Thứ Ba, 23/12/2014 10:36

Thị trường chứng khoán năm 2014 trong mắt cơ quan quản lý

Mặc dù xen kẽ trong năm có những yếu tố vĩ mô bất lợi ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) như tình hình Biển Đông, giá dầu quốc tế giảm mạnh và một số điều chỉnh của chính sách tiền tệ, tuy nhiên TTCK Việt Nam đã đạt được một số kết quả trong năm 2014 với một số điểm nổi bật.

Trong năm 2014, nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo đạt trên 5.9% (cao hơn so với mục tiêu 5,8% và mức 5,42% trong năm 2013) nhờ vào gia tăng trong lĩnh vực xuất khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2014 tăng 2,08% so với tháng 12/2013. Lạm phát và tỷ giá được kiểm soát tốt. Mặt bằng lãi suất đã giảm. Các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế đã được Chính phủ triển khai đồng bộ.

Mặc dù xen kẽ trong năm có những yếu tố vĩ mô bất lợi ảnh hưởng đến sự phát triển của TTCK như tình hình Biển Đông, giá dầu quốc tế giảm mạnh và một số điều chỉnh của chính sách tiền tệ, tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được một số kết quả trong năm 2014 với một số điểm nổi bật như sau:

Thị trường chứng khoán có sự tăng trưởng và xác lập mặt bằng vững chắc

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2014 có diễn biến rất khả quan xét về các phương diện tốc độ tăng chỉ số, mức độ ổn định, khối lượng giao dịch và phản ánh khá rõ nét những chuyển biến tích cực trong nền kinh tế. Thị trường phát triển theo chiều hướng tăng trưởng, mặc dù xen kẽ những khoảng điều chỉnh giảm. Chỉ số VN-Index đã lập đỉnh tại mức điểm 640,75 (ngày 3/9) sau gần 6 năm đạt được, trong khi chỉ số HNX-Index cũng đã lập đỉnh tại mức điểm 92,99 (ngày 24/3) sau đúng 3 năm. Tính đến ngày 08/12/2014, chỉ số VN-Index đạt 571,68 điểm tăng 13,3% so với cuối năm 2013, còn chỉ số HNX-Index đạt 87,17 điểm tăng 28,5% so với cuối năm 2013.

Tính đến ngày 08/12/2014, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 1.164 nghìn tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2013; giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 5.448 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ bình quân mỗi phiên đạt 2.971 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với năm 2013.

Huy động vốn qua thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì ở mức cao

Tính đến ngày 08/12/2014, toàn bộ thị trường đã có 1.240 loại chứng khoán niêm yết, trong đó bao gồm 671 doanh nghiệp niêm yết, 1 chứng chỉ quỹ đóng niêm yết, 1 chứng chỉ quỹ ETF và 567 trái phiếu niêm yết.

Tổng giá trị niêm yết cổ phiếu, chứng chỉ quỹ là 425 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2013; trong đó giá trị niêm yết trên SGDCK Tp.Hồ Chí Minh chiếm 78,19%. Mức vốn hóa thị trường tính đến ngày 8/12/2014 đạt khoảng 1.156 nghìn tỷ đồng, tăng 21,77% so với năm 2013 và tương đương 32,24% GDP.

Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK năm 2014 ước đạt 237 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 27,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó tổng giá trị huy động qua phát hành Trái phiếu Chính phủ ước đạt 214 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 90% tổng giá trị vốn huy động và gần tương đương với mức huy động vốn kỷ lục trong năm 2013.

Các sản phẩm mới bước đầu triển khai

Bên cạnh việc triển khai sản phẩm ETF (hai quỹ sẽ vận hành trong năm 2014), cơ quan quản lý cũng đang tích cực nghiên cứu để có thể sớm triển khai thí điểm quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung.

Bên cạnh đó, trên cơ sở Đề án về xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh đã được TTCP phê duyệt tại Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 11/03/2014, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh để trình Chính phủ trong tháng 12/2014. Đây là bước tiến quan trọng trong việc tạo ra hành lang pháp lý cho việc triển khai các sản phẩm mới, tạo ra công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, tăng sức hấp dẫn cũng như góp phần đưa thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ở một tầm cao mới.

Tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán đạt kết quả tốt

Việc tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán dựa trên các chỉ tiêu an toàn tài chính để tiến hành rà soát, đánh giá phân loại CTCK, trên cơ sở đó tiến hành xử lý theo hướng hợp nhất, sáp nhập, giải thể CTCK.

Tính đến tháng 09/2014 đã có 20 CTCK chấm dứt và đình chỉ hoạt động, giải thể, hợp nhất, giảm số CTCK thua lỗ từ 60% xuống còn dưới 20%. Ngoài ra, UBCK cũng đã thực hiện đánh giá, xếp loại các CTCK dựa trên quy chế CAMEL. Theo đó, đã phân loại các CTCK thành các nhóm A, B, C, D, E để từ đó có phương án theo dõi, xử lý đối với từng nhóm và tiến hành kiểm tra đối với các CTCK nằm trong nhóm D, E để tiếp tục tái cấu trúc trong thời gian tới.

