UBCKNN sẽ tham gia bình chọn Báo cáo thường niên năm 2015
UBCK đang có dự thảo văn bản mới siết chặt việc công bố thông tin của DNNY, trong đó sẽ đưa ra quy định chế tài đối với doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin mang tính đối phó.
Để khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) nâng cao tính chuyên nghiệp, sáng tạo và chuẩn mực, minh bạch trong việc xây dựng báo cáo thường niên (BCTN), Cuộc thi bình chọn Báo cáo thường niên năm 2015 đã được khởi động ngày 05/12/2014. Đây là lần thứ 8 của cuộc bình chọn, năm nay các tiêu chí bình chọn sẽ được nâng cao và khắt khe hơn khi có sự tham gia đại diện của UBCKNN.
Theo đó, cuộc bình chọn sẽ loại trừ các BCTN thiếu một trong những nội dung trọng yếu; DNNY vi phạm quy định về công bố thông tin từ hình thức nhắc nhở trên thị trường trở lên tính từ ngày 01/01/2014 đến thời điểm xét trao giải (tháng 7/2015); các DNNY có ý kiến loại trừ của kiểm toán trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014. Được biết, tỷ lệ DNNY có ý kiến loại trừ của kiểm toán thường chiếm khoảng 30-35%.
Dự kiến tính đến 20/04/2015, thời hạn chót DNNY nộp BCTN lên Sở GDCK sẽ có khoảng 700 DNNY được hai Sở đưa vào xét trong cuộc bình chọn. Tiêu chí đánh giá lần này dựa trên cách doanh nghiệp công bố thông tin chứ không phải dựa vào kết quả kinh doanh.
Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên năm 2015 được chính thức phát động vào ngày 05/12/2014. Dự kiến sẽ có 700 Doanh nghiệp niêm yết tham gia, kết quả sẽ được công bố vào tháng 7/2015.
|
Đánh giá BCTN các năm trước, đại diện Sở GDCK TPHCM (HOSE), bà Trần Anh Đào cho biết vấn đề rủi ro của doanh nghiệp được đề cập rất chung chung, không có phân tích cụ thể những rủi ro nào tác động đến hoạt động kinh doanh và biện pháp quản trị rủi ro. Bên cạnh đó thì báo cáo về tình hình thực hiện các dự án đầu tư của doanh nghiệp cũng chưa rõ ràng, có những dự án không đảm bảo tiến độ, dời lại qua năm sau nhưng doanh nghiệp lại không giải thích tại sao cho nhà đầu tư biết.
Mặt khác, báo cáo của HĐQT hay Ban Giám đốc cũng rất chung chung, không đánh giá được hiệu quả làm việc của Ban quản trị, điều hành, đây là điều các doanh nghiệp hay gặp phải, bà Đào chia sẻ. Đáng chú ý là vấn đề về lương thưởng, chỉ nêu lên tổng lương chứ không công bố cụ thể từng thành viên như thế nào, các cuộc họp HĐQT cũng không rõ ràng về thời gian tổ chức, có những tham gia đóng góp nội dung như thế nào.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết có nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng hoặc không được đào tạo bài bản nên xây dựng BCTN như một thủ tục đối phó, né tránh một số vấn đề của Ban lãnh đạo như quản trị rủi ro, định hướng chiến lược, kế hoạch hoạt động trong năm tới.
Trước tình hình này, Tiến sỹ Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường chứng khoán - UBCKNN cho biết, hiện UBCK đang có dự thảo văn bản mới siết chặt việc công bố thông tin của DNNY. Trong đó sẽ đưa ra quy định chế tài đối với doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin mang tính đối phó. Nếu doanh nghiệp tăng được tính minh bạch, phổ quát và gồm cả ngôn ngữ tiếng Anh trong các báo cáo, thì có thể nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và lọt vào chỉ số MSCI, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.
Vụ trưởng Nguyễn Sơn cũng cho hay, ngoài yếu tố lợi nhuận thì tính cộng đồng, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường nhân sinh là yếu tố mà các doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển đang hướng tới. Theo đó thìThông tư 52 về công bố thông tin sẽ được xây dựng một mô hình mẫu dựa trên tiêu chuẩn của MSCI để bắt buộc, khuyến cáo các doanh nghiệp đưa vào BCTN một số tiêu chí của báo cáo phát triển bền vững.
Bên cạnh đó trong Thông tư 52, quản trị rủi ro doanh nghiệp sẽ là yếu tố bắt buộc, đặc biệt là sau khủng hoảng kinh tế. Doanh nghiệp cần nhận diện rủi ro trong năm và dự báo trong năm tới một cách rõ ràng thay vì thực hiện mang tính chất đối phó.
Hiện UBCK đang hoàn thiện xây dựng hai văn bản gồm thông tư thay thế Thông tư 52 về công bố thông tin và thay thế Thông tư 121 về quản trị công ty. Bên cạnh đó Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới được Quốc hội thông qua sẽ có nhiều thay đổi hướng tới việc bảo vệ cổ đông nhỏ. Quyết định 51 về cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước thể hiện quyết tâm của Chính phủ về vấn đề cải cách và đưa doanh nghiệp lên sàn nhằm tăng tính minh bạch cho nền kinh tế.
Sắp tới các Tập đoàn, Doanh nghiệp Nhà nước cũng sẽ thực hiện công bố thông tin như các DNNY.
Tiêu chuẩn hoàn thiện nhất mà một BCTN hướng đến là báo cáo phát triển bền vững (Sustainability Reporting Awards – SRA), đây là điều mà các tập đoàn đa quốc đang quan tâm thực hiện. Báo cáo này đòi hỏi đầu tư nhiều về chiến lược và tuân thủ chuẩn mực quốc tế chuyên biệt như chuẩn mực IFC, GRI (Global Reporting Intitative)… Trong đó sẽ phân tích lợi ích của các bên liên quan để biết được vị trí mà doanh nghiệp tác động trên thị trường. Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tuân theo những tiêu chuẩn trên như VNM, BVH.
Tuy nhiên việc công bố thông tin, đặc biệt là về chiến lược phát triển kinh doanh sẽ dễ bị đối thủ cạnh tranh biết được các bí mật kinh doanh. Trước rủi ro này, Vụ trưởng Nguyễn Sơn cho biết trong một chừng mực nào đó doanh nghiệp phải công bố thông tin theo những tiêu chí nhất định, đồng thời cũng cần bảo lưu một số thông tin để tránh bị đối thủ dòm ngó.
|
Trần Hạnh
|