Thứ Ba, 02/12/2014 08:37

Doanh nghiệp vẫn ”tắc” đầu ra:

Khó khơi thông nguồn vốn ngân hàng

Lãi suất cho vay với doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh thông thường xuống còn khoảng 7-8%/năm nếu có dự án tốt; lãi suất tiêu dùng cho khách hàng cá nhân mua ô tô, nhà… cũng ở mức 10-10,5%/năm. Nhưng thực tế là nguồn vốn trong ngân hàng vẫn ứ, do lãi suất thấp chưa đủ hấp dẫn khách hàng. Vậy hiện nay lãi suất có còn là rào cản?

Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Quốc tế. Ảnh: Trần Hải

Mặc dù đã xuống đến mức hợp lý trong thời gian gần đây nhưng các ngân hàng vẫn tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) điều chỉnh giảm lãi suất cho vay USD thêm 0,3-0,4%/năm. Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cũng kéo lãi suất huy động xuống còn 0,1-0,5%/năm để có thể điều chỉnh lãi suất cho vay. Đây là lần thứ tư Vietcombank điều chỉnh lãi suất trong năm nay. Mức lãi suất huy động cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng chỉ là 6,3%/năm cho kỳ hạn 24-60 tháng. Những kỳ hạn khác trong khoảng 4-5,4%/năm. Trần lãi suất cho vay bằng VND điều chỉnh từ 8%/năm xuống 7%/năm áp dụng cho các đối tượng ưu tiên.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện lãi suất huy động VNĐ đã được khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) áp dụng giảm khoảng 0,2%/năm so với trước.

 

Cụ thể, lãi suất phổ biến là 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 5-5,5%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 5,7-6,8%/năm; trên 12 tháng 6,8-7,5%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên 7%/năm (ngắn hạn), 9-10%/năm (trung và dài hạn); với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất là 7-9%/năm (ngắn hạn); 9,5-11%/năm (trung và dài hạn). Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3-7%/năm; trong đó cho vay ngắn hạn là 3-6%/năm; trung, dài hạn 5,5-7%/năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, lãi suất đã giảm xuống mức hợp lý so với kỳ vọng của DN. Bởi cách đây khoảng 2 năm, DN vẫn mong được chạm tới lãi suất 10%/năm nhưng không vay được vì thời điểm đó lãi suất vay là 15-17%/năm; đến nay đã xuống dưới ngưỡng 10% nếu DN có dự án khả quan trong tương lai. Tuy nhiên, vấn đề là nhiều DN vẫn nói không với việc vay ngân hàng.

Chỉ còn khoảng một tháng nữa là kết thúc năm, nhưng cho đến thời điểm này, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn ì ạch. Có vẻ như cái đích 12-14% cho tăng trưởng tín dụng mà NHNN đặt ra khó có thể thực hiện được. Trong khi dòng tiền vào tiếp tục đạt mức cao, nhiều người vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm để bảo toàn vốn, thì đầu ra của tiền vẫn ít có sự chuyển động. Mặc dù một số đơn vị tiếp tục áp chỉ tiêu cho nhân viên với yêu cầu huy động tối thiểu 3-6 tỷ đồng, nhưng chính họ lại không biết dùng nguồn tiền huy động đó để làm gì vì ít có khách hàng vay.

Những năm trước, vào thời điểm này, DN ùn ùn kéo đến ngân hàng, tận dụng mọi quan hệ để có thể được vay tiền bất chấp lãi suất cao ngất ngưởng. 1-2 năm gần đây, DN gần như nói không với ngân hàng. Trở ngại trong việc tiếp cận với ngân hàng không còn là thủ tục rườm rà, thiếu tài sản thế chấp, lãi suất… mà DN không có nhu cầu vay vì bí đầu ra của hàng hóa.

Tình trạng thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng khiến sản phẩm được làm ra không tiêu thụ được, hàng tồn đọng nhiều khiến DN khóc dở mếu dở, tìm cách để tồn tại đã khó, chưa nói đến vay vốn để mở rộng đầu tư. Còn với những DN thật sự khỏe, với những dự án kinh doanh tốt cũng từ chối vay vì không dám đầu tư lớn hơn, ngại rủi ro trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu nói chung, trong nước nói riêng vẫn chưa có nhiều mảng sáng.

Có một nghịch lý là những DN đủ điều kiện vay thì không muốn vay, nhưng những DN thật sự muốn tiếp cận nguồn vốn lại không có đủ điều kiện cần, bởi ngân hàng sợ phát sinh thêm nợ xấu, không dám cho vay dễ dãi như trước. Nhiều ngân hàng phàn nàn, có những DN muốn vay vài chục tỷ đồng, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng, nhưng vẫn phải lắc đầu vì chưa nhìn thấy tương lai lạc quan của DN đó. Sự dè dặt không phải không có lý khi trong mấy chục báo cáo tài chính của các ngân hàng mới công bố gần đây, đã có gần 30 cái tên đang ngấp nghé với mức nợ xấu xấp xỉ 3% cao hơn trên tổng dư nợ.

Vậy dư địa cho việc giảm lãi suất có còn và lãi suất có ảnh hưởng tới quyết định vay vốn của DN? Theo các chuyên gia, vấn đề lãi suất huy động và lãi suất tiền gửi phụ thuộc vào nền kinh tế. Việc hạ lãi suất hay không còn phải xem xét đến sức khỏe của nền kinh tế, nhằm bảo đảm cho dòng tiền chảy vào nền kinh tế không bị ngừng trệ. Nếu duy trì mức lạm phát thấp trong năm 2015, dư địa giảm lãi suất sẽ còn nhiều. Thử đặt bài toán nếu lãi suất huy động VNĐ là 5,5%/năm, lạm phát chỉ dừng lại ở 3%, mức chênh lệch là 2,5% đủ để người gửi tiền không phải lo lắng về sự mất giá của VNĐ. Tuy nhiên, để dòng tiền ra - vào được luân chuyển nhịp nhàng không chỉ cần sự nỗ lực của ngành ngân hàng, mà cần có sự chung tay của nhiều ngành chức năng để kích cầu tiêu dùng, tạo đầu ra cho sản xuất. Khi DN có thể đẩy hàng ra thị trường mới dám vay vốn ngân hàng để đầu tư.

Đức Anh

Hà Nội mới

Các tin tức khác

>   Kiều hối đổ vào lĩnh vực bất động sản (02/12/2014)

>   Cơ hội sở hữu iPhone 6 khi mở tài khoản thanh toán tại VIB (02/12/2014)

>   TP Hồ Chí Minh: Gần 38.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ DN (02/12/2014)

>   Nhiều ngân hàng tăng nhẹ tỷ giá (01/12/2014)

>   TPHCM: Kiều hối đạt 4,4 tỷ USD (01/12/2014)

>   Xóa sở hữu chéo ngân hàng (01/12/2014)

>   Cần tăng thời hạn cho khách hàng vay mua nhà đến 20 năm (01/12/2014)

>   Trên 24,8 triệu lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn chính sách (01/12/2014)

>   Nới tối đa gói 30.000 tỷ: Tha hồ vay vốn (30/11/2014)

>   Náo loạn vì các ngân hàng tranh nhau phát mãi tài sản (30/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật