Tp. Hồ Chí Minh: Tồn kho bất động sản đã giảm
Dù tổng thể thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn nhiều khó khăn nhưng trong năm 2014 lượng BĐS tồn kho tại TP.HCM đã được giải quyết đáng kể.
Tồn kho BĐS đã giảm
|
Ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, năm 2014, thị trường BĐS thành phố đã tiếp đà hồi phục với số lượng giao dịch gia tăng. Phân khúc thị trường căn hộ quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2), có giá bán trên dưới 15 triệu đồng/m2 và tổng giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ vẫn là phân khúc thị trường chủ đạo. Điển hình là các dự án của Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành, Công ty CP Đầu tư Nam Long, Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa Ốc Hưng Thịnh…
Trong phân khúc thị trường BĐS cao cấp, những dự án có vị trí tốt, nhiều tiện ích của các chủ đầu tư uy tín vẫn được thị trường đón nhận như các dự án của Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức, Công ty CP Tập đoàn C.T, Công ty CP Đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty Novaland, Cty Capitalland…
Phân khúc thị trường văn phòng cho thuê, khu thương mại cũng đang có dấu hiệu hồi phục với giá cho thuê đang ở mức rất cạnh tranh (ở trung tâm quận 1 có dự án chỉ cho thuê với mức khoảng 16-17 USD/m2). Đặc biệt, việc hoàn thành tuyến đường vành đai Phạm Văn Đồng, đường cao tốc Cát Lái – Long Thành (giai đoạn 1) và việc khẩn trương triển khai tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên… đã tạo thêm động lực thúc đẩy sự hồi phục của thị trường BĐS thành phố.
Bên cạnh đó, việc phát triển các khu đô thị mới và các khu dân cư lớn tại địa bàn các tỉnh giáp ranh TPHCM đã hình thành các đô thị vệ tinh xung quanh, tạo lực hút mới, có tác động tích cực theo chiều hướng giãn dân, giảm áp lực tập trung dân cư về thành phố. Chẳng hạn tại tỉnh Long An có dự án Eco Village, Làng Sen Việt Nam của Công ty Phúc Khang hay tỉnh Bình Dương có dự án khu thành phố mới Bình Dương của Becamex – Tokyu Nhật Bản …
Theo đánh giá HoREA, ngoài gia tăng giao dịch, thị trường chuyển nhượng dự án BĐS (M&A) trong năm 2014 cũng phát triển, các nhà đầu tư có năng lực đã mua lại dự án hoặc hợp tác kinh doanh để tái khởi động các dự án đang gặp khó khăn và được thị trường đón nhận tốt. Điển hình là công ty Novaland (mua lại các dự án Lexington, Galaxi 9, Icon 56, Prince, Tresor, Rivergate, 50 Phan Văn Khỏe Q.6), Công ty Hưng Thịnh (mua lại các dự án Thiên Nam, 12View, Thới An), Công ty Phúc Khang (mua laị dự án Eco Town), Công ty Phát Đạt (mua lại 2 dự án ở quận 1), Capitalland (mua lại các dự án The Vista, ParcSpring, Vista Verde, Sparkle, Mulberry & Harmony),…
Tất cả những động thái tích cực trên đã góp phần giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và cung ứng sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của người tiêu dùng. Cụ thể, theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong tổng số 14.490 căn hộ tồn kho vào cuối năm 2012, đến nay đã giải quyết được 8.208 căn (56,64%); trong đó 11 tháng đầu năm 2014 giải quyết được 3.131 căn. 6.282/14.490 căn hộ tồn kho còn lại chủ yếu là các căn hộ có diện tích lớn hơn 70m2, ở các dự án có vị trí không thuận lợi, chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật hoặc các dự án xây dựng chậm tiến độ.
Thùy Dương
báo công thương
|