra cũng không thể xem xét giảm nhẹ cho bị cáo này.
Đại gia cho Như vay nặng lãi bị đề nghị tăng án vì giúp sức lừa đảo. Ảnh: Hoàng Yến
|
Còn bị cáo Dung trong tội lừa đảo được án sơ thẩm xử phạt dưới khung là chưa nghiêm, không công bằng với các bị cáo khác trong vụ án, bởi vậy cần tăng án. Đồng thời kháng cáo của nữ đại gia Thiên Lý cho Như vay nặng lãi yêu cầu huỷ án phần tuyên thu lợi bất chính điều tra xét xử được VKS đề nghị toà chấp nhận. Vì số liệu KLĐT và cáo trạng số tiền thu lợi bất chính là 734 tỷ, án sơ thẩm xác định lại 414 tỷ (chỉ dựa vào lời khai cuối cùng và duy nhất của bị cáo) là mâu thuẫn và có chênh lệch rất lớn.
Cùng với đó, lời khai tại phiên phúc thẩm thấy quá trình điều tra chưa làm rõ một số khoản tiền Lý chuyển cho Như. Như vậy ngoài việc chênh lệch con số quá lớn thì chứng cứ trong vụ án chưa rõ. Cấp phúc thẩm không tự bổ sung đựợc cần huỷ điều tra lại khoản thu lợi bất chính có căn cứ cần được chấp nhận. Các kháng cáo liên quan đến tài sản bị kê biên của bị cáo này và người thân bị đề nghị bác
Toà tạm nghỉ, sau giải lao, công tố sẽ tiếp tục phần luận tội.
Hoàng Yến
pháp luật tphcm
|