Sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn: Các ngân hàng phải tự cân đối bài toán vốn
Với việc tăng tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ hỗ trợ tích cực đối với các NH đang trong thế “kẹt”. Nhưng cũng không ít ý kiến băn khoăn từ phía các chuyên gia, nếu như các NH sử dụng hết tỷ lệ này thì nguy cơ mất cân đối giữa nguồn vốn ngắn hạn và trung, dài hạn quá lớn?
Một trong những quy định mới tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN được nhận định sẽ giúp DN có nhiều cơ hội vay vốn trung, dài hạn là việc cho phép nâng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đối với các NHTM lên 60%, gấp đôi so với quy định trước đó.
Tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Huy Khang đánh giá: Việc điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn trên sẽ hỗ trợ tích cực đối với hoạt động NH, nhất là tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn. Vì thực tế, nhu cầu vốn trung, dài hạn chưa khi nào giảm mà còn ngày càng tăng đối với cả khách hàng DN và cá nhân. Nhưng có một số NH vì hết “room” sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nên dù cầu vốn có và nguồn cung vốn cũng dồi dào nhưng vẫn không thể “gặp nhau”.
Vì vậy, với việc tăng tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ hỗ trợ tích cực đối với các NH đang trong thế “kẹt”. Nhưng cũng không ít ý kiến băn khoăn từ phía các chuyên gia, nếu như các NH sử dụng hết tỷ lệ này thì nguy cơ mất cân đối giữa nguồn vốn ngắn hạn và trung, dài hạn quá lớn?.
Điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn sẽ hỗ trợ tích cực đối với hoạt động NH, nhất là tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn
|
Về vấn đề này, TS. Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia lại cho rằng, sự điều chỉnh trên không có gì quan ngại. TS. Ngân phân tích, tuy là vốn ngắn hạn nhưng lại được duy trì thường xuyên trên tài khoản NH nên đây được coi là nguồn vốn khá ổn định. “Có thể với 1 tài khoản sẽ biến động, nhưng xích ma (tổng) tài khoản là một số ổn định”, TS. Ngân nói rõ thêm. Mặt khác, từ thực tiễn cũng cho thấy, việc sử dụng vốn của các DN rất linh hoạt, không có DN nào sử dụng 100% vốn ngắn hạn cho các mục đích ngắn hạn của mình.
Xoay quanh băn khoăn trên, Phó tổng giám đốc ACB - ông Nguyễn Thanh Toại, đưa ra quan điểm, trong bối cảnh tín dụng khó khăn hiện nay, thanh khoản NH dồi dào thì việc nới tỷ lệ trên cũng không ảnh hưởng đến an toàn hệ thống, mà gỡ khó cho những NH đang sử dụng hết “room” vốn ngắn hạn, nhất là với hoạt động cho vay bất động sản.
Với lo ngại NH mạnh tay sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, ông Toại cho rằng đến thời điểm này không có NH nào dám làm câu chuyện lấy ngắn nuôi dài. Hay nói cách khác, chỉ đi huy động vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn. NHNN đưa ra quy định 60% xem như rào chắn cuối cùng cho các NH. Vì thế, không phải NHNN đưa ra tỷ lệ bao nhiêu các NH sẽ sử dụng hết mà bản thân các NHTM sẽ phải tự cân đối, tính bài toán vốn của mình. Vì mỗi NH có khách hàng mục tiêu riêng, sản phẩm đặc trưng riêng và quan trọng là khẩu vị rủi ro của họ cũng khác nhau.
“Các NH rất thận trọng trong sử dụng tỷ lệ vốn này chứ không phải cứ cho bao nhiêu là họ dùng hết bấy nhiêu”- ông Toại khẳng định.
Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc Maritime Bank - ông Trần Xuân Quảng cho rằng, NH cũng muốn tăng tỷ trọng cấp vốn lên để tăng tính chủ động trong việc phát triển tín dụng trung, dài hạn ổn định hơn. Nhưng dù NHNN có cấp trần tỷ lệ này bao nhiêu, theo ông Quảng, các NH cũng nên có một khẩu vị rủi ro để làm thước đo căn chỉnh trong quá trình sử dụng phù hợp với khả năng chịu đựng của mình, chứ không thể chạy theo phong trào. “Nếu các NH cố chạy theo cho bằng bạn bằng bè, trong khi sức khỏe tài chính kém hơn thì chắc chắn lại rơi vào tình trạng mất cân đối vốn, rủi ro thanh khoản hiện hữu”, một lãnh đạo NH bình luận.
Không chỉ các NH mà ngay cả đối với cơ quan quản lý là NHNN, theo quan điểm của các chuyên gia, cũng phải có khẩu vị rủi ro nhất định đối với nền kinh tế. Ví dụ trong thời điểm này, nhiệm vụ của hệ thống NH là tìm cách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng phải kiểm soát được rủi ro. Vì vậy, nếu chọn mức khẩu vị rủi ro cầu toàn quá, NH sẽ khó có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua kênh vốn trung, dài hạn.
Vì vậy, quy định cho phép các NH được sử dụng 60% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong thời điểm này được TS. Ngân nhận định là phù hợp. Hơn nữa, trong trường hợp gặp khó khăn thanh khoản, các NH còn có sự đảm bảo hỗ trợ thanh khoản từ phía NHNN qua các công cụ tái chiết khấu, tái cấp vốn.
Không những không e ngại về sự “nới tay” này của NHNN, có chuyên gia còn cho rằng lẽ ra NHNN có thể bỏ luôn quy định về vấn đề sử dụng vốn ngắn hạn trong cho vay trung dài hạn. Bởi nhiều nước trên thế giới không có quy định về tỷ lệ sử dụng vốn. Nhưng tại Việt Nam, NHNN vẫn phải duy trì quy định tỷ lệ sử dụng vốn này để kiểm soát rủi ro trong cho vay chênh lệch kỳ hạn. Biện pháp này áp dụng từ kinh nghiệm trước đây, một số NH đã không kiểm soát được khi sử dụng vốn ngắn hạn cho vay các khoản đầu tư dài hạn khiến họ rơi vào tình trạng mất cân đối, khả năng rủi ro thanh khoản cao.
Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động NH, ông Phạm Huyền Anh cho biết, việc điều chỉnh tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn mà TCTD được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn được tính toán phù hợp với phạm vi, tính chất hoạt động của từng loại hình TCTD, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lành mạnh gắn với an toàn thanh khoản. Tỷ lệ này được cơ quan quản lý tính toán dựa trên nhiều yếu tố và kiểm tra kiểm soát đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng khả năng chi trả của các NH.
“NHNN sẽ theo dõi, giám sát, cảnh báo các TCTD khi có dấu hiệu vượt trần quy định và sẽ có biện pháp hỗ trợ khi cần thiết”, ông Huyền Anh cho biết thêm.
Theo quy định tại Thông tư 36, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa như sau: NHTM là 60%; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 60%; Ngân hàng Hợp tác xã là 60%; TCTD phi ngân hàng là 200%.
|
Huyền Thanh
thời báo ngân hàng
|