Đẩy mạnh quá trình CPH, thoái vốn nhà nước gắn với niêm yết

Năm 2014, với việc TTCP ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 về CPH DNNN, thoái vốn gắn với niêm yết, đồng thời cho phép cơ chế DNNN được thoái vốn dưới mệnh giá và giá trị sổ sách đã tạo sự linh hoạt trong việc cải cách sắp xếp DNNN, góp phần hỗ trợ công tác huy động vốn, nâng cao sức cạnh tranh, tạo sự minh bạch của doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán được đưa ra từ đầu năm 2014 vẫn chưa được triển khai đồng bộ và nhiều giải pháp vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo, ví dụ như tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài; phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, chế độ kế toán cho các loại hình quỹ mới…vv. Để thúc đẩy thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, thu hút nhà đầu tư trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan quản lý cần phối hợp với các thành viên thị trường triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường chứng khoán thông qua việc:

(1) Xây dựng cơ chế phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá;

(2) Giám sát xử lý các doanh nghiệp chào bán cổ phiếu ra công chúng không đưa cổ phiếu vào giao dịch trong vòng 01 năm; 

(3) Khuyến khích doanh nghiệp cung cấp thông tin bằng tiếng Anh và xây dựng báo cáo phát triển bền vững;

(4) Xây dựng cơ chế và lộ trình thực hiện Quản trị rủi ro cho các công ty niêm yết;

(5) Hoàn chỉnh pháp lý để sớm đưa vào vận hành các sản phẩm cơ cấu (Covered Warrant; NVDRs và các sản phẩm Hedge);

(6) Xây dựng pháp lý, hệ thống công nghệ thông tin và các hệ thống phụ trợ để sớm đưa các sản phẩm phái sinh (Index Futures và Bond Futures) vào hoạt động.

Hai là, kích cầu và khơi thông dòng vốn trên cơ sở:

(1) Triển khai nâng hạng TTCK VN trên bảng MSCI;

(2) Nâng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại các DN niêm yết có sở hữu nhà nước;

(3) Rà soát, điều chỉnh và có cơ chế kiểm soát vốn từ NH sang TTCK để đảm bảo an toàn hệ thống, hạn chế sở hữu chéo giữa các định chế ngân hàng và CK, bảo hiểm, đặc biệt trong mô hình mẹ - con; góp phần thúc đẩy tái cấu trúc và tăng vốn NHTM;

(4) Nâng cao ý thức công bố thông tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật chứng khoán và TTCK tăng cường hiểu biết cho NĐT và doanh nghiệp;

(5) Phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp và xây dựng các quy định về xếp hạng tín nhiệm, thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam;

(6) Nghiên cứu xây dựng Quỹ bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp các tổ chức trung gian tài chính giải thể, phá sản để đảm bảo tài sản cho nhà đầu tư;

(7) Xây dựng các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán các các loại hình sản phẩm mới như việc cho các sản phẩm phái sinh được hạch toán theo giá thị trường;

(8) Tham gia đầy đủ các nguyên tắc của hội viên đối với tổ chức IOSCO mà VN là thành viên cũng như tham gia thành viên các tổ chức quốc tế khác về TTCK;

(9) Phối hợp với các tổ chức quốc tế để tổ chức các Diễn đàn đầu tư tại Việt Nam và nước ngoài để xúc tiến và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Ba là, tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán và hiện đại hóa cấu trúc thị trường theo hướng:

(1) Tiếp tục hợp nhất, giải thể, phá sản các Cty CK yếu kém, thua lỗ dựa trên nền tảng các chỉ tiêu an toàn tài chính;

(2) Cho phép tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài mua để sở hữu đến 100% công ty chứng khoán trong nước;

(3) Hợp nhất các Sở giao dịch Chứng khoán và phát triển, phân định các khu vực thị trường: Thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và hình thành thị trường sản phẩm phái sinh để nâng cao vị thế của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trong khu vực Asean;

(4) Hoàn thiện đầu tư CNTT cho toàn thị trường theo hướng hiện đại, thống nhất;

(5) Nghiên cứu hệ thống vay/cho vay chứng khoán mục đích để phục vụ thanh toán bù trừ; xây dựng hệ thống phục vụ các sản phẩm phái sinh; (6) Đào tạo, tuyên truyền quảng bá về thị trường và các sản phẩm mới.

UBCKNN

Các tin tức khác

>   Chính thức ra mắt chỉ số tổng thu nhập HNX30 TRI vào 15/12 (15/12/2014)

>   Nới room - “nước chảy qua cầu” (14/12/2014)

>   Từ 01/01/2015 sẽ áp dụng HNX-FF-Index thay cho HNX-Index (01/12/2014)

>   Ông Vũ Bằng: Điều chỉnh nới room khối ngoại sẽ trình Chính phủ vào tháng 10/2015 (01/12/2014)

>   HOSE và Deloitte Việt Nam ký kết MOU về lĩnh vực rủi ro (28/11/2014)

>   Chính sách về thị trường chứng khoán 2014: Đã hoàn thiện gì và còn lại gì? (27/11/2014)

>   Thị trường chứng khoán phái sinh: Trăn trở tài sản cơ sở (19/11/2014)

>   Việt Nam học hỏi kinh nghiệm sáp nhập các Sở giao dịch của Nhật Bản (11/11/2014)

>   Việt Nam hợp tác Đài Loan phát triển chứng khoán phái sinh (08/11/2014)

>   HOSE: Ban hành quy chế hòa giải (31/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